Sáng 15/7: Biến thể phụ BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, cần đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4

15-07-2022 08:43 | Y tế

SKĐS - Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào; Biến thể phụ BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, cần quyết liệt đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4...

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào

Báo cáo tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các bộ KH&ĐT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng; xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế diễn ra hôm qua- 14/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các cuộc họp gần đây, đến nay, Bộ Y tế đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế;

Thúc đẩy trung tâm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia (thuộc Bộ Y tế) thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 loại thuốc, tổng giá trị 8.890 tỷ đồng; làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi một số thông tư liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các bệnh viện, địa phương liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế để làm việc với Bộ KH&ĐT…

Sáng 15/7: Biến thể phụ BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, cần đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 - Ảnh 1.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết Ảnh: minh hoạ

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.

Bên cạnh việc tổ chức mở các gói đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, Bộ Y tế đã đẩy mạnh cấp số đăng ký lưu hành thuốc mới; gia hạn thời gian lưu hành thuốc cũ để bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm có thể tham gia đấu thầu.

Đồng quan điểm, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay tình trạng thiếu thuốc có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc của các địa phương trong đấu thầu, mua sắm thuốc dựa trên kết quả đấu thầu, đàm phán giá.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, bên cạnh những giải pháp như rà soát, bổ sung, hướng dẫn, cần tập trung vào một số giải pháp đủ hiệu quả, thực hiện ngay trong ngắn hạn.

Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, KH&ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, bệnh viện có căn cứ thực hiện, như: Điều chỉnh kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch COVID-19, xây dựng, thẩm định giá đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư thay thế các loại thuốc, vật tư thường dùng; mua sắm hóa chất, linh kiện tay thế cho các loại máy chuyên biệt, chỉ có 1-2 đơn vị cung cấp; phương án sử dụng, thanh toán chi phí cho các trang thiết bị, máy móc xã hội hóa trong bệnh viện công lập…

Phó Thủ tướng lưu ý, những gì chưa rõ về mặt pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, Bộ Y tế xem xét đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác

Bộ Y tế cho biết ngày 14/7 có 932 ca mắc COVID-19 mới; 8.545 bệnh nhân khỏi, gấp gần 9 lần số mắc mới; trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.758.189 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.547 ca nhiễm).

Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.793.800 ca. Trong số các trường hợp đang giám sát, điều trị, số bệnh nhân đang thở ô xy là 36 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 31 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 1 ca. Con số này tăng thêm 12 bệnh nhân so với ngày trước đó.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực Châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.

Cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 564,2 triệu ca, trên 6,37 triệu ca tử vong.

Một số quốc gia châu Á có xu hướng gia tăng số ca mắc, trong đó Nhật Bản khuyến cáo người dân thận trọng, nâng cao các biện pháp phòng dịch khi Nhật Bản ghi nhận gần 95.000 ca trong ngày 13/7, số bệnh nhân mới nhiễm tăng 2,14 lần so với tuần trước.

Hàn Quốc được đánh giá cao nhờ các biện pháp ứng phó ban đầu với đại dịch, tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới trong một tuần đã tăng gấp 3 lần lên 39.000 ca, dự đoán số ca nhiễm trong ngày ở Hàn Quốc có thể lên 200.000 ca vào khoảng giữa tháng 8 đến cuối tháng 9; các cơ quan chức năng đang mở rộng chương trình tiêm tăng cường vaccine COVID-19.

Tại Đông Nam Á, trong khi số ca nhiễm ở Thái Lan có xu hướng giảm, số ca mắc mới ở Indonesia đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3.

Số ca nhiễm và nhập viện ở Philippines tuy còn thấp, nhưng chính phủ cảnh báo số ca COVID-19 mới có thể tăng ít nhất 20 lần vào cuối tháng này. Philippines hối thúc người dân tiêm vaccine mũi tăng cường, bởi theo dữ liệu của cơ quan y tế, hiện chỉ có khoảng 1/4 người đủ điều kiện tiêm mới tiêm 1 mũi tăng cường tính đến ngày 12/7.

Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch CDC Mỹ cho biết đang có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể phụ BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, kể cả với những trường hợp từng mắc bệnh trước đó. Do vậy, giới chức y tế Mỹ hiện ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà và phổ biến các loại khẩu trang chất lượng cao, cũng như hỗ trợ những người bị suy giảm miễn dịch.

Biến thể phụ BA.5 đã chiếm khoảng 65% số ca mắc tại Mỹ trong tuần qua. Số ca nhập viện hàng ngày trung bình trong 7 ngày tại Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 5 đến nay.


Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế?Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế?

SKĐS - Các nhân viên y tế có thể tận tâm công hiến với ‘cái bụng rỗng’ và một tâm thế thường trực lo lắng hay không? Đó có phải là ‘giọt nước làm tràn ly’ khiến gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 1,5 năm qua? Vây, phải làm gì để giữ chân người ở lại?

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn