Chỉ còn mấy tuần nữa tới Tết, chị Oanh (Hà Đông, Hà Nội) rất sốt ruột vì vòng 2 "bèo nhèo" còn vòng 3 chảy sệ. Quyết tâm nâng cấp vòng 3, siết eo, giảm mỡ, tăng cơ chị theo học một lớp tập thể dục online.
"Chị em trong nhóm online "kháo" nhau nếu chỉ tập luyện mà không dùng các bột tăng cơ thì rất khó đạt nhanh mục tiêu. Vì thế tôi đã quyết mua gói bánh có bột whey dùng liên tục trong 1 tháng, giá gần 1,5 triệu đồng" - chị Oanh chia sẻ. Để "giảm đầu vào, tăng tiêu hao", chị còn cắt bớt khẩu phần ăn hàng ngày.
Dùng bánh và kiên trì tập luyện đến mức "tê dại cả vòng 3", chị Oanh cho hay đã có sự cải thiện rõ rệt khiến chị tự tin hơn hẳn. Tuy nhiên, gần đây, chị hay có triệu chứng đau dạ dày hơn, như chướng bụng, đầy hơi, co thắt, rất khổ sở.
Whey protein được làm từ whey - là chất lỏng tách ra khỏi sữa trong quá trình tạo pho mát. Sau đó, whey được lọc, tinh chế và sấy khô thành bột whey protein. Đây là sản phẩm quen thuộc với các vận động viên, những người đam mê thể dục và những người muốn tăng cơ hoặc giảm cân tập luyện thể thao, đặc biệt là người tập gym.
Có ba loại whey protein chính gồm whey protein cô đặc (chứa khoảng 70 - 80% protein, loại phổ biến nhất, có nhiều lactose, chất béo và khoáng chất từ sữa), whey protein cô lập (chứa 90% protein trở lên, tinh chế hơn và có ít lactose, chất béo hơn, chứa ít khoáng chất có lợi hơn), whey protein thủy phân hay whey protein hydrolysate (cho phép cơ thể hấp thụ nhanh hơn).
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết về cơ bản, whey protein an toàn với liều từ 25 - 50g/ngày (khoảng 1-2 muỗng). Nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Bên cạnh đó, một số người có thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa whey protein và gặp các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy. Nguyên nhân là do cơ thể không dung nạp lactose. Với những trường hợp này, có thể dùng whey protein cô lập một cách an toàn hoặc loại bột protein không có nguồn gốc từ sữa.
Thực tế, không ít người vì "sùng bái" whey protein thậm chí thay thế luôn khẩu phần ăn hàng ngày, giảm dinh dưỡng từ các thực phẩm khác như hoa quả, thịt, cá, rau củ... TS Sơn nhấn mạnh quan điểm này hoàn toàn sai lầm. "Ngay cả khi dùng whey protein thì vẫn chưa đủ các chất dinh dưỡng, mà vẫn phải duy trì chế độ ăn uống cân bằng, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng" - ông nói.
Bên cạnh đó, bữa ăn giàu protein ở người bình thường có thể làm tăng áp lực lên thận, khiến chúng phải lọc máu nhiều hơn bình thường. Dù chưa có bằng chứng về việc whey protein ảnh hưởng đến thận, song các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu protein ở những người bị bệnh thận có thể làm tăng tổn thương thêm thận. Do đó, nếu gặp vấn đề với thận, bạn nên kiểm tra với bác sĩ để được tư vấn có thể sử dụng whey protein hay không.
Tương tự, lượng protein cao có thể gây hại cho những người bị xơ gan, một bệnh gan mãn tính. Gan giúp thải các chất độc hại trong máu như amoniac. Vì vậy, lượng protein cao có thể làm tăng nồng độ amoniac trong máu, có thể gây hại cho não. Các thầy thuốc khuyên rằng, nếu bạn bị bệnh gan, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng whey protein.