Nhiều điểm đến hấp dẫn
Đến với Quế Phong (Nghệ An), du khách không thể bỏ qua việc ghé thăm đền Chín Gian ở xã Châu Kim. Đây là di tích lịch sử, văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An.
Đền có tên là "Tến xớ quái" (đền Hiến Trâu), nhưng vì có 9 gian nên đồng bào gọi là "tến cau hoong" (có nghĩa là đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường: mường Tôn, mường Pắn, mường Chừn, mường Hin, mường Puộc, mường Quáng, mường Ha Quèn, mường Miểng, mường Chón.
Từ năm 1927-2003, trải qua nhiều biến cố, đền bị xuống cấp và chỉ còn là phế tích. Năm 2004, đền được tôn tạo lại và đến năm 2008 được công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, Lễ hội Đền Chín Gian đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Mỗi năm, lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.
Lễ hội Đền Chín Gian diễn ra với nhiều hoạt động, phần lễ gồm lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ Khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ chém trâu (lễ phắn Quái), lễ đại tế (lễ xớ Thẻ, xớ Đăm), lễ khai mạc và lễ tạ (lễ chà ớn - Thào quan).
Tại phần hội, người dân và du khách được hòa vào không khí tưng bừng với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: kéo co, bắn nỏ, ném còn, chọi gụ, đi cà kheo, thi khắc luống, cồng chiêng, thi hát đối đáp giao duyên... Cùng với đó là các phần thi trình diễn trang phục truyền thống, thi viết chữ Thái Lai Tay, ẩm thực.
Việc tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian là dịp để người dân chín bản mười mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Ngoài Đền Chín Gian, du khách có thể khám phá thác Sao Va có độ cao trên 20m, đổ xuống mặt hồ rộng trong xanh, xung quanh là rừng núi nguyên sinh với nhiều loài hệ thực vật.
Nhìn từ xa, thác nước như một tác phẩm tuyệt đẹp của thiên nhiên, với dòng nước trắng xóa trải dài như những sợi tóc dài của nàng tiên. Âm thanh của dòng nước nhẹ nhàng, êm dịu, tạo nên một bầu không khí tinh tế và gần gũi hơn với thiên nhiên.
Khí hậu ở đây thực sự trong lành, mát mẻ và dễ chịu, làm dịu đi cái nóng oi bức của mùa hè. Cảnh quan xung quanh thác như một bức tranh tĩnh lặng, yên bình như trong truyện cổ tích, tạo ra một không gian yên tĩnh, thoải mái và thư thái cho du khách đến thăm.
Từ đây du khách tiếp tục cuộc hành trình khám phá làng Thái cổ tại bản Hủa Mướng, xã Hạnh Dịch. Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Ngoài Sao Va, quần thể thác Bảy Tầng là một trong những điểm du lịch đặc biệt của Quế Phong, với quy mô ấn tượng và vẻ đẹp hoang sơ độc đáo. Dòng thác bắt nguồn từ nước Lào, chảy vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An) với chiều dài hàng chục km.
Cảnh quan xung quanh thác là một sự kết hợp tuyệt vời giữa sự hùng vĩ của núi rừng và sự trữ tình của thiên nhiên. Mỗi tầng nước lớn như một bức tranh tuyệt vời, thể hiện sự độc đáo và đẹp mắt của vùng đất này. Tới đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà còn được tận hưởng không khí trong lành và yên bình. Đây là nơi lý tưởng để thư giãn, tận hưởng khoảnh khắc bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Thác Bảy tầng là điểm đến lý tưởng cho những chuyến dã ngoại, nơi mà khách có thể tận hưởng sự gần gũi với thiên nhiên và khám phá những bí mật ẩn sâu trong đại ngàn. Ảnh: Khánh Tâm - Sách Nguyễn.
Đến với thác Bảy Tầng, khách như bước vào một thế giới hoang dã bí ẩn, nơi mà sự hòa quyện giữa dòng nước trong xanh và không khí trong lành tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Cảnh vật hoang dã và thơ mộng của vùng đất này thực sự làm say đắm lòng người, khiến cho mỗi chuyến đi trở thành một trải nghiệm đáng nhớ.
Huyện Quế Phong còn nổi tiếng với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích hơn 85.000 hecta nằm trên 9 xã. Đến đây du khách có thể khám phá thảm thực vật rừng nguyên sinh đã được bảo vệ từ hàng trăm năm, tham quan các cảnh đẹp hoang sơ với nhiều loại động, thực vật quý hiếm.
Được trải nghiệm du lịch mạo hiểm leo núi Pù Hoạt với độ cao 2.400m, tham quan 2 quần thể cây phay sừng và samu dầu khổng lồ giữa đại ngàn Pù Hoạt đã được công nhận là quần thể cây Di sản Việt Nam năm 2016.
Từ các khu rừng nguyên sinh, du khách có thể trải nghiệm tua du lịch khám phá lòng hồ thủy điện Hủa Na, trải dài trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Đến đây, ngoài được tham quan, ngắm cảnh bằng thuyền chạy trên mặt hồ rộng hơn 21 km2, còn có thể câu cá trên lòng hồ, thăm thú những mỏm đảo được hình thành từ quá trình ngập nước…
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá
Với những lợi thế trên, trong những năm qua huyện Quế Phong đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành Đề án và triển khai thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện thông qua việc duy trì các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc. Ảnh: Khánh Tâm.
Với sứ mệnh phát triển du lịch kết hợp với quá trình chuyển dịch kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân, đề án du lịch Quế Phong không chỉ là một kế hoạch phát triển mà còn là một cam kết với sự bền vững và bảo tồn môi trường.
Việc tăng cường liên kết du lịch với các địa phương lân cận cũng như tuân thủ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương chính là chìa khóa để Quế Phong trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch của Nghệ An.
Một số hình ảnh tại Farmstay Nhật Minh ở xã Châu Thôn. Ảnh: Khánh Tâm.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng đã tạo ra cơ hội cho người dân tương tác với du khách, chia sẻ văn hóa, phong tục của họ thông qua các hoạt động trải nghiệm như homestay, tham gia vào các hoạt động truyền thống như làm vườn, chăn nuôi, hay tham gia vào các buổi học nấu ăn, học làm các loại đồ thủ công truyền thống.
Nhờ vào sự hỗ trợ và sự tích cực tham gia của cả cộng đồng, Quế Phong đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch, là điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi những cảnh đẹp tự nhiên mà còn bởi sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc, từ đó thu hút và làm say đắm lòng người du khách.
Khi đến với các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Quế Phong du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống. Ảnh: Khánh Tâm.
Mục tiêu phấn đấu của huyện Quế Phong đến năm 2025 thu hút được 800 - 1.000 lượt khách du lịch quốc tế, 10.000 - 12.000 lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút được 1.200 - 1.500 lượt khách du lịch quốc tế, 15.000 - 17.000 lượt khách du lịch nội địa.
Tổng thu từ hoạt động du lịch, năm 2025 đạt từ 18 - 20 tỷ đồng; năm 2030 đạt từ 22 - 25 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2025 giải quyết việc làm cho 150 lao động. Năm 2030 là 200 lao động (trong đó có 50% lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch).