Theo thống kê chưa đầy đủ, sỏi thận chiếm khoảng 40% số ca bệnh lý tiết niệu, trong đó sỏi san hô chiếm khoảng 5% số ca sỏi thận.
Điều đáng nói sỏi san hô rất phức tạp, chiếm hết đài bể thận, loại sỏi này thường được hình thành trong thời gian khá dài. So với sỏi thận thông thường, phẫu thuật lấy sỏi san hô phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Lấy sỏi san hô, bảo tồn thận cho người bệnh
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật lấy thành công khối sỏi san hô lớn cùng nhiều viên sỏi nhỏ tại thận phải cho một bệnh nữ 48 tuổi. Được biết, khoảng 27 năm trước, người bệnh từng phẫu thuật lấy khối sỏi san hô tại thận trái.
Sau khi tiến hành chụp X-quang, CT-Scanner phát hiện khối sỏi thận phải lớn kích thước khoảng 5x3cm. Do khối sỏi kích thước lớn nên các bác sĩ không thể sử dụng phương pháp tán sỏi qua da hoặc phẫu thuật nội soi để can thiệp điều trị.
Vì vậy, kíp phẫu thuật đã quyết định mổ mở bể thận nhu mô để lấy sỏi và bảo tồn chức năng thận cho người bệnh. Sau 1 giờ thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ được khối sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Hiện sức khỏe người bệnh hồi phục tốt.
Hình ảnh sỏi san hô lớn được các bác sĩ phẫu thuật thành công.
Yếu tố nguy cơ hình thành sỏi san hô
Sỏi san hô là tình trạng các viên sỏi lấp đầy từ 2 nhánh đài thận trở lên, có hình trông giống san hô. Sỏi san hô còn được gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng.
Sỏi san hô có 2 loại: Sỏi san hô toàn phần là loại sỏi đúc khuôn theo toàn bộ hệ thống đài bể thận, sỏi san hô bán phần là sỏi chỉ đúc khuôn theo một phần hệ thống đài bể thận hoặc giữa chúng có khớp.
Yếu tố nguy cơ hình thành sỏi là thường gặp tuổi 20-40 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ giới. Người châu Á, người da trắng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người da đen. Ngoài ra, những người béo phì, tăng huyết áp, cường tuyến cận giáp, các dị tật đường tiết niệu,… dễ mắc sỏi.
Yếu tố ở nơi vùng núi cao, sa mạc, vùng nhiệt đới tỷ lệ mắc sỏi cao hơn những nơi khác; Uống ít nước <1200ml ngày cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Những người làm công việc tĩnh tại, ít vận động, làm việc môi trường nắng nóng; có chế độ ăn uống nhiều đạm, ăn quá mặn, ăn ít chất calci tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi nhiều hơn.
Biểu hiện khi mắc sỏi san hô
Biểu hiện của người bị sỏi san hô rất đa dạng nhưng thường là đau lưng, có thể có sốt, tiểu ra máu, đau, bí tiểu… Sỏi lấp đầy các đài bể thận gây ứ nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng niệu dẫn đến phá hủy dần nhu mô thận. Nhiễm trùng có thể làm cho viêm đài bể thận, thận ứ mủ hay áp-xe quanh thận. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng.
Trên thực tế, sỏi san hô thường phát triển âm thầm, không gây đau tức nhiều, nên khi người bệnh phát hiện bệnh sỏi đã lớn, chiếm gần hết các đài thận. Các nhánh của viên sỏi len lỏi vào từng đài thận nhỏ, nước tiểu sau khi hình thành không được đẩy hết từ đài thận vào bể thận. Nước tiểu ứ đọng lại nhiều tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương tế bào thận, giảm chức năng thận.
Sỏi san hô rất khó điều trị, khiến chúng càng trở nên nguy hiểm hơn. Với các trường hợp sỏi san hô, việc điều trị nội khoa (dùng thuốc) chỉ có tác dụng làm sỏi không tăng kích thước. Một số trường hợp sau khi dùng thuốc thấy các triệu chứng đau tức thắt lưng giảm, tưởng sỏi đã giảm bớt, chủ quan không thăm khám thường xuyên khiến tình trạng sỏi ngày càng nặng hơn. Hầu hết các trường hợp sỏi tiến triển thành suy thận là do sỏi san hô.
Sỏi thận san hô nếu không được điều trị có thể gây viêm đài bể thận, suy thận, nhiễm độc toàn thân, từ đó dẫn đến tử vong.
Lời khuyên bác sĩSỏi san hô là căn nguyên tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc cần được thăm khám và điều trị. Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng 1 lần. Siêu âm bụng là phương tiện tầm soát giúp phát hiện sớm sỏi niệu tốt nhất. Để phòng ngừa sỏi nên uống nhiều nước >2 lít mỗi ngày, uống từ từ và chia đều trong ngày. Thường xuyên tập thể dục, vận động tùy theo độ tuổi từ 30-45 phút /ngày.
Với người bệnh có sỏi san hô, nếu không điều trị sỏi sẽ tàn phá làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các trường hợp có tiền sử sỏi thận cần thường xuyên thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu máu, tiểu buốt người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà. Siêu âm thận, chụp X-quang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu.