Hà Nội

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’

27-03-2024 16:02 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nằm giữa những ngọn núi, cánh rừng nguyên sơ ở huyện Con Cuông (Nghệ An), bản Khe Rạn, bản Nưa là điểm đến độc đáo, hấp dẫn du khách yêu thích du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa và thiên nhiên của miền Tây xứ Nghệ.

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 1.

Những mái nhà sàn san sát của người Thái miền Tây xứ Nghệ nhìn từ trên cao.

Làm du lịch từ bản sắc riêng

Cách thành phố Vinh khoảng 125km về phía Tây, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An là "miền Trà Lân trúc chẻ tro bay" từng được biết đến với cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh của Nghĩa quân Lam Sơn. Ngày nay, không chỉ là vùng đất với cảnh sắc tươi đẹp và phong phú các giá trị văn hóa truyền thống, nơi đây còn được biết đến nhiều nhờ những bản du lịch cộng đồng tại các bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê).

Chúng tôi lên Con Cuông, lúc tiết trời se se lạnh khi đã chuyển mùa. Bản Khe Rạn nằm ngay cạnh thị trấn Con Cuông, cách cuộc sống hiện đại chỉ một chiếc cầu treo vắt qua dòng sông Lam. Bản Khe Rạn là nơi cư trú của người dân tộc Thái, đây cũng là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Dù ở rất gần thị trấn nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ những nét truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Càng đi sâu vào những bản người Thái tại đây, chúng tôi càng nhận thấy nét đơn sơ, nguyên bản của những ngôi nhà sàn truyền thống. Người Thái ở bản Nưa và bản Khe Rạn vẫn dựng nhà sàn có 2 tầng, sàn mỗi tầng từ 70 - 150m2.

Trước đây, toàn bộ tầng dưới, người Thái dùng để nông sản hoặc nhốt gia súc, gia cầm, còn tầng trên để phòng khách, phòng ngủ và không gian sinh hoạt hằng ngày của gia chủ. Tuy nhiên, sau khi làm du lịch cộng đồng, các hộ dân đã di dời khu vực để nông sản, nuôi nhốt gia cầm, gia súc ra khỏi ngôi nhà sàn chính.

Đến bản làng xinh đẹp này, không chỉ được trải nghiệm các ngôi nhà sàn của người dân bản Thái, du khách còn được chiêm ngưỡng thung lũng lúa tuyệt đẹp, dưới mái nhà sàn thanh bình sẽ được hòa mình vào những đêm múa sạp cộng đồng sôi động.

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 2.

Du khách nước ngoài rất thích thú trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Nưa.

Là một bản Thái thuần nhất, ẩm thực của người Thái khá đa dạng, cầu kỳ trong chế biến, với hương vị rất riêng. Nguyên liệu chủ yếu của các món ăn phần lớn bắt nguồn từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên hay trong vườn nhà như măng, rau rừng, hoa chuối, hoa đu đủ. Những món ăn có màu sắc rất đặc trưng của vùng rừng núi như món mọc được bọc ngoài với lá rong xanh, măng đắng luộc chấm chẻo hẹ. Hay những ống cơm Lam thơm ngọt, canh Khầu Khiêu với mùi vị rất riêng và còn nhiều món ăn độc đáo khác…

Ở đây, bà con vẫn sử dụng những dụng cụ nhà bếp truyền thống như chõ nấu xôi bằng gỗ, bàn và ghế bằng mây. Người Thái rất yêu văn nghệ. Cuộc sống của họ gắn liền với tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khắc luống với những điệu múa uyển chuyển của các cô gái Thái.

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 3.

Cùng với văn hóa ẩm thực, du khách sẽ được thưởng thức các điệu nhảy sạp, khắp, lăm... tham quan và trải nghiệm các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như khèn bè, pí...

Khấm khá nhờ du lịch cộng đồng

Tháng 9/2011, chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng Quốc gia Pù Mát cùng với UNESCO thực hiện dự án khảo sát và quyết định xây dựng khu du lịch cộng đồng Bản Nưa với những nét đặc trưng như 100% người dân nơi đây là dân tộc Thái cùng những nét văn hóa riêng đặc sắc, gần Vườn quốc gia Pù Mát, khe nước Mọc, thác Khe Kèm...

Ông Trần Công Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho hay: "Hiện nay, Con Cuông có 4 điểm làm du lịch cộng đồng rất bài bản và đã đạt sản phẩm du lịch OCOP 4 sao. Thoát nghèo từ những năm 2011, sau khi chuyển từ thuần nông sang kinh doanh du lịch cộng đồng, người dân đã có mức sống cao hơn. Hiện bản Nưa có 7 hộ gia đình cung cấp dịch vụ homestay cho khách du lịch, đặc biệt là 3 hộ, Hoa Thụ, Hanh Chiến, Nhượng Thành được dự án JICA lựa chọn đầu tư để đảm bảo tốt nhất điều kiện sinh hoạt cho du khách...".

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 4.

Khách du lịch trải nghiệm rượu cần tại bản Khe Rạn.

Chị Lô Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Cộng đồng Yên Khê - người phụ nữ Thái đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở bản Nưa cho biết: "Không chỉ có bản Nưa, giờ có thêm nhiều bản khác cùng làm homestay. Chúng tôi không sợ cạnh tranh, vì nếu càng nhiều bản cùng làm du lịch thì làng bản đẹp hơn, làm du lịch tốt hơn. Khách đến nhiều hơn, dân bản vừa có thu nhập, vừa vui, và càng nhiều người biết đến, mến yêu cảnh đẹp của bản Nưa, của núi rừng Con Cuông chúng tôi nữa.

Hiện, bản Nưa mỗi lần có thể phục vụ được đến 200 du khách lưu trú. Về cơ bản, các nhà sàn còn lưu giữ được nếp nhà truyền thống đúng với bản sắc văn hóa của cộng đồng, người dân vẫn giữ nguyên nề nếp sinh hoạt, còn khách lưu trú được phát mỗi người một cái đệm, chiếu, màn, chăn và được bố trí chỗ ngủ riêng...", chị Hoa nói.

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 5.

Những sản phẩm mây, tre đan đặc trưng của người Thái ở Yên Khê.

Du lịch cộng đồng ở miền Trà Lân 'trúc chẻ tro bay’- Ảnh 6.

Ẩm thực của người Thái rất phong phú với hương vị rất riêng.

Theo ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, bên cạnh cảnh quan đẹp, đồng bào dân tộc Thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: nhà sàn, trang phục, trang sức, ẩm thực. Cùng với vốn văn nghệ dân gian đa sắc màu, đa dạng, người Thái vẫn bảo tồn và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trong sinh hoạt văn nghệ như khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống... Một số làng nghề truyền thống được bảo lưu và truyền dạy như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm. Vì vậy, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là rất lớn.

Du lịch cộng đồng nơi đây đã biến các di sản văn hóa bản địa thành hàng hóa, các giá trị của văn hóa được phát huy theo hướng tích cực, không chỉ góp phần giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần mà đời sống vật chất cũng được thay đổi rõ rệt.

Ông Trần Công Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho biết, năm 2023 huyện đã đón khoảng 102.556 lượt khách, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Doanh thu ước đạt 80.520 triệu đồng. Các điểm du lịch cộng đồng đón khoảng 28.397 lượt khách, doanh thu ước đạt 6.289 triệu đồng. Đây là những con số chưa phải quá lớn nhưng là kết quả đáng mừng đối với huyện mới làm du lịch cộng đồng và đang còn nhiều khó khăn như huyện miền núi.

Huyện cũng đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Tây Nghệ An, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, thu hút được khoảng 120-150 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng bình quân từ 22-25%/năm.

Các làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông chung tay kiểm soát an toàn thực phẩmCác làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông chung tay kiểm soát an toàn thực phẩm

SKĐS – Trước nguy cơ về vấn đề an toàn thực phẩm khi là điểm du lịch lớn, các làng văn hóa dân tộc Mông đã tham gia mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm.

Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn