Hà Nội

Cách sử dụng 3 hoạt chất thường dùng bôi trị mụn trứng cá

06-01-2024 13:58 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Mụn trứng cá là do sự rối loạn của nang lông tuyến bã với 4 cơ chế gây mụn chính: Tăng tiết bã nhờn, sừng hóa nang lông, vi khuẩn P.acnes và phản ứng viêm. Tùy nguyên nhân bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc, biện pháp điều trị khác nhau.

Trong bài viết này giới thiệu cách sử dụng 3 hoạt chất chính thoa tại chỗ trị mụn trứng cá:

1. Cách bôi retinoid điều trị mụn trứng cá

Retinoid là thành phần đầu tay trong điều trị mụn trứng cá. Các sản phẩm tiêu biểu có hoạt chất này như: Retinol, tretinoin, adapalene, tazarotene…

Retinoid có tác dụng vào cả 4 cơ chế gây mụn và mang lại các tác dụng: Giảm dày sừng, tiêu cồi, giảm bít tắc, giảm tạo nhân mụn, tăng tốc độ đổi mới tế bào, điều tiết tuyến bã, ức chế quá trình viêm (đặc biệt khi kết hợp cùng kháng sinh và benzoyl peroxide (BPO) và giảm nguy cơ hình thành sẹo nông.

Do khả năng đổi mới tế bào và bạt sừng tốt, nên retinoid đặc biệt hữu hiệu khi sử dụng cho các tình trạng mụn không viêm như mụn đầu đen, mụn đầu trắng (hay còn gọi là mụn ẩn). Chỉ sau vài lần thoa retinoid, các cồi mụn ẩn sẽ trồi lên hết bề mặt, khô lại và rụng dần đi.

Cách sử dụng 3 hoạt chất thường dùng bôi trị mụn trứng cá- Ảnh 1.

Retinoid rất có hiệu quả với trường hợp mụn ẩn.

- Trường hợp da có cả mụn không viêm và vài mụn viêm đỏ, có mủ trắng (nhưng là mụn nhỏ), thì vẫn có thể sử dụng retinoid. Tuy nhiên nên kết hợp thêm BPO hoặc các sản phẩm có bổ sung kháng sinh tại chỗ như clindamycin để chấm lên các điểm mụn viêm giúp giảm viêm, khô cồi, tiêu diệt vi khuẩn.

- Nếu trường hợp mụn nặng hoặc rất nặng, hỗn hợp cả mụn đầu đen, đầu trắng, mụn viêm to với đường kính trên 5mm, mụn bọc (tình trạng da lúc này rất nhạy cảm)... thì tuyệt đối không dụng đơn độc retinoid.

Nếu lúc này chỉ dùng đơn độc retinoid để thoa mụn thì sẽ khiến tình trạng da bị kích ứng nặng hơn và bùng mụn mất kiểm soát. Trường hợp mụn nặng cần đi khám tại chuyên khoa da liễu được tư vấn điều trị. Bác sĩ có thể vẫn cho sử dụng retinoid nhưng phải kèm thêm kháng sinh đường uống kết hợp thêm BPO để kiểm soát tình trạng viêm tốt hơn hoặc sử dụng isotretinoin (cũng là một retinoid) theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2. Cách dùng benzoyl peroxide (PBO)

PBO có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, hoạt động theo cơ chế giải phóng nguyên tử oxy nhằm tiêu diệt vi khuẩn kị khí P.acnes. Do đó, PBO có tác dụng làm giảm số lượng P.acnes gây viêm và tiêu cồi mụn, kích thích bong sừng.

BPO có ưu điểm rất quan trọng là không gây ra tình trạng "nhờn thuốc" như các hoạt chất khác khi sử dụng trong thời gian dài; đặc biệt hiệu quả với trường hợp mụn nặng, mụn viêm mủ.

BPO có nhiều nồng độ như 2,5%; 5%; 10%. Khi mới bắt đầu sử dụng, nên dùng loại nồng độ thấp nhất sau đó tăng dần đến nồng độ hiệu quả để giảm kích ứng da. Thuốc sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp cùng adapalene hoặc salicylic aicd.

Tác dụng phụ của BPO là có thể gây kích ứng, đỏ da, rát da… nếu dùng nồng độ cao và bôi diện rộng. Do đó chỉ nên chấm BPO lên điểm mụn sưng viêm, không bôi lan rộng ra ngoài.

Hơn nữa, BPO còn có tác dụng làm khô quá nhanh, khiến phần da bọc bên ngoài mụn bị khô, dày sừng và chai cứng. Điều này làm ảnh hưởng đến các lần điều trị tiếp theo (tức là khi thoa kem sẽ không thuận lợi thẩm thấu thuận lợi qua lớp da chai này để tiến tới ổ viêm bên dưới).

Để tránh tình trạng da bị chai mụn khi dùng BPO, cần lưu ý:

- Không nên bôi BPO tần suất quá dày và chấm lượng thuốc dày cục lên vết mụn viêm, điều đó rất dễ làm vùng da đó bị khô dày sừng khiến nốt mụn chai lại. Thay vào đó, hay bôi ngày 1 lần và thoa 1 lớp mỏng lên vết mụn.

- Nên dưỡng ẩm da trước khi chấm sản phẩm chứa BPO lên nốt mụn. Không nên bôi trực tiếp BPO trên nền da khô.

- Nên chọn sản phẩm chứa BPO có bổ sung thêm BHA hoặc adapalene sẽ hiệu quả hơn. BHA sẽ hỗ trợ loại bỏ các lớp da khô ùn ứ trong khi các chất dưỡng ẩm làm mềm da giúp BPO dễ dàng xâm nhập và tiêu diệt P. acnes. Bằng cách này các nốt mụn không bị chai hóa mà quá trình điều trị cũng đạt kết quả tốt hơn.

Cách sử dụng 3 hoạt chất thường dùng bôi trị mụn trứng cá- Ảnh 3.

Khi bị mụn trứng cá nặng, không nên tự ý sử dụng bất kỳ sản phẩm nào mà cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

3. Các dùng azelaic acid

Azelaic acid là thành phần trị mụn thông qua cơ chế tiêu sừng, kháng viêm. Nồng độ azelaic 20% có tác dụng tương đương với tretinoin 0.05% và BPO 5% nhưng lại ít kích ứng hơn.

Azelaic acid hiệu quả với các loại:

- Mụn viêm: Do tính kháng viêm của azelaic acid, nên nó có thể gom cồi mụn rất tốt và cũng nhanh chóng đẩy cồi mụn ra ngoài. Ngoài ra, azelaic acid có thể thấm sâu vào các lỗ chân lông và loại bỏ triệt để những vi khuẩn trong nang lông, giảm sưng viêm của mụn.

- Mụn ẩn: Do tính năng bạt sừng, tăng cường thay mới tế nào, thanh tẩy bớt tế nào chết, làm thông thoáng lỗ chân lông và điều tiết tuyến dầu, nên azelaic acid cũng rất hiệu quả với tình trạng mụn ẩn.

- Thâm mụn, sạm nám do mụn: Do tính năng ức chế men chuyển hoá tyrosinase tạo ra melanin, nên azelaic còn có tác dụng làm sáng, mờ những vết thâm sau mụn, đốm nâu, sạm nám. Thoa azelaic acid 20% sẽ mang lại hiệu quả tương đương với hydroquinone 2-4%, một chất làm trắng da hiệu quả nhưng lại có rất nhiều tác dụng phụ.

Tuy nhiên cũng như retinoid, khi mụn trứng cá đã ở mức độ rất nặng, thì không nên tự ý sử dụng đơn độc hoặc kết hợp azelaic acid. Lúc này nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn thêm thuốc uống hoặc các liệu pháp ánh sáng để tránh tình trạng bùng phát mụn mất kiểm soát.

Tác dụng phụ của azelaic acid là kích ứng, đỏ da, bong da, khô da có thể xuất hiện thời gian đầu sử dụng hoặc thi thoảng trong quá trình điều trị. Sau khi da đã quen dần thì tác dụng phụ này cũng sẽ hết.

Mời độc giả xem thêm video:

Những lý do khiến mụn lưng tiến triển dai dẳng và cách khắc phục - SKĐS

BS.Vũ Thanh Thủy
Ý kiến của bạn