Hà Nội

Sẽ có thêm nhiều chính sách đãi ngộ cho nhà giáo

19-05-2024 15:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngoài tiền lương, dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT thiết kế còn có nhiều chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ giáo viên.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến có nêu: Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Sẽ có thêm nhiều chính sách đãi ngộ cho nhà giáo- Ảnh 1.

Bộ GD&ĐT đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, về chính sách thu hút nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo nêu, Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.

Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Ngoài các quy định chung về chính sách thu hút nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.

Điểm nhấn của dự thảo Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương của nhà giáo, theo đó, chinh sách này bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).

Dự thảo khẳng định, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tại buổi tọa đàm về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức mới đây, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng nhắc lại đề xuất trên.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay, thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội, các cơ quan chức năng đang xây dựng chính sách tiền lương mới để thực hiện từ ngày 1/7. Trong đó, tiền lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp ưu đãi chiếm 30% tổng tiền lương. Tinh thần là ngành giáo dục được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ngoài tiền lương và mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của nhà giáo là cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp.

"Nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết 27 là tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Trong trường hợp sắp xếp tiền lương mới mà thấp hơn tiền lương các thầy cô đang được hưởng thì các thầy cô được quyền bảo lưu tiền lương cũ. Do vậy, các thầy cô yên tâm là tiền lương mới từ 1/7 chắc chắn sẽ cao hơn tiền lương cũ", ông Vũ Minh Đức cho biết.

Lấy ý kiến từ hơn nửa triệu nhà giáo để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo

Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm 2023, Bộ đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau. Bộ tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phân tích, đánh giá, phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo Bộ GD&ĐT, việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025. Vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Bộ cũng xác định đây là cơ hội để tiếp tục có cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với ngành. Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo - một trong ba mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Liệu có cần thiết?Đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Liệu có cần thiết?

SKĐS - Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn