Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là phụ huynh có con học cấp THCS là việc Bộ GD&ĐT "tuýt còi" các địa phương sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng học sinh vào lớp 10.
Trong vài năm gần đây, một số địa phương đưa IELTS - bài thi tiếng Anh chuẩn hóa cho người không nói tiếng Anh bản xứ vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Theo đó, 3 hình thức chính được các tỉnh, thành phố sử dụng là tuyển thẳng, cộng điểm, miễn thi và quy đổi thành điểm môn tiếng Anh cho những thí sinh có IELTS, thường tính từ 4.0/9.0 trở lên. Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu một số tỉnh, thành phố dừng việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.
Vì sao bị "tuýt còi"?
Theo Bộ GD&ĐT, một số địa phương đang phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 công lập, trong đó có việc cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS hoặc giải học sinh giỏi cấp tỉnh là không đúng quy định. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 đúng theo quy định đã ban hành.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ không có quy định này và cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Do đó, yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế của Bộ GD&ĐT là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã được ban hành.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, trường hợp các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ thì việc học đó không có gì là lãng phí. "Tôi cho rằng, nội dung học để thi được chứng chỉ cũng rất tốt, đây cũng là việc khuyến khích các em học để rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí.
Bên cạnh đó, nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ thì bản thân các em đã sẵn sàng lợi thế, cũng không cần thiết việc khuyến khích hơn các bạn khác. Đây không phải việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định mới mà chúng tôi có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng yêu cầu cần thực hiện trong những năm vừa qua".
Không nên sử dụng điểm IELTS như một tiêu chí để tuyển thẳng
Chia sẻ về đề nghị trên của Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Hà Nội cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Với sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, ngoại ngữ sau này sẽ không còn là rào cản. Bất kể một cá nhân nào cũng đều có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và nhận được sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ dịch trực tiếp theo thời gian thực. Vì vậy, không nên sử dụng điểm IELTS như một tiêu chí để tuyển thẳng".
Ngoài ra, chứng chỉ IELTS cũng không phản ánh đầy đủ năng lực học tập của học sinh mà chỉ là một góc nhỏ. Bởi lẽ đó, IELTS nên chỉ dừng lại ở một tiêu chí cộng điểm khi tuyển thẳng vào cấp 3. Nếu lạm dụng việc này có thể khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều học sinh tài năng.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, thực tế ở Việt Nam, nếu sử dụng IELTS để tuyển thẳng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử với những học sinh không có điều kiện tài chính để học luyện và thi IELTS. Bởi lẽ, chi phí để luyện tập và thi IELTS là một chi phí không hề nhỏ. "Nó cũng có thể dẫn đến việc các em học sinh va gia đình chạy theo chứng chỉ IELTS để được tuyển thẳng mà bỏ bê các môn học khác làm suy giảm năng lực chung của cá nhân. Trong khi đó, tri thức, sự sáng tạo đổi mới mới thực sự giúp cá nhân phát triển bền vững và thành công".
TS. Lại Thị Phương Thảo - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ cho rằng quyết định của Bộ GD&ĐT là hợp lý. "Việc dùng IELTS để tuyển lớp 10, dù với hình thức và mức độ nào, về bản chất là không phù hợp với lứa tuổi.
IELTS không giới hạn độ tuổi người học, nhưng không khuyến khích học sinh dưới 16 tuổi. Trong khi đó, để kịp có chứng chỉ xét tuyển lớp 10, học sinh cần học IELTS từ năm lớp 7 hoặc 8. Điều này đi ngược khuyến cáo của đơn vị tổ chức thi IELTS. Nội dung thi IELTS có nhiều nội dung khoa học, chuyên ngành, đòi hỏi người học có kiến thức nền tảng, hiểu biết nhất định về các lĩnh vực cụ thể. Những yêu cầu chưa phù hợp với một học sinh 13-14 tuổi".
Là một giáo viên dạy tiếng Anh, cô Trần Hồng Nhung cũng ủng hộ chủ trương dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ ở một số địa phương. Theo cô Nhung, động thái này của Bộ GD&ĐT giúp phụ huynh đỡ lo lắng, còn các em học sinh cấp THCS cũng giảm bớt nhiều áp lực. "Những năm gần đây, học sinh "đua nhau" học và thi IELTS để có chứng chỉ nhằm xét tuyển hoặc quy đổi thành điểm, miễn thi ngoại ngữ.
Tôi thấy vấn đề này không được công bằng với nhiều học sinh bởi IELTS phải đến học ở các trung tâm với chi phí học đắt, lệ phí thi cao. Việc học và thi IELTS dường như chỉ dành cho những em mà gia đình có điều kiện kinh tế, còn với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì lại rất thiệt thòi vì không đủ tài chính để theo học. Cần nhìn nhận đúng vai trò của IELTS chứ không nên lạm dụng chứng chỉ này như hiện nay".
Cô Nhung cho biết thêm, trong quá trình dạy cô cũng thường tư vấn cho học sinh và phụ huynh nên cho con bắt đầu luyện thi IELTS từ lớp 10, tốt nhất là lớp 11 nếu thực sự cần chứng chỉ ngoại ngữ này để nộp hồ sơ xét tuyển các trường đại học trong nước hoặc nước ngoài.
Các đối tượng được tuyển thẳng
Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN - BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cho phép tuyển thẳng vào bậc THPT đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.