Chủ động tìm phương án dự phòng
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, dự kiến có gần 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm ngoái. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là kỳ thi cuối cùng của học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Trước sức ép của kỳ thi được đánh giá khốc liệt còn hơn cả kỳ thi đại học, nhiều phụ huynh đã phải tìm phương án dự phòng nếu chẳng may con không thi đỗ lớp 10 công lập thông qua việc nộp hồ sơ vào các trường THPT tư thục.
Ngoài phí mua hồ sơ, phí làm bài khảo sát (nếu có), phụ huynh còn phải đặt tiền cọc nếu muốn giữ chỗ sau khi trúng tuyển, mức phổ biến là 2-5 triệu đồng, có trường lên tới 20 triệu đồng. Đa phần các trường không hoàn lại khoản này nếu học sinh không nhập học.
Sau khi nhận được thông báo con đã trúng tuyển vào một trường THPT ở quận Bắc Từ Liêm, chị Trần Thanh Ngọc ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm phấn khởi chia sẻ: "Con tôi có sức học trung bình. Dựa vào kết quả học tập trên lớp và các điểm khảo sát của con, tôi thấy con khó có thể đỗ vào lớp 10 công lập. Do vậy tôi phải chủ động chọn trường tư thục cho con từ sớm".
Chị Ngọc cho biết, chị đã nộp 2 triệu phí giữ chỗ cùng hơn 10 triệu đồng với các khoản khác như: phí nhập học, học phí tháng đầu, cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa... "Tôi xác định, nếu con thi đỗ trường công thì sẽ bỏ số tiền đặt cọc này. Dù mất tiền nhưng bù lại tôi "mua" được sự yên tâm cho cả gia đình".
Không riêng gì chị Ngọc mà nhiều phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 năm nay cũng đã chủ động tìm giải pháp an toàn nhất cho con, sẵn sàng xuống tiền để giữ chỗ học tại trường tư, phòng khi con không đỗ vào trường công.
Anh Khổng Trường Thành (một phụ huynh ở quận Hà Đông) cũng vừa đóng tiền đặt cọc vào một trường THPT tư thục cho biết cả gia đình đều cảm thấy bớt áp lực hơn. "Mặc dù con gái tôi học khá tốt nhưng khi kỳ thi lớp 10 đang đến gần, phương án số môn thi chưa biết, mức độ cạnh tranh ở nội thành lớn nên không gì chắc chắn bằng việc giữ một chỗ ở trường tư. Cho dù nếu con có thi đỗ vào trường cấp 3 công lập mà khoản tiền "giữ chỗ" nhà trường không hoàn lại thì tôi cũng vui vẻ chấp nhận bởi đây coi như là một khoản phí rủi ro".
Ở những năm học trước, nhiều phụ huynh cũng từng "căng não" về chuyện đặt cọc trường tư, nhất là khi các trường yêu cầu đặt cọc quá sớm hoặc khi trường khác chưa thi/thi rồi nhưng chưa có kết quả.
Chị Nguyễn Thu Hằng - phụ huynh trú tại quận Thanh Xuân kể: Năm kia tôi mất gần 10 triệu khi đặt cọc vào một trường tư thục ở quận Cầu Giấy bởi sau khi đặt cọc xong thì mới biết con đỗ vào một trường chuyên. Tuy rằng cả gia đình rất vui nhưng bản thân là một người mẹ thì trong niềm vui còn có phần tiếc nuối vì… tiếc tiền. Vì vậy, rút kinh nghiệm năm nay cho con thứ hai, gia đình sẽ lựa chọn ngôi trường tư mà số tiền đặt cọc giữ chỗ ít hoặc trường sẽ trả lại cho phụ huynh nếu con không theo học".
Nói về lý do vẫn phải chọn phương án dự phòng cho con thứ hai này, chị Hằng chia sẻ: "Rút kinh nghiệm từ con lớn, năm đó có gia đình không đặt cọc và khi có điểm chuẩn của trường công lập thì con trượt tất cả các nguyện vọng mới tá hỏa đi xin đóng tiền thì trường đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh và không nhận hồ sơ nữa".
Có nên đặt cọc nhiều trường?
Vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập được đẩy lên khá sớm, chia làm nhiều đợt trong năm với các hình thức, phương thức khác nhau. Khi đã ghi danh vào trường tư, mỗi học sinh đều mất phí đặt cọc hoặc phí giữ chỗ. Đây là quy định của hầu hết trường tư để đảm bảo công tác tuyển sinh về đích đúng kế hoạch. Số phí đặt cọc và hạn đóng phí của mỗi trường là khác nhau và được ban tuyển sinh của trường gửi chi tiết cho phụ huynh tìm hiểu, cân nhắc trước khi quyết định.
Là một giáo viên dạy Văn cấp THCS (quận Thanh Xuân) và cũng là người mẹ có con vừa trải qua kỳ thi cam go vào lớp 10 năm ngoái, cô Nguyễn Hồng Lan chia sẻ, việc đặt cọc trường tư để "chống trượt" lớp 10 cho con là tâm lý dễ hiểu của các bậc phụ huynh có con thi chuyển cấp.
Chia sẻ với phụ huynh, cô Lan cho rằng: "Mặc dù lo lắng nhưng các bậc phụ huynh cần cố gắng bình tĩnh cân nhắc lựa chọn phương án tốt nhất cho con. Phụ huynh chỉ nên đặt 1-2 trường. Lý do là dù đăng ký nhiều, nhưng cuối cùng học sinh cũng chỉ có thể chọn một trường để học. Phụ huynh hãy dựa vào các tiêu chí như lực học của con và điều kiện của gia đình để lựa chọn cho phù hợp".
Còn theo PGS.TS Đặng Quốc Thống - Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết, việc phụ huynh nộp hồ sơ và đặt cọc nhiều trường tư cùng lúc gây ra tỷ lệ ảo trong xét tuyển. "Việc đưa ra số tiền cọc để hạn chế tỷ lệ ảo, đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Theo PGS.TS. Đặng Quốc Thống, việc ồ ạt đăng ký trường tư có thể tạo áp lực với phụ huynh và học sinh. "Phụ huynh không nên tự làm khó mình, tìm tới 3-5 trường là không cần thiết".
Chia sẻ thêm với phụ huynh về việc có nên đặt cọc hay không, chuyên gia giáo dục - ThS. Vũ Diễm cho biết, khi đã chi tiền đặt cọc giữ chỗ, phụ huynh thường đã có sự cân nhắc phòng trường hợp con không đỗ vào trường công lập. Tuy nhiên, mặc dù đã có sự cân nhắc nhưng vẫn có không ít phụ huynh đặt cọc vội vàng dẫn đến quyết định mang tính thời điểm.
"Rất khó để đưa ra lời khuyên với phụ huynh về vấn đề đặt cọc hay không vì đó là lựa chọn của mỗi người và tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình. Tuy vậy, để hạn chế việc lãng phí trong bỏ tiền đặt cọc, phụ huynh cần hiểu năng lực của con để tránh tâm lý lo lắng dẫn đến việc đặt cọc lãng phí. Phụ huynh chỉ nên đặt cọc vào một trường, không nên đặt cọc nhiều trường và phải hiểu rõ về trường mình đặt cọc".