Đưa "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" vào danh mục sách tham khảo cho học sinh có sai?
Vài ngày qua, cộng đồng mạng vẫn chưa hết xôn xao về sự việc “cô giáo phát sách chứa chi tiết nhạy cảm cho học sinh lớp 11” xảy ra tại Trường Quốc tế TP.HCM. Sự việc bắt đầu từ chia sẻ của một người mẹ có con đang theo học lớp 11 của ngôi trường này trong nhóm phụ huynh các trường quốc tế có gần 27.000 thành viên.
Phụ huynh này cho biết, ngay trước kỳ nghỉ lễ, con của bà được giáo viên phát cuốn "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" của tác giả Ocean Vuong để về nhà đọc. Ban đầu bà rất hân hoan vì nghĩ hai mẹ con sẽ cùng nhau thảo luận một tác phẩm văn học hay, nhưng sau đó bà bàng hoàng khi đọc được những trang văn trong cuốn sách.
Sau khi bài viết được chia sẻ rộng rãi với nhiều bình luận gay gắt trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng, những nội dung được viết trong sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vương là bình thường và học sinh phổ thông ngày nay đã tiếp cận được nhiều hơn thế. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác nêu quan điểm, một số trang sách trong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" có ngôn từ tục tĩu, đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm,… không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống về vấn đề này, một giáo viên dạy Ngữ văn cấp THPT tại Hà Nội cho rằng, việc Trường Quốc tế TP.HCM đưa cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" vào danh mục sách tham khảo cho học sinh đọc là không sai bởi cuốn sách này được xuất bản và phát hành tại Việt Nam và không giới hạn độ tuổi người đọc.
Tuy nhiên, theo cô giáo điều này lại gây ra những phản ứng khác nhau, thậm chí đối lập trong giới độc giả nói riêng, mở rộng ra là toàn xã hội. Cá nhân tôi cho rằng có những điểm cần phải lưu tâm.
Thứ nhất, giáo viên khi phát sách cho học sinh đọc thì cần đọc trước để hiểu rõ về nội dung cuốn sách. Từ đó có sự "kiểm định" tính phù hợp của cuốn sách với học sinh: phù hợp về văn hoá - độ tuổi - thị hiếu - mục đích giáo dục.
Thứ hai, với một số cuốn sách có nội dung nhạy cảm, nhà trường và giáo viên cần lường trước phản ứng của học sinh và phụ huynh khi họ không hiểu hoặc không đủ tâm thế cởi mở để tiếp nhận cuốn sách. Đồng thời, nhà trường và giáo viên cũng nên cân nhắc việc đưa cuốn sách đó vào danh mục sách tham khảo có thực sự cần thiết hay không, hiệu quả đạt được là gì.
"Với cá nhân tôi, "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là một cuốn sách hay nhưng "kén" người đọc. Đặc biệt là đối với đối tượng người đọc chưa có đủ tâm thế.
Là một giáo viên Ngữ văn, nếu tôi thấy học trò lớp 11 của tôi cầm cuốn sách này, tôi sẽ gọi em lại và trò chuyện trước về nội dung cuốn sách để em có thể đọc một tác phẩm hay mà không bị bối rối. Giáo dục giới tính nên được thực hiện một cách phù hợp, đặc biệt ở các quốc gia cần thêm thời gian để người dân cởi mở hơn trong việc tiếp cận vấn đề này".
Cần có tiêu chí chọn sách phù hợp cho từng đối tượng
ThS. Nguyễn Diệp Ngọc - giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nêu quan điểm: "Theo tôi, về cơ bản, việc đưa những nội dung như sự hấp dẫn về tình cảm, hành vi tình dục đồng giới hoặc hành vi tình dục có xâm nhập/không xâm nhập là những nội dung bình thường trong một khung chương trình giáo dục giới tính tình dục toàn diện ở các nước phương Tây".
Theo Ths. Nguyễn Ngọc Diệp, chương trình giáo dục giới tính, kể cả ở các dự án xã hội hay tại các trường công, trường tư ở phương Tây cũng có cái nhìn cởi mở hơn về giáo dục giới tính, tình dục toàn diện.
Tuy nhiên, trước và trong quá trình giáo dục giới tính, nhà giáo dục hoặc nhà trường/tổ chức giáo dục nên có thư ngỏ gửi tới cha mẹ học sinh để thông báo về nội dung các con sẽ được học, kèm theo một số hướng dẫn/tư vấn cho cha mẹ trong giai đoạn này với con.
Đặc biệt, ở môi trường quốc tế với nhiều học sinh có quốc tịch khác nhau, đến từ nhiều nền văn hóa và quốc gia khác nhau thì việc này cũng sẽ cần sự cẩn trọng và nhạy cảm hơn để tránh những hiểu lầm không đáng có.
"Đối với giáo viên, khi chọn sách để giới thiệu cho học sinh thì cần có hệ thống tiêu chí chọn sách phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý xuất bản ở Việt Nam có thể nghĩ đến một hệ thống phân loại sách rõ ràng hơn, nhất là các sách có các yếu tố tính dục, bạo lực để người đọc dễ lựa chọn", giảng viên Nguyễn Diệp Ngọc chia sẻ.
Dưới góc độ tâm lý, ThS. Nguyễn Thị Nhiễn - Giám đốc Trung tâm khoa học tâm lý giáo dục Hải Âu cho rằng, văn hoá Á Đông ít cởi mở và có phần khắt khe khi các vấn đề về giáo dục giới tính, tình dục được nói đến một cách công khai. Cho nên, khi hiểu về đặc điểm này chúng ta đồng cảm và thấu hiểu được cảm xúc bức xúc, phẫn nộ của người mẹ và những ý kiến phản đối cách làm của giáo viên khi đưa tác phẩm văn học dù đạt nhiều giải thưởng vào quá trình dạy và học.
"Giáo dục Việt Nam luôn hướng đến các giá trị văn hoá phổ quát. Dù là trường quốc tế nhưng các giá trị văn hoá, lịch sử khi đưa vào dạy học cần được kiểm duyệt và có sự quản lý chặt chẽ. Cách thức tiếp cận và triển khai trong cảm thụ văn học của giáo viên có thể là sáng tạo nếu chọn lọc được các tác phẩm văn học phù hợp với lứa tuổi, sự phát triển tâm sinh lý của các em và phù hợp với cả nền văn hoá; nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chọn sách hời hợt và không có kế hoạch".
Theo ThS. Nguyễn Thị Nhiễn, tiếp cận và triển khai một cuốn sách hoặc chương trình giáo dục giới tính cho các đối tượng học sinh phổ thông nếu có yếu tố nhạy cảm, giáo viên và nhà trường cần có những kế hoạch rõ ràng để gửi cho phụ huynh tham khảo trước trong đó nêu rõ lý do, mục đích, những giá trị học sinh nhận được, những khuyến cáo cần lưu ý, thông điệp truyền tải là gì? Điều này giống việc thực hiện các quy định về lứa tuổi khi tham gia tại các rạp chiếu phim có chứa các cảnh bạo lực, các yếu tố nhạy cảm….
Các vấn đề giáo dục giới tính, tình dục cần được tách rời các môn khoa học và được tiến hành một cách cẩn trọng và kĩ lưỡng phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi. Các nội dung khi được học sinh tiếp nhận cần được kiểm duyệt bởi tổ chuyên môn, ý kiến của phụ huynh trước khi triển khai đến người học.
"Giáo dục trong trường phổ thông, dù là theo chương trình của Bộ GD&ĐT hay các chương trình quốc tế cũng luôn cần bám sát với 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO coi là Triết lý giáo dục: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định mình. Hiểu được điều này, việc lựa chọn chương trình, sách, tác phẩm văn học thì những người làm công tác giáo dục sẽ có những thiết kế phù hợp giúp cả người học và người dạy có cơ hội hoà nhập với thế giới chứ không hoà tan bản sắc văn hoá", chuyên gia tâm lý giáo dục cho hay.
Sau khi tiếp nhận thông tin về việc Trường Quốc tế TP.HCM phát sách nhạy cảm cho học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu nhà trường thu hồi toàn bộ sách đã cấp phát cho học sinh và yêu cầu nhà trường nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên vì không kiểm soát nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của mình dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm.
Đồng thời, rút kinh nghiệm từ vụ việc nói trên, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố rà soát, thận trọng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải là sách giáo khoa trong nhà trường.