Có thể nói, cao trào của dư luận xã hội đã lên mức đỉnh điểm sau khi trên VTV3, ông PGS.TS. này, nhất là nữ tiến sĩ văn học Đoàn Hương, đã buông ra những lời thóa mạ “đám quần chúng không biết gì, đã ném đá...” rồi ví von so sánh với nhà khoa học Ga-li-lê (mang tên đầy đủ là Galileo di Vicenzo Bonaiuti de’ Galilei (15/2/1564 - 8/1/1642), người Ý, ông là nhà khoa học nổi tiếng thế giới thuộc các lĩnh vực thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học, để biện minh “ý nghĩa tương đồng” (?!) cho công trình ngôn ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền, với mục đích đòi hỏi mọi người cần nghiên cứu, áp dụng.
Oái oăm thay, đông đảo người Việt, chẳng mấy ai đồng tình với ý tưởng đó, mà ngược lại, đã bùng lên biết bao ý kiến phản bác, kể cả những tiết mục có nội dung mang tính hài hước và những phát biểu mang tính thực tiễn, khoa học, tình cảm nguyên mẫu của người Việt được đưa ra dồn dập trên mạng, trong đó, phải ghi nhận về ý kiến của một thanh niên người dân tộc thiểu số đầy tính thuyết phục vô cùng sâu sắc. Người thầy từng có công dạy bảo và hướng dẫn Đoàn Hương trên bước đường thành danh cũng phát biểu bày tỏ sự thất vọng về “cá tính” của cô trò mà ông đã từng khai tâm mở trí. Lãnh đạo Chính phủ, cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta đã tuyên bố rõ ràng, là không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Như vậy, khẳng định rằng công trình của PGS.TS. Bùi Hiền đã đi ngược lại chủ trương của Nhà nước ta và gây ra sự phẫn nộ cho nhân dân, trong đó có cả người Việt Nam ở nước ngoài. Sở dĩ phải dùng từ phẫn nộ của mọi người, vì điều đó đã xảy ra sau cuộc tọa đàm của VTV3 với PGS.TS. Bùi Hiền và TS. Đoàn Hương, khi TS. Đoàn Hương đã xúc phạm đến nhân dân bằng câu “đám quần chúng đó biết gì mà ném đá...” (vào cái công trình cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền đã dày công nghiên cứu trong thời gian dài suốt 20 năm!). Mâu thuẫn với chính mình khi TS. Hương đã phải thốt lên rằng “bản thân tôi sẽ phải cắp sách đi học từ lớp 1 thứ tiếng mà ông Hiền đã “cải cách”.
Tiết học tiếng Việt của học sinh tiểu học.
Là một người dân thường, chúng tôi cảm thấy rất tiếc cho ông Bùi Hiền, vì ông đã lãng phí một khoảng thời gian quá dài để nghiên cứu về cái đề tài mà người Việt Nam, có lẽ cả người nước ngoài từng đã, đang học, tìm hiểu tiếng Việt thay vì với niềm thích thú và tôn trọng, đã phải buồn lòng, thất vọng! Như giọt nước tràn ly, Đoàn Hương dám to gan nhục mạ “đám quần chúng” (trong số đó, chắc hẳn không thể không có bậc sinh thành, họ hàng ruột thịt của mình), còn ngạo mạn nói đến vong linh của nhà khoa học Ga-li-lê để hy vọng biện minh cho sự “nghiên cứu, đồng tình đầy tính khoa học” của mình với “tác phẩm” mang danh Bùi Hiền! Trời ạ!
Bỗng nhiên tôi nảy ra mối liên tưởng về triệu chứng trong bệnh học về tâm thần. Trong đó mô tả những rối loạn tư duy nặng nề là những hoang tưởng (Delusions). Nó có nhiều loại, như hoang tưởng tự cao, hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị đầu độc, hoang tưởng bị theo dõi,... Chúng chi phối hành vi của bệnh nhân khá mạnh mẽ, quyết liệt. Thậm chí xâm hại đến an toàn của người xung quanh, đến xã hội mà người bệnh đang chung sống. Đặc điểm của người bệnh tâm thần là không bao giờ công nhận bản thân họ mắc bệnh. Chỉ khi nào gia đình bệnh nhân tinh ý phát hiện và khôn khéo dùng mọi cách đưa họ đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám chữa bệnh, thì mọi sự mới được sáng tỏ. Cũng xin lưu ý, là căn bệnh tâm thần biểu hiện muôn hình, vạn trạng, xuất hiện ở mọi giới, ngành nghề, độ tuổi, vùng miền và cần được phát hiện sớm, điều trị tích cực, toàn diện và đúng cách mới đem lại kết quả mong muốn, đem lại sự yên vui cho gia đình người bệnh và cho toàn xã hội.
Một loại hình hoạt động chuyên môn có liên quan mật thiết đến thực thi pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho mỗi công dân cũng như cho cả cộng đồng, đó là công tác giám định sức khỏe tâm thần. Trong hơn 20 năm qua, công tác này đã được quan tâm nhiều hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc về ngành hành pháp và tư pháp nước ta.
Người viết bài này không có dụng ý ám chỉ tác giả của đề tài cải cách tiếng Việt cùng “bạn đồng hành” mắc chứng bệnh về tâm lý, mà hy vọng họ có đầy đủ sức khỏe - theo đúng nghĩa mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra (bao gồm sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm lý và sức khỏe xã hội). Hai vị hãy chứng minh cho mọi người biết rõ là mình nhận biết được sai lầm của mình gây ra và quyết tâm sửa chữa bằng những lời xin lỗi chân thành trên VTV, nhằm phục hồi nhân cách cần có của bản thân.
Truyền thống của dân tộc Việt Nam là bao dung, độ lượng, ứng xử nhân văn với các vị.
Xin đừng quên: Phải giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam (trong đó có ngôn ngữ) - tài sản vô giá ngàn đời mà tổ tiên Lạc Việt bằng mồ hôi và xương máu gây dựng và bảo vệ cho đến thời nay!