Hà Nội

Ở điểm nóng COVID-19 một năm trước: Trăn trở, suy tư của một tình nguyện viên trong tâm dịch

14-07-2022 18:24 | Y tế
google news

SKĐS - Năm nay là năm có ngày giỗ đầu của nhiều bệnh nhân COVID-19. Người thân của các bệnh nhân xấu số ấy cứ nhắn hỏi trước khi ra đi người nhà họ nhắn nhủ điều gì, họ có tâm nguyện gì không...

Xoa dịu tinh thần cho bệnh nhân COVID-19

Đam mê nghiên cứu tâm lý, nhất là tâm lý người bệnh nên ngay khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và Bình Dương, tình nguyện viên tâm lý trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp đã xung phong vào các điểm nóng để trấn an tâm lý cho người bệnh, hỗ trợ cho thầy thuốc.

Những ngày tháng 7/2022 này, Nguyễn Hoàng Hiệp (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chộn rộn nhiều dòng cảm xúc đặc biệt. Anh bảo: Cũng thời điểm này năm trước, tôi đang lăn lộn trong các điểm nóng dịch bệnh. Giờ tròn một năm dịch bệnh được khống chế, vui có, buồn có, suy tư có. Vui là nhiều gia đình cùng bên cạnh sự chăm sóc của thầy thuốc còn được mình tư vấn tâm lý, cởi bỏ mọi nặng nề và run sợ, chán nản khi biết mắc COVID-19 nặng để vươn lên chiến thắng bệnh tật.

Ở điểm nóng COVID-19 một năm trước: Nhớ bao đêm trấn an bệnh nhân COVID-19 và ca đỡ đẻ đặc biệt - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Hiệp (bên phải) luôn tự tin sát cánh cùng các tình nguyện viên để trấn an tâm lý cho bệnh nhân COVID-19

Có những bệnh nhân nhớ về khoảnh khắc kinh hoàng năm ngoái gọi mình chia vui. Có những cuộc đối thoại ẩn chưa suy tư, là các ca bệnh quá nặng, không qua khỏi. Năm nay là ngày giỗ đầu của họ. Người thân của các bệnh nhân xấu số ấy cứ nhắn hỏi trước khi ra đi người nhà họ nhắn nhủ điều gì với tình nguyện viên tâm lý không, có tâm nguyện gì không...

Quả thật, nhiều ca bệnh chuyển biến nhanh quá, dù các thầy thuốc lẫn chuyên gia tâm lý đã dốc hết tâm sức nhưng vẫn không níu lại được sự sống. Nhìn khuôn miệng họ mấp máy nhưng cũng khó… dịch ra được thành chữ.

Quê Hiệp ở tận Tây Nguyên. Anh khăn gói xuống Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM để nghiên cứu và học tập chuyên ngành tâm lý học. Ngay khi dịch COVID-19 căng thẳng nhất ở quận Gò Vấp, Hiệp đã xung phong đến để tận lực ngày đêm hỗ trợ các thầy thuốc và cận kề bên các bệnh nhân để chia sẻ tâm tư, khuyên nhủ họ vững tin vào bác sĩ. Với các bệnh nhân COVID-19 khi ấy thì chuyên gia tư vấn tâm lý với họ cũng mang đến liều thuốc đặc biệt, xoa dịu tinh thần.

Sau điểm nóng quận Gò Vấp, Nguyễn Hoàng Hiệp lại tiếp tục tình nguyện đến các khu thu dung, điều trị ở Bình Dương. Khi mô hình trạm y tế lưu động được triển khai anh đã về Trạm Y tế lưu động phường Thuận Giao (Thuận An, Bình Dương).

Ở điểm nóng COVID-19 một năm trước: Nhớ bao đêm trấn an bệnh nhân COVID-19 và ca đỡ đẻ đặc biệt - Ảnh 3.

Đôi tay của Hiệp cùng một tình nguyện viên đã đỡ đẻ cho bệnh nhân COVID-19

Nhớ về một năm trước, Hiệp chia sẻ: "Lúc đó trong lòng luôn sục sôi khát vọng phải đỡ đần được cho thầy thuốc nhiều nhất. Làm được nhiều điều ý nghĩa nhất cho bệnh nhân. Bởi nghiên cứu và học tập nhiều năm của bản thân em cho thấy tâm lý của người mắc COVID-19 thường rất hoang mang, lo sợ. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến công tác điều trị cũng như khả năng bình phục. Hàng loạt bệnh nhân ở Gò Vấp được tư vấn cặn kẽ, tận tình về: Sức mạnh tinh thần; niềm tin vào y bác sĩ; vai trò của tuân thủ phác đồ điều trị… họ đã vượt nguy kịch rất nhanh.

Tình nguyện vào các điểm nóng, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Đã rèn luyện được nhiều. Có khi mỗi ngày đêm chỉ ngủ vài tiếng. Ở các điểm nóng đó cũng cho tôi sự cảm phục, xúc động và một lòng tôn kính với đội ngũ thầy thuốc. Những cống hiến của họ là không gì đong đếm được
Nguyễn Hoàng Hiệp

Có người tình nguyện vào một điểm nóng trong một thời gian nhưng Hiệp lại xung phong vào nhiều điểm nóng ở lại nhiều tháng. Anh thổ lộ rằng: Phải dùng sức trẻ và kiến thức mình có để vào điểm nóng. Như thế cũng là góp một phần nhỏ bảo vệ cộng đồng, gia đình. 

Kỷ niệm tôi mãi không quên đó là những đêm trắng bên bệnh nhân COVID-19. Các nguyên tắc cụ thể, nguyên tắc cơ bản để tư vấn tâm lý cho F0 tôi đều nắm chắc. Khi cùng các nhân viên, bác sĩ trong trạm y tế vượt nắng, mưa, đêm tối đến thăm khám, phát túi thuốc cho F0 thì mình sâu sát tư vấn luôn. Khi mới biết mình bị bệnh, hầu hết họ đều sợ chuyển nặng, rất hoảng loạn, lo đời sống không biết sẽ ra sao bởi họ thiếu thông tin. Vậy nên cùng với điều trị bằng thuốc, giải tỏa khủng hoảng tâm lý cho người bệnh lẫn người thân của họ là điều rất quan trọng ở các điểm nóng COVID-19 năm ngoái. Có gia đình muốn buông xuôi khi bệnh bắt đầu chuyển nặng nhưng sau mấy tiếng được giải tỏa tâm lý thì bừng lên khát vọng sống, khát vọng đánh bại bệnh tật".

Ca đỡ đẻ đặc biệt cho sản phụ mắc COVID-19

Hiệp nhớ, thời kỳ cao điểm nhất năm ngoái ở Thuận Giao, Bình Dương là những ngày cuối tháng 7. Có đêm bàn chân của anh cùng các thầy thuốc rầm rập đi khám, tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 mà không dám ngủ. Anh nhớ lại: Có ngày hàng ngàn bệnh nhân mắc COVID-19. Chúng tôi mỗi người đều làm hàng chục công việc như: Đón tiếp, sắp xếp phòng, lo hướng dẫn các quy định trong khu cách ly, cách nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển nặng… Có đêm mắt ríu lại thì lau khăn lạnh cho tỉnh để tiếp tục cứu chữa bệnh nhân. Lúc đầu khi bệnh nhân COVID-19 ồ ạt mắc, không khí rất căng thẳng nhưng khi tâm lý họ được củng cố vững vàng lại thì vui tươi, tập thể dục đều đặn… thế nên bệnh nhân chuyển biến nặng cũng được hạn chế bớt.

Ở điểm nóng COVID-19 một năm trước: Nhớ bao đêm trấn an bệnh nhân COVID-19 và ca đỡ đẻ đặc biệt - Ảnh 5.

Con của bệnh nhân COVID-19 đã được Hiệp cùng một tình nguyện viên đỡ thành công

Thời gian đã trôi qua, có những ca bệnh Hiệp tư vấn tâm lý và hỗ trợ các y bác sĩ điều trị mãi không thể nào quên. Điển hình như một bệnh nhân COVID-19 nữ dù đang chống chọi với bệnh tật nhưng vẫn đau đáu lo nghĩ về miếng ăn, giấc ngủ của chồng con ở nhà. Họ bệnh nặng còn dặn các y bác sĩ, tình nguyện viên tâm lý không cho người thân họ biết sợ người thân sốc…

Một nữ bệnh nhân khác cũng thật đặc biệt. Đó là một sản phụ, sắp đến ngày chuyển dạ thì phát hiện mình mắc COVID-19 được đưa vào khu thu dung, điều trị. Ngực khó thở, ho dữ dội. Toàn thân cứ run lên vì lo đứa con của mình sẽ… gặp sự cố. Nhưng Hiệp và các y bác sĩ trong Trạm Y tế lưu động Thuận Giao đã sát cánh bên nhau, người động viên, tư vấn, trấn an tâm lý, người kiểm tra chỉ số sinh tồn và theo dõi chuyển biến của thai nhi. Khi vượt qua được tâm lý sợ hãi, sản phụ đã mạnh dạn, tự tin làm theo hướng dẫn và được Hiệp cùng một tình nguyện viên khác đỡ đẻ thành công. Đứa trẻ cất tiếng khóc oe oe khiến người mẹ giảm bớt nặng nề.

Ở điểm nóng COVID-19 một năm trước: Nhớ bao đêm trấn an bệnh nhân COVID-19 và ca đỡ đẻ đặc biệt - Ảnh 6.

Hiệp chia sẻ những ngày ở các điểm nóng COVID-19 năm 2021 cho anh nhiều cảm nhận sâu sắc về các vất vả, cống hiến của y, bác sĩ

Còn có vô vàn những kỷ niệm ghi dấu sự nhọc nhằn của Hiệp cùng các tình nguyện viên ở điểm nóng COVID-19 năm ngoái. Hiệp bồi hồi nhớ lại: "Khi nhận được tin báo có ca bệnh đang rất hoang mang, ở trong một khu dân cư rất xa, tôi cùng với một bạn kỹ thuật viên xét nghiệm liền tức tốc lên đường. Đến nơi thì ca bệnh này sợ quá, ngất. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến chúng tôi thay nhau ép tim và thực hiện các biện pháp để hô hấp cho bệnh nhân suốt hàng tiếng đồng hồ. Khi xe cấp cứu đến, dìu đỡ được bệnh nhân lên xe thì bản thân chúng tôi cũng ngất xuống vì quá mệt… Việc các tình nguyện viên, các y bác sĩ mệt đến rã rời vì tập trung cứu chữa bệnh nhân COVID-19 như vậy là thường xuyên. Nhưng mệt đến mấy mà thấy  sự hồi sinh, những sự tự tin của bệnh nhân COVID-19 chiến đấu với bệnh tật thì chúng tôi đều hạnh phúc".

Một năm trôi qua, giai đoạn tàn khốc nhất cũng đã đi qua nhưng đối với Nguyễn Hoàng Hiệp cũng như các tình nguyện viên ở các điểm nóng COVID-19 năm 2021: Năm tháng ấy mãi sẽ không quên. Hiệp thổ lộ: "Tình nguyện vào các điểm nóng, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Đã rèn luyện được nhiều. Có khi mỗi ngày đêm chỉ ngủ vài tiếng. Ở các điểm nóng đó cũng cho tôi sự cảm phục, xúc động và một lòng tôn kính với đội ngũ thầy thuốc. Những cống hiến của họ là không gì đong đếm được".

Bệnh nhân COVID-19 nặng một năm trước: "Ngỡ trở về là bình tro cốt nhưng hồi sinh nhờ thầy thuốc"Bệnh nhân COVID-19 nặng một năm trước: 'Ngỡ trở về là bình tro cốt nhưng hồi sinh nhờ thầy thuốc'

SKĐS - Một năm sau ngày vượt “cửa tử” vì mắc COVID-19 và chuyển biến nặng, bà Lương Thị Hà (Quận 12, TP.HCM) vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc.


Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn