Những thói quen gây sỏi thận ít người biết

15-03-2024 08:55 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhịn tiểu, không uống đủ nước, ăn mặn... là những thói quen có thể gây sỏi thận. Đây là bệnh lý gây ra những cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ, sỏi thận nếu không điều trị kịp thời hoặc không điều trị đúng phương pháp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nhiều người bệnh khi bị sỏi thận thường có tâm lý chủ quan không thăm khám hoặc uống các loại thuốc trên mạng với mong muốn sỏi tự tan hết. Tuy nhiên có những trường hợp phải cắt bỏ một bên thận chỉ vì một viên sỏi.

Những thói quen gây sỏi thận

Có những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.

- Uống không đủ nước. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, thận sẽ không đủ nước để lọc, đào thải các khoáng chất ra ngoài lâu dần gây tích tụ sỏi.

- Thói quen nhịn tiểu thường xuyên khiến các khoáng chất không được đào thải thường xuyên từ đó dẫn đến tích tụ và gây sỏi.

- Thói quen ăn mặn hoặc ăn nhiều đạm, đồ ăn nhiều dầu mỡ… gây quá tải cho thận.

- Dùng thuốc không đúng cách: dùng quá nhiều vitamin C, calci hoặc lạm dụng kháng sinh không có sự giám sát của bác sĩ.

- Nằm tại chỗ trong một thời gian dài.

Những thói quen gây sỏi thận ít người biết- Ảnh 1.

Uống ít nước, thường xuyên nhịn tiểu là những thói quen có thể gây sỏi thận.

Sỏi thận có tự hết không?

Tùy vào vị trí và kích thước của viên sỏi, sỏi thận có thể gây ra các triệu chứng khác nhau như:

  • Đau vùng mạn sườn, lưng do sỏi làm tắc nghẽn đường tiểu.
  • Đi tiểu có cảm giác đau.
  • Tiểu ra máu, tiểu són, tiểu rắt, tiểu buốt.
  • Nôn hoặc có cảm giác buồn nôn.
  • Một số trường hợp có nhiễm khuẩn kèm theo người bệnh có thể sốt hoặc ớn lạnh.

Nhiều người thường chủ quan khi bị sỏi thận. Tuy nhiên, người bệnh cần biết rằng sỏi thận có thể tự hết hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kích thước, vị trí sỏi… Người bệnh khi có các biểu hiện của sỏi thận cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bởi sỏi thận nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: ứ nước, ứ mủ, nhiễm khuẩn tái phát kéo dài lâu dần có thể bị mất chức năng thận hoặc suy thận.

Những thói quen gây sỏi thận ít người biết- Ảnh 2.

Trường hợp bệnh nhân phải cắt bỏ một bên thận do không điều trị sỏi thận.

Sỏi thận có dễ tái phát không?

Sỏi thận còn có nguy cơ tái phát cao nếu người bệnh không có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Thậm chí, có đến 50% sỏi sẽ tái phát sau điều trị. Do vậy, sau khi điều trị hết sỏi, người bệnh vẫn cần phải duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để tránh tái phát.

Người bệnh cần uống đủ nước, từ 2-3lít/ngày, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và giảm đạm, giảm muối trong khẩu phần ăn. Cụ thể, người bệnh nên ăn khoảng 0.8-1g/kg/ngày với chất đạm và 4-5g/ngày với muối.

Bên cạnh đó, người bệnh không nên bổ sung quá nhiều calci hoặc vitamin C, chỉ nên bổ sung từ 1-1,2g/ngày. Đồng thời duy trì thể dục thể thao tuy nhiên không nên tập quá nặng, giữ cân nặng hợp lý (BMI từ 18-25) và nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý tránh căng thẳng trong cuộc sống.

Xem thêm video được quan tâm:

8 thói quen xấu là “thủ phạm” gây nên bệnh sỏi thận | SKĐS



ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng
Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn