Theo đó, mức học phí của một số chuyên ngành đào tạo sẽ tăng trên 70%. Cụ thể, khối ngành Răng Hàm Mặt và Y dược có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng, khối ngành Sức khỏe có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng và ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến là 3,7 triệu đồng/tháng. Các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ mức học phí gần 4 triệu đồng/tháng đến trên 6 triệu đồng/tháng.
Năm học 2021 - 2022 trường Đại học Y Hà Nội chưa thực hiện cơ chế tự chủ vì vậy học phí năm học này với sinh viên chính quy vẫn theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, khoảng 14,3 triệu đồng/năm.
Như vậy, so với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.
Theo kế hoạch năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Hành lang pháp lý của việc tăng học phí này là Nghị định 81 của Chính phủ. Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật).
Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải hơn, ở mức 15,3%.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y Dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y Dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.