Hà Nội

Giám đốc BV Bạch Mai: Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện trong đấu thầu

13-07-2022 19:06 | Tin nóng y tế

SKĐS - Chia sẻ về các nguyên nhân gây thiếu thuốc, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ bày tỏ: Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để thực hiện các bài thầu trong công tác mua sắm, tránh tình trạng rơi vào các "bẫy" chỉ định thầu...

Theo báo cáo tại một cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp Bộ Y tế đã triển khai của Bộ Y tế mới đây cho biết, thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 BV tuyến Trung ương và 2 BV trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. 

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. 

Giám đốc BV Bạch Mai: Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện trong đấu thầu - Ảnh 1.

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ ban ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt và có nhiều giải pháp chỉ đạo cấp bách cho vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 BV tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. 

Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên  sâu.

Những nguyên nhân gây thiếu thuốc, vật tư y tế

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ ban ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt và có nhiều giải pháp chỉ đạo cấp bách cho vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế... Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại cuộc toạ đàm về vấn đề này diễn ra ngày 13/7, từ thực tiễn quản lý bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế như sau:

Một là, hai năm qua dịch bệnh COVID-19  Sau khi dịch bệnh kiểm soát được, lượng người bệnh đi khám chữa bệnh tăng lên đột biến, ví dụ như tháng 3/2022, số lượng bênh nhân đến BV Bạch Mai tăng gấp 5 lần so với tháng 1/2022, số lượng ngoại trú là 6.000-8.000 người/ngày, trong khi trước đó quý I bình quân chỉ khoảng 1.000 người/ngày. Bệnh nhân nội trú đang ở công suất 150%, nhiều khoa lên tới 200%, tình trạng bệnh nhân nằm ghép rất nhiều.

Hai là, sau dịch bệnh, có một tình trạng hết sức phổ biến là nhiều thuốc, vật tư tiêu hao trúng thầu rồi nhưng nhà thầu không cung ứng được. Đây là nguyên nhân rất cơ bản, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay cả ở nước sản xuất, họ cũng thiếu những mặt hàng này. Nhiều mặt hàng thuốc sản xuất được trong nước nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu, hoạt chất sản xuất.

Ba là, ngoài những nguyên nhân trên có những nguyên nhân khách quan. "Nhiều nhà báo hỏi có phải sau vụ việc thiết bị vật tư vướng lao lý, các giám đốc bệnh viện e dè, sợ sệt. Cá nhân tôi trả lời không và nhiều giám đốc các BV khác cũng không" - PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Giám đốc BV Bạch Mai: Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện trong đấu thầu - Ảnh 2.

Chia sẻ về các nguyên nhân gây thiếu thuốc, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ bày tỏ: Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để thực hiện các bài thầu trong công tác mua sắm, tránh tình trạng rơi vào các bẫy chỉ định thầu... Ảnh: Báo Tiền phong

Từ thực tiễn, Giám đốc BV Bạch Mai cho hay, một số văn bản không mang tính cập nhật. Ví như tại Thông tư 14/2020/TT-BYT về nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, trong đó chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu, nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu. BV muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó. 

Vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng, ta rơi "vào bẫy" muốn mua vật tư tốt của Châu Âu, Mỹ, Nhật rất khó. 

"Với cách phân nhóm của Thông tư 14 chúng tôi sẽ mua được vật tư rẻ tiền, đi liền với chất lượng, nhiều thứ chất lượng rất không như ý"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Một điều nữa là, quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các BV không thể tìm được hợp đồng trúng thầu.

Một cái khó nữa là thực tế, hãng A sản xuất ra máy thì thường sản xuất hóa chất đi kèm nhưng trong đấu thầu mà viết về kỹ thuật hóa chất A đáp ứng máy A thì rơi vào bẫy chỉ định thầu nên chủ đầu tư làm các bài thầu hết sức lúng túng.

"Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để thực hiện các bài thầu trong công tác mua sắm, tránh tình trạng rơi vào các "bẫy" chỉ định thầu.

Ngoài ra, nhiều thiết bị y tế chính hãng hay thuốc chính hãng chỉ có một hãng sản xuất, việc tổ chức đấu thầu đôi khi rất khó. Tôi đề xuất Bộ Y tế, Bộ Tài chính đàm phán giá. Sau đấy, căn cứ vào giá đàm phán, các bệnh viện dựa vào để mua bán, giải quyết được bài đấu thầu.

Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị trong văn bản pháp quy tới phải có hướng dẫn cụ thể, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá, đặc biệt là giá vật tư y tế"- Giám đốc BV Bạch Mai nói.

"Chúng tôi đang tháo gỡ dần dần, đưa thiết bị vào hoạt động"

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho biết thêm để đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay, BV phải tổ chức lại ca kíp làm việc ở các đơn vị khoa phòng, đặc biệt là khối khám bệnh ngoại trú để 6.000 - 8.000 bệnh nhân đến khám không phải chờ quá lâu. 

Nhiều nhân viên BV Bạch Mai hiện nay đi làm từ 5 giờ sáng, khoa bệnh nhân nội trú chuyển sang chiếu chụp buổi chiều, trừ bệnh nhân cấp cứu, có những ca kíp 10 giờ đêm mới ra về.

Các cơ quan tư pháp cũng đang vào cuộc quyết liệt giúp nhiều thiết bị y tế liên doanh, liên kết thời gian qua vướng vào tư pháp có thể để hoạt động lại, thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân, tránh lãng phí. "Chúng tôi đang tháo gỡ dần dần, đưa thiết bị vào hoạt động"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Ngoài ra, hiện tại có gói thúc đẩy kinh tế sau hậu COVID-19, bệnh viện sẵn sàng tổ chức mua sắm thiết bị thiết yếu phục vụ người bệnh...

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đảm bảo thuốc, vật tư tiêu hao... phục vụ khám chữa bệnhNỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đảm bảo thuốc, vật tư tiêu hao... phục vụ khám chữa bệnh

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, các địa phương nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đảm bảo thuốc, vật tư tiêu hao... phục vụ khám chữa bệnh; không để dịch chồng dịch, tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn