Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

05-08-2024 13:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều mức độ tiến triển. Vì vậy, các biện pháp điều trị cũng rất khác nhau.

1.Tổng quan bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng là tình trạng bệnh mà một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn, đây là thuật ngữ chung đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ để gọi tất cả các loại sa trực tràng với các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên không phải lúc nào các kiểu đó cũng là những mức độ tiến triển của cùng một tình trạng bệnh lý, mà thường có các nguyên nhân riêng biệt và đòi hỏi các biện pháp điều trị rất khác nhau.

Sa trực tràng là bệnh hiếm gặp, không gây ra biến chứng nặng hay diễn biến phức tạp nhưng lại gây nhiều phiền hà cho bệnh nhân như: tiết dịch vùng hậu môn, són phân, đại tiện khó.

Sa trực tràng được chia làm 2 loại:

• Sa niêm mạc trực tràng.

• Sa toàn bộ trực tràng.

Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị- Ảnh 1.

Tổng quan về chứng bệnh sa trực tràng.

Các lứa tuổi đều có thể mắc sa trực tràng, nhưng hay gặp ở trẻ em 1 - 3 tuổi (sa niêm mạc) và người lớn trên 50 tuổi (thường gặp cả sa niêm mạc và sa toàn bộ). Sa trực tràng chiếm tỉ lệ 0,2 - 1% trong các bệnh lý ngoại khoa.

1.1. Sa niêm mạc trực tràng

Lớp niêm mạc ống hậu môn bị phồng, lộn ngược mỗi khi đi đại tiện để giúp tống phân ra ngoài dễ dàng hơn. Sau khi đi đại tiện, lớp niêm mạc lại co lại hoàn toàn bởi tính đàn hồi của nó. Khi xảy ra bệnh lý, các mô của trực tràng thường xuyên căng giãn và kéo dài thường xuyên, lớp niêm mạc không chỉ lộn quá mức bình thường mà còn không thể quay lại được. Lúc đầu, có thể chỉ sa phần niêm mạc ống hậu môn, về sau kéo theo cả niêm mạc tuyến của trực tràng.

Theo mức độ sa của niêm mạc chia ra làm 4 loại:

• Sa niêm mạc sau rặn đại tiện rồi tự co lên.

• Sa sau rặn đại tiện không tự co phải đẩy lên.

• Sa dễ dàng khi gắng sức nhẹ như đi bộ, ngồi xổm, ho, hắt hơi.

• Sa thường xuyên liên tục ở ngoài hậu môn.

1.2. Sa trực tràng toàn bộ

Sa trực tràng đơn thuần: Chỉ có bóng trực tràng bị tụt qua ống hậu môn, ống hậu môn vẫn giữ nguyên tại chỗ. Khi cho ngón tay vào trong lỗ hậu môn có thể thấy nếp gấp giữa ống hậu môn và đoạn sa và ngón tay có thể luồn vòng quanh rãnh phân chia này.

Sa trực tràng và ống hậu môn: Cả bóng trực tràng và ống hậu môn cùng lộn ra ngoài.

Sa trực tràng toàn bộ được chia ra làm 4 độ:

  • Độ 1: Trực tràng chỉ sa khi gắng sức mạnh, khi rặn đại tiện sau đó tự co lại nhanh chóng. Toàn thân không có ảnh hưởng gì, các than phiền của bệnh nhân chỉ do đoạn trực tràng sa gây nên.
  • Độ 2: Trực tràng luôn sa khi đại tiện tự co lên rất chậm phải lấy tay đẩy vào, có các vết trợt ở niêm mạc, phù nề niêm mạc, hậu môn bị lõm vào, cơ thắt có thay đổi ít, toàn thân bình thường.
  • Độ 3: Trực tràng sa khi gắng sức nhẹ (ho, cười, hắt hơi, đi bộ, ngồi xổm,...) và không tự co vào được. Niêm mạc tuyến của trực tràng bị hoại tử từng đám, một vài nơi có sẹo, hậu môn mất trương lực cơ thắt nhão. Tinh thần bị ức chế, niêm mạc chảy máu, trung tiện mất tự chủ.
  • Độ 4: Ruột sa thường xuyên liên tục khi đi bộ hoặc cả khi bệnh nhân ở tư thế đứng, ruột không giữ được ở vị trí bình thường nữa. Niêm mạc tuyến bị loét hoại tử, thành sẹo, cơ thắt mất trương lực, trung đại tiện mất tự chủ, không giữ được nước tiểu. Tinh thần của bệnh nhân căng thẳng, rối loạn cảm giác vùng hậu môn, da xung quanh hậu môn và vùng bẹn; có thể có mụn mủ, rộp, ngứa, eczema ở vùng đáy chậu.

1.3. Nguyên nhân của bệnh sa trực tràng

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng và để phát hiện được nguyên nhân chính gây bệnh là rất khó. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân phổ biển, gồm:

Nguyên nhân giải phẫu

  • Đáy chậu khiếm khuyết: Hoành đáy chậu rộng, cân đáy chậu phát triển không tốt, cơ nâng hậu môn và cơ thắt hậu môn bị nhão khiến cho thành trước của trực tràng dễ bị sa ra ngoài.
  • Trực tràng không dính chắc vào thành bụng nên dễ di động, trượt xuống dưới rồi sa ra ngoài.
  • Thiếu độ cong của xương cùng: Ở người bình thường, xương cùng có độ cong và trực tràng nằm bám vào độ cong này. Nếu xương cùng không có độ cong, trực tràng mất điểm tựa và dễ bị sa.
  • Van trực tràng kém phát triển sẽ làm giảm độ cản và khiến cho trực tràng dễ bị sa xuống.
  • Túi cùng Douglas thấp là nguyên nhân gây nên tình trạng sa trực tràng phía trước.
  • Độ gấp góc của bóng trực tràng với ống hậu môn không đủ.

Nguyên nhân sinh hoạt

  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng và thiếu vitamin B là đối tượng dễ bị sa trực tràng. Tuy nhiên nếu được nuôi dưỡng tốt ở giai đoạn sau thì bệnh có thể tự khỏi.
  • Ngồi bô đối với trẻ em khiến các bé đi đại tiện cả khi không có nhu cầu, phải rặn nhiều là nguyên nhân gây sa trực tràng.
  • Người thường xuyên bị táo bón khiến cho mỗi lần đi đại tiện phải rặn nhiều hơn tạo nên áp lực ổ bụng và gây nên bệnh sa trực tràng.
  • Người bị tiêu chảy mỗi ngày đi đại tiện rất nhiều lần và mỗi lần đều phải rặn cũng khiến cho trực tràng bị sa.
  • Người làm nghề khuân vác nặng.

Nguyên nhân do chấn thương

Theo thống kê, 25% số bệnh nhân bị sa trực tràng có tiền sử mổ các bệnh về sản phụ khoa nên đây cũng được cho là nguyên nhân phổ biến gây bệnh.

Những người có tiền sử chấn thương khu vực đáy chậu cũng dễ bị sa trực tràng hơn người bình thường.

Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị- Ảnh 2.

Một vài dấu hiệu để nhận biết bệnh sa trực tràng.

2. Triệu chứng/ dấu hiệu của bệnh sa trực tràng

  • Tiền sử sa trực tràng.
  • Đi tiêu không thể kiểm soát nhiều mức độ, có thể chỉ có tiết dịch nhầy.
  • Táo bón cũng được mô tả như buốt mót (cảm giác đi tiêu không hết phân) và tắc nghẽn đại tiện.
  • Cảm giác bị sà xuống.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Tiêu chảy và thói quen tiêu thất thường.
  • Ban đầu, khối sa có thể nhô ra qua kênh hậu môn chỉ khi đại tiện, rặn và trở lại như cũ ngay sau đó. Những lần tiếp theo, bạn cần phải đẩy khối sa về lại vị trí cũ, điều này có thể tiến triển thành sa mạn tính. Sa mạn tính được định nghĩa là sa tự phát khiến cho việc đi bộ, đứng lâu, ho và hắt hơi trở nên khó khăn vì có thể khiến khối sa nhô ra ngoài. Mô của trực tràng sa mạn tính có thể trải qua các thay đổi bệnh lý như dày, loét và chảy máu.

3. Bệnh sa trực tràng có lây nhiễm không

Bệnh sa trực tràng là bệnh không lây nhiễm.

4. Cách phòng bệnh sa trực tràng

Bệnh sa trực tràng chủ yếu do chế độ ăn uống và sinh hoạt không đúng cách gây ra. Do đó, để ngăn ngừa sa trực tràng, người dân nên cố gắng không rặn khi đi đại tiện; tránh để mắc táo bón; tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây; uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; tập thể dục thường xuyên; tránh béo phì; tránh khuân vác nặng vì điều này có thể gây áp lực lên cơ ruột dễ dẫn đến sa trực tràng.

Ngoài ra, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm bệnh.

5. Cách điều trị bệnh sa trực tràng

Phẫu thuật là phương thức điều trị chính cho bệnh nhân sa trực tràng.

Có 2 cách tiếp cận phẫu thuật chính: phẫu thuật qua ngã bụng và qua ngã chậu. Phụ thuộc vào các yếu tố: tuổi, giới tính, các bệnh đồng tồn tại, các rối loạn đi tiêu của bệnh nhân và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị- Ảnh 3.

Thăm trực tràng là phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả.

5.1. Phẫu thuật tiếp cận qua ngã bụng

Cho những bệnh nhân ít có nguy cơ phẫu thuật.

Phẫu thuật cố định trực tràng: những bệnh nhân không có triệu chứng táo bón.

Phẫu thuật cố định trực tràng kết hợp với cắt đại tràng sigma: những bệnh nhân có triệu chứng táo bón đi kèm. Cắt đại tràng sigma thì cải thiện triệu chứng táo bón ở những bệnh nhân táo bón trước phẫu thuật, tuy nhiên không cần thiết ở những bệnh nhân không có triệu chứng táo bón hay những bệnh nhân có triệu chứng đi tiêu không tự chủ trước khi phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi cho kết quả biến chứng và tái phát tương đương mổ mở, tuy nhiên có lợi là ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và nhanh chóng phục hồi chức năng ruột.

5.2. Phẫu thuật tiếp cận qua ngã tần sinh môn

Cho những bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao. Tỉ lệ biến chứng và tử vong thấp, tuy nhiên tỉ lệ tái phát cao (10- 15%) hơn so với phẫu thuật qua ngã bụng.

Phẫu thuật Delorm: sa niêm mạc trực tràng hay sa toàn bộ thành trực tràng nhưng khối sa ít. Phẫu thuật cắt nếp vòng niêm mạc sa, lớp cơ được khâu xếp lên nhau.

Cắt trực tràng trực tràng đại tràng sigma qua ngã hậu môn (phẫu thuật Altemeier): bệnh nhân sa toàn bộ thành trực tràng nhưng có nguy cơ cao về phẫu thuật.

Dấu hiệu sa trực tràng ở giai đoạn nặng và cách điều trịDấu hiệu sa trực tràng ở giai đoạn nặng và cách điều trị

SKĐS - Bệnh sa trực tràng không thể tự khỏi, mức độ sa sẽ tăng dần theo thời gian. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng thậm chí đến vài năm. Vậy khi nào sa trực tràng được đánh giá là nặng? Điều trị sa trực tràng bằng cách nào?


BSCKII Phạm Gia Thành
Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn