Vì sao học sinh thi vào lớp 10 không được đổi nguyện vọng?

16-05-2024 14:36 | Xã hội
google news

SKĐS - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội đang tới gần, nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi vì sao không có chính sách được điều chỉnh nguyện vọng như một số địa phương khác.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay Hà Nội có 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong đó có gần 106.500 em đăng ký thi. Dự kiến khoảng 61% được vào lớp 10 trường công lập.

Theo ghi nhận, một số trường có biến động mạnh về tỷ lệ chọn tuyển. Trường có "tỷ lệ chọi" cao nhất là Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) với 1/3,11 (năm ngoái, "tỷ lệ chọi" của trường này đứng thứ 9).. Đứng thứ hai là Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), tỷ lệ 1/2,9. Thứ ba là THPT Trần Hưng Đạo (cũng thuộc quận Hà Đông), tỷ lệ 1/2,55. Một số trường có truyền thống dạy tốt, học tốt đều có "tỷ lệ chọi" cao là: Nhân Chính - 1/2,4; Sơn Tây - 1/2,3; Nguyễn Thị Minh Khai - 1/2,18...

Đặc biệt, nằm trong nhóm 10 trường THPT có "tỷ lệ chọi" cao nhất thành phố có khá nhiều trường mọi năm điểm tuyển sinh thấp như Trường THPT Nguyễn Văn Cừ có 630 chỉ tiêu, nhưng số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường lên tới 1.355 em (1/2,15); THPT Đại Mỗ có 675 chỉ tiêu nhưng có tới 1.511 học sinh đăng ký (1/2,24); Trường THPT Ngọc Hồi với 1/2,08 - xếp thứ 13 toàn thành phố, trong khi năm ngoái trường này xếp thứ 107 với "tỷ lệ chọi" là 1/1,03.

Sự biến động mạnh về "tỷ lệ chọi" cộng với quy định không được đổi nguyện vọng khiến không ít học sinh băn khoăn và lo lắng vì cho rằng "tỷ lệ chọi" cao thì điểm chuẩn sẽ cao và khó trúng tuyển hơn.

Vì sao học sinh thi vào lớp 10 không được đổi nguyện vọng?- Ảnh 1.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội năm học 2024-2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6.

Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, thí sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Quy định này đã áp dụng vài năm gần đây và cũng được nêu rõ trong hướng dẫn tuyển sinh ban hành vào tháng 4/2024.

Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp với đặc thù của thủ đô, nhiều năm nay Hà Nội đã chia các trường THPT trên địa bàn thành 12 khu vực tuyển sinh.

Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập không chuyên (sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3), trong đó nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định.

Hà Nội cũng cho phép học sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.

Ngoài ra, sau khi Hà Nội công bố "tỷ lệ chọi" còn có hiện tượng thí sinh đăng ký vào một số trường có "tỷ lệ chọi" thấp dưới 1 (số đăng ký thấp hơn chỉ tiêu) như tại các trường: Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, Minh Quang, Nguyễn Quốc Trinh, Đông Mỹ, Lưu Hoàng, Đại Cường... mừng rỡ, cho rằng đã chắc chắn đỗ.

Theo các chuyên gia, thí sinh không nên căn cứ vào mức độ cao, thấp của "tỷ lệ chọi" để dự đoán về điểm chuẩn cũng như khả năng trúng tuyển, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. "Tỷ lệ chọi" thấp không có nghĩa rằng cơ hội trúng tuyển của thí sinh đăng ký vào trường đó cao hơn những thí sinh khác.

Thời điểm này, thí sinh cần tập trung cao độ cho việc ôn tập và bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng và những việc cần làm. Nếu có dự phòng phương án vào học trường tư thục, trung tâm GDNN - GDTX hoặc trường cao đẳng, trung cấp, việc cần làm thời điểm này là làm hồ sơ đăng ký. Thí sinh cũng cần kiểm tra căn cước công dân, nếu chưa làm hoặc bị thất lạc thì cần có phương án xử lý ngay vì đây là giấy tờ cần mang theo vào phòng thi.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, sau khi các phòng GD&ĐT in phiếu báo thi, gửi về các trường để bàn giao cho thí sinh, khoảng từ ngày 20 đến 25/5, nếu chưa nhận được phiếu báo thi, thí sinh cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nhận trước ngày thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội năm học 2024-2025 diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6 với hơn 106.000 thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả thi được công bố chậm nhất vào ngày 2/7.

Làm sao chấm dứt việc "ép" học sinh không thi lớp 10 công lập?Làm sao chấm dứt việc 'ép' học sinh không thi lớp 10 công lập?

SKĐS - Tình trạng học sinh có học lực chưa tốt bị "ép" không thi vào lớp 10 công lập liên tục tái diễn gây bức xúc dư luận dù đã bị cấm. Làm thế nào để chấm dứt việc này?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn