1. Các hoạt chất nên tránh khi mang thai
Rất khó nhận định mụn trứng cá khi nào sẽ xuất hiện trong giai đoạn mang thai, nhưng trên thực tế có khoảng trên 50% phụ nữ mang thai sẽ bị mụn trứng cá. Với người khi ở tuổi dậy thì có trứng cá hoặc thời kỳ kinh nguyệt bị mụn trứng cá... thì khi mang thai sẽ có nguy cơ bị trứng cá nhiều hơn.
Nguyên nhân chính là do thay đổi nội tiết tố, cho nên trứng cá sẽ hết khi nội tiết tố về mức bình thường. Do đó để giải quyết trứng cá giai đoạn này cần tránh sử dụng các loại thuốc, dù là thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn.
Các hoạt chất đặc biệt không an toàn cho thai nhi gồm:
- Isotretinoin: Là thuốc uống mang tính đột phá trong việc điều trị mụn trứng cá mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên isotretinoin ảnh hưởng nguy hiểm tới thai nhi và có thể dẫn tới những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Do đó thuốc này phụ nữ mang thai tuyệt đối không được sử dụng.
Ngoài ra, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi của isotretinoin quá lớn, do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu có chỉ định sử dụng thuốc điều trị trứng cá, cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn ít nhất 1 tháng trước khi dùng thuốc.
Sau khi ngừng thuốc, cũng cần phải dùng biện pháp tránh thai tuyệt đối an toàn ít nhất 1 tháng. Sau quá trình đó mới đề cập tới vấn đề chuẩn bị mang thai. Trong thời gian dùng thuốc, để cẩn trọng đối với việc mang thai ngoài ý muốn, cần test nhanh hoặc xét nghiệm nếu có nghi ngờ mang thai.
- Liệu pháp nội tiết tố: Mụn trứng cá có nguyên nhân là rối loạn nội tiết, do đó ở một số người có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp nội tiết như estrogen và kháng androgen (flutamide, spironolactone). Tuy nhiên, liệu pháp này có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi, do đó không nên sử dụng.
- Kháng sinh: Các kháng sinh điều trị trứng cá hiệu quả là nhóm cycline đường uống như tetracycline, doxycycline và minocycline. Tuy nhiên thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai vì gây ảnh hưởng vĩnh viễn tới sự phát triển xương của thai nhi và làm hỏng màu răng vĩnh viễn.
- Các retinoid sử dụng tại chỗ: Bao gồm adapalene (differin), tazarotene (tazorac) và tretinoin (retin-A)... Những sản phẩm thuốc bôi này có tác dụng điều trị trứng cá hiệu quả. Tuy nhiên nguy cơ gây hại cho thai nhi tương tự như isotretinoin. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy lượng thuốc được hấp thụ qua da là thấp, nhưng vẫn có những lo ngại về khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện dị tật thai nhi. Do đó để an toàn, cần tránh sử dụng trong khi đang mang thai.
- Salicylic acid: Không nên sử dụng các loại thuốc tại chỗ mà trong thành phần có chứa hoạt chất salicylic acid vì vấn đề lo ngại cho thai nhi. Salicylic acid có mặt trong rất nhiều loại thuốc không cần kê đơn khác nhau.
2. Cần làm gì khi mang thai bị mụn trứng cá?
Mụn trứng cá sẽ hết sau khi nội tiết tố cân bằng trở lại nên đa số các trường hợp không cần điều trị mà chỉ cần chăm sóc da để hạn chế trứng cá.
Không chỉ thuốc uống mà nhiều thuốc bôi điều trị trứng cá không có số liệu nghiên cứu đầy đủ về sự an toàn trên phụ nữ mang thai, do đó không nên tùy ý sử dụng. Trường hợp cần điều trị, phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Có thể lựa chọn một số cách an toàn để xử lý mụn trứng cá như sau:
- Mụn trứng cá nhẹ: Đối với tình trạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng... không nặn, chỉ cần chăm sóc da sạch sẽ qua các bước như bình thường, nhưng dùng các sản phẩm phù hợp, an toàn với thai phụ, thai nhi. Khi sử dụng các loại kem bôi ngoài da, hãy đọc kỹ và làm theo hướng dẫn trên bao bì. Sử dụng một số loại sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ.
Có thể sử dụng mặt nạ dưỡng da bằng các nguyên liệu tự nhiên để loại bỏ trứng cá.
- Mụn trứng cá trung bình: Là tình trạng mụn đỏ, có mủ, lây lan khá rộng trên mặt. Lúc này nếu muốn điều trị thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng sinh và kem bôi ngoài da. Dùng thuốc theo hướng dẫn và theo dõi tình trạng mụn trong 12 tuần. Nếu trong thời gian dùng thuốc, tình trạng mụn không bớt, cần khám lại. Không nên nặn bóp mụn trứng cá hay bôi các loại lá theo mách bảo, vì nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo xấu.
- Mụn trứng cá nặng: Là khi mụn phát triển thành mụn nhiều, kích thước lớn, nằm sâu dưới da. Tình trạng này dù có được điều trị thì nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn là rất cao. Cần gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị trước khi trở nên nặng nề hơn. Cần tuân thủ uống và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách chăm sóc da ngày hè đơn giản.