Hành trình ‘giành giật sự sống’ của em bé sinh non tuần 25 cân nặng 600 gram

11-10-2023 12:42 | Y tế

SKĐS - Em bé Vũ Phong chào đời non tháng ở tuần 25 thai kỳ với cân nặng chỉ 600 gram, sau 75 ngày được nuôi dưỡng tận tâm tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, sức khoẻ của bé đã hoàn toàn ổn định, nặng 1,8 kg và được trở về trong vòng tay của cha mẹ.

Mang thai được 24 tuần thì chị Nguyễn Như Quỳnh (30 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) có dấu hiệu rỉ ối phải nhập viện. Sau 1 tuần được điều trị giữ thai tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, chị Quỳnh có cơn chuyển dạ và bé Vũ Phong đã chào đời với cân nặng 600 gram.

Ngay khi sinh ra, bé Vũ Phong có hiện tượng tím tái toàn thân, rút lõm lồng ngực rõ, các bác sĩ sơ sinh chẩn đoán bé bị suy hô hấp độ 3 rất nặng. Bé không tự thở được nên đã được các bác sĩ cấp cứu bóp bóng hỗ trợ hô hấp đồng thời đặt ống nội khí quản ngay tại phòng sinh rồi chuyển tới Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh. Từ đây bé Vũ Phong cách ly mẹ và được chăm sóc hoàn toàn bởi các bác sĩ của Khoa Sơ sinh.

photo-1696996945069

Bé Vũ Phong những ngày được nuôi dưỡng trong lồng ấp. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ CKI Đỗ Thị Dung - Bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho bé Vũ Phong tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết: "Với cân nặng 600 gram, Vũ Phong là trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất từ trước đến nay được Khoa điều trị. Sau khi được bóp bóng Ambu qua mặt nạ có oxy thì độ bão hoà oxy trong máu (SPO2) đã tăng từ 70% lên 92%, da bé hồng hơn.

Chúng tôi nuôi dưỡng bé trong lồng ấp, bơm thuốc trưởng thành phổi Surfactant, cho bé thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch rốn để truyền dịch nuôi dưỡng kết hợp phác đồ nuôi dưỡng tối thiểu qua đường tiêu hoá nhằm kích thích đường tiêu hoá của bé hoạt động, tránh tình trạng viêm ruột.

photo-1696996947037

Các bác sĩ liên tục theo dõi sức khoẻ của bé. Ảnh: BVCC.

Sau 7 ngày được nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn, chúng tôi đã tiến hành đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi - Đặt Longline - đây là kỹ thuật hiện đại và rất phức tạp được ứng dụng để truyền dịch nuôi dưỡng trẻ sinh non dài ngày giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Vì thể trạng của bé quá non nớt, sức đề kháng yếu nên chúng tôi đã phải dùng kháng sinh điều trị dự phòng nhiễm khuẩn và điều trị các rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, rối loạn toan - kiềm".

Theo bác sĩ Dung, do bé phải thở máy dài ngày (25 ngày thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, 30 ngày thở máy không xâm nhập qua gọng mũi) nên phổi của bé yếu hơn, các bác sĩ phải điều trị bệnh phổi mạn tính. Sau khi điều trị 1 đợt thì Vũ Phong cai máy thở thành công, chuyển sang thở oxy mask 10 ngày và cai được oxy.

Ngoài vấn đề điều trị thì vấn đề nuôi dưỡng cũng đặc biệt được lưu tâm, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để bé tăng cân đều. Những ngày đầu bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp ăn sữa qua ống sonde dạ dày với lượng sữa tăng dần từng chút một, 1 ml, 2 ml, 3 ml tăng dần tới 20 - 25ml sữa và khi con được 30 ngày tuổi thì ăn sữa hoàn toàn theo đường tiêu hoá.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Lệ - Trưởng Khoa Sơ sinh tâm sự: "Bé là một trong những ca khó khăn nhất được nuôi dưỡng thành công. Ngay khi chào đời, bé đã bị suy hô hấp rất nặng phải điều trị bệnh lý. Một tháng đầu đời, cuộc sống của con phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và dịch truyền. Thể trạng non yếu khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy ven, tiêm truyền, đặt Catheter tĩnh mạch rốn và nhất là đặt Longline để truyền dịch nuôi dưỡng bé dài ngày. Việc cai máy thở cho con cũng cần rất nhiều nỗ lực.

photo-1696996947771

Các y bác sĩ Khoa Sơ sinh chúc mừng gia đình bé Phong. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó là các nguy cơ mà bé phải đối mặt như nhiễm khuẩn, tổn thương võng mạc. Sau 75 ngày, con đã nặng 1,8 kg, khám sức khoẻ tổng quát cho con (siêu âm tim, siêu âm thóp, khám bệnh võng mạc, siêu âm ổ bụng) nhận thấy tất cả các chỉ số đều trong giới hạn bình thường, con có thể bú sữa mẹ được nên chúng tôi quyết định chuyển bé sang Phòng ghép Mẹ và Bé để mẹ bé có thể tự tay chăm sóc cháu".

"Hơn 2 tháng phải cách ly với con là chuỗi ngày dài đằng đẵng với vợ chồng chúng tôi. Nhìn con sinh ra đỏ hỏn, chỉ nặng 600 gram lại bị suy hô hấp rất nặng phải nuôi dưỡng trong lồng ấp mà lòng chúng tôi đau xót vô cùng. Mỗi ngày vắt sữa gửi vào cho con, ngồi ngoài Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh nghe bác sĩ thông báo về tình trạng sức khoẻ của con, biết con phát triển khoẻ mạnh từng ngày là thêm một ngày chúng tôi hy vọng và vững tin hơn vào sự kiên cường của con chờ đến ngày có thể gặp mẹ.

Sau 75 ngày được nhìn thấy con yêu, được ôm con trong vòng tay và tự mình có thể chăm sóc cho con, thật lòng vợ chồng tôi không biết diễn tả cảm giác hạnh phúc của mình như thế nào. Thương con bao nhiêu thì chúng tôi lại càng cảm thấy biết ơn các bác sĩ Khoa Sơ sinh bấy nhiêu. Các bác sĩ như người mẹ thứ hai đã tái sinh cuộc đời cho con" - mẹ bé Phong bày tỏ trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Người phụ nữ 59 tuổi bất ngờ cao thêm 5cmNgười phụ nữ 59 tuổi bất ngờ cao thêm 5cm

SKĐS - Không chỉ cao thêm 5cm, người phụ nữ còn lấy lại dáng đi thẳng, vai cân, khung chậu không còn lệch.

Hạnh Chi
Ý kiến của bạn