1. Ai dễ bị mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một tình trạng da liễu dễ gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở tuổi dậy thì, thanh niên…
Mụn trứng cá biểu hiện bởi các còi mụn, sẩn, mụn mủ.... thường tập trung ở vùng tiết bã (vùng chữ T ở mặt, lưng, ngực). Các sang thương mụn hình thành do sự bít tắc nang lông tuyến bã, đồng thời nhiều yếu tố khác cũng tác động đến việc hình thành nhân mụn (như chế độ ăn nhiều đường, sữa, stress…).
Các nguyên nhân gây mụn trứng cá thường gặp là do:
- Rối loạn nội tiết tố: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mụn trứng cá. Nếu da không được chăm sóc đúng cách, lỗ chân lông dễ bị nhiễm khuẩn sẽ hình thành mụn trứng cá. Đây chính là lý do khiến người trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ trước và sau sinh, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh thường hay bị mụn.
- Chăm sóc da không đúng: Khi da không được vệ sinh, chăm sóc cẩn thận mỗi ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn trên da phát triển mạnh, gây mụn nhiều hơn.
- Dùng mỹ phẩm: Nếu dùng mỹ phẩm kém chất lượng và không phù hợp dẫn đến dị ứng, nổi mụn.
2. Cách chăm sóc da mụn ngày hè
Việc chăm sóc, vệ sinh da đúng cách sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, làm sạch bã nhờn và hạn chế được việc sinh nhân mụn mới. Sau đây là một số cách chăm sóc da đơn giản tại nhà dễ thực hiện và có lợi cho làn da mụn trứng cá:
- Giữ vệ sinh da: Rửa mặt nhẹ nhàng 2 lần mỗi ngày sáng và tối hoặc sau khi ra nhiều mồ hôi. Nên lựa chọn sữa rửa mặt nhẹ dịu, có độ pH trung tính từ 4,5-6,5 để không làm tổn thương hàng rào bảo vệ da.
- Lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc da phù hợp: Một số sản phẩm không phù hợp có thể chứa cồn, hương liệu gây kích ứng da hoặc các chất gây bít tắc nang lông sẽ làm nặng thêm tình trạng mụn hiện tại. Cần lựa chọn các loại dưỡng ẩm, chống nắng có nguồn gốc rõ ràng và được dán nhãn "alcohol-free (không cồn)" hoặc "noncomedogenic (không sinh nhân mụn)" hoặc " for oily, acne-prone skin- phù hợp da dầu mụn".
- Giữ vệ sinh đầu tóc: Tránh sử dụng các hương liệu, dầu dưỡng, chất tạo kiểu lên tóc, nếu có cần buộc gọn tóc, hạn chế việc tiếp xúc tóc với da mặt sẽ gây bít tắc nang lông và kích ứng da. Đối với tóc dài cần buộc gọn đặc biệt tóc tiếp xúc với trán.
- Giữ vệ sinh vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da mặt: Việc sử dụng chung cọ trang điểm có thể gây mụn. Mụn trứng cá không lây tuy nhiên cọ có thể mang theo các vi khuẩn.
- Không đưa tay lên mặt: Hạn chế đụng tay lên mặt, chống tay lên cằm lên má. Bàn tay không sạch có thể nhiễm khuẩn làm nặng thêm tình trạng mụn viêm. Tuyệt đối không dùng tay bóp, sờ nắn nhân mụn có thể dẫn tới nhiễm trùng và để lại sẹo mụn
- Tránh ánh nắng mặt trời: Một số thuốc trị mụn sẽ làm da nhạy cảm hơn trước tia UV và tình trạng mụn viêm nếu không được chống nắng kỹ càng có thể để lại các vết thâm mụn. Có thể cải thiện bằng cách sử dụng kem chống nắng phù hợp da mụn "non-comedogenic- không sinh nhân mụn".
- Chế độ ăn: Một số thức ăn có chỉ số đường huyết (Glycemic Index – GI) cao như bánh kẹo, nước ngọt, tinh bột hoặc các chế phẩm từ sữa động vật cho thấy làm tăng yếu tố tăng trưởng giống insullin (IGF- insulin like growth factor), dẫn đến kích thích tuyến bã trên da hoạt động mạnh và gia tăng tình trạng viêm da.
Mời độc giả xem thêm video:
Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS