Hà Nội

Sau vụ giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bỏ dạy, chuyên gia cảnh báo ‘nóng’

21-03-2024 14:27 | Xã hội

SKĐS - Những ngày qua, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ lương, giáo viên không đi dạy khiến hơn 1.400 học sinh phải nghỉ học đã làm dư luận xôn xao. Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh có thể xem xét chuyển trường cho con để ổn định học tập.

Những lùm xùm dai dẳng

Mới đây, ngày 18/3, toàn thể học sinh Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam (AISVN) phải tạm nghỉ học khiến nhiều phụ huynh bức xúc và lo lắng. Cụ thể, theo nội dung email hội đồng AISVN gửi cho phụ huynh, nhà trường cho học sinh nghỉ học ngày 18/3 để giải quyết vấn đề về nhân sự, tài chính.

Tối 18/3, trường gửi email cho phụ huynh với nội dung: "Sau một ngày làm việc cùng với cơ quan ban ngành cũng như các nhà đầu tư, những vấn đề về nhân sự, tài chính của nhà trường vẫn đang tiếp tục được quyết liệt giải quyết. Hội đồng trường xin được phép thông báo đến quý phụ huynh về việc trường sẽ hoạt động trở lại vào ngày 19/3 nhằm đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại. Việc dạy và học vẫn sẽ có sự gián đoạn không thể tránh khỏi trong tuần này. Nhà trường sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách để việc dạy và học trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể".

Đến ngày 19/3, dù thông báo đón học sinh trở lại nhưng nhiều giáo viên AISVN không đi dạy. Một số phụ huynh cho biết họ đưa con đến trường nhưng phải ngồi ở căng tin vì không có giáo viên giảng dạy. Vì thế, từ giữa trưa nhiều phụ huynh đã phải cho con về.

Sau vụ giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bỏ dạy, chuyên gia cảnh báo ‘nóng’ - Ảnh 1.

Trường Quốc tế Mỹ đã mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 19/3, nhưng các giáo viên chưa trở lại trường.

Bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng AISVN cho biết, trường mở cửa nhưng chưa thể dạy học bình thường vì khoảng 50% giáo viên chưa đến lớp. Nguyên nhân là do giáo viên bị nợ từ 1,5-2 tháng lương và chế độ bảo hiểm. Thời điểm hiện tại, trường gặp khó khăn nghiêm trọng về huy động tài chính dẫn đến không thể chi trả lương cho giáo viên, nhân viên và các khoản phí vận hành.

Câu chuyện tại AISVN không phải mới xảy ra lần đầu. Cách đây 6 tháng, sự việc bắt đầu khi một số phụ huynh đến cổng, căng băng rôn yêu cầu Chủ tịch HĐQT trường phải trả nợ. Vấn đề này xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn.

Phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… AISVN sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định. Thế nhưng đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ. Số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.

Đừng chọn trường chỉ vì chương trình và học phí

Liên quan việc giáo viên AISVN bỏ dạy, ảnh hưởng học tập của 1.400 học sinh, trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho biết, tất cả phụ huynh đều cần biết, trường tư hoàn toàn có thể bị phá sản như một doanh nghiệp. Do vậy, phụ huynh cần tìm hiểu về nội lực, cam kết, uy tín của trường trước khi lựa chọn.

Sau vụ giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bỏ dạy, chuyên gia cảnh báo ‘nóng’ - Ảnh 2.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên.

Thông thường, trường học chỉ thu học phí cho không quá một năm học, ở nước ngoài cũng vậy và với trường đại học cũng vậy. Việc thu phí trước nhiều hơn một năm đã là điều bất thường và có thể là quan hệ vay vốn dưới danh nghĩa học phí.

"Theo tôi, chúng ta cần có những chính sách ngăn chăn việc trường học trở thành tổ chức huy động tín dụng. Cơ quan quản lý cũng không nên cho phép việc thu học phí nhiều năm vì trường học cung cấp dịch vụ theo đơn vị năm học, việc thu trước hoàn toàn không chính đáng.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tỉnh táo khi lựa chọn trường học thu học phí trước mà không "thế chấp" bất cứ tài sản nào cho nhà đầu tư. Đây là mô hình đầu tư rủi ro cao", chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm.

Ông Bùi Khánh Nguyên cho biết thêm, phụ huynh nên tìm hiểu để biết rõ về một ngôi trường. Uy tín của trường tư có rất nhiều điểm phụ thuộc vào uy tín cá nhân của chủ trường, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám hiệu. Đừng chọn trường chỉ vì chương trình học và học phí, vì yếu tố con người rất quan trọng.

Sau vụ giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bỏ dạy, chuyên gia cảnh báo ‘nóng’ - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Với hơn 1.400 học sinh bị ảnh hưởng học tập tại ngôi trường này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phụ huynh có thể xem xét chuyển cho con em đến trường khác để ổn định học tập.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ở góc độ quản lý, Sở GD&ĐT TP. HCM cần nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Sở có thể kết nối các trường quốc tế khác dạy cùng chương trình để giới thiệu chỗ học nếu các em có nhu cầu. "Đặc biệt, cần chú ý đảm bảo không làm gián đoạn việc học của học sinh. Trong khi đó, nhà trường cần có phương án đảm bảo tài chính, chi trả lương để giữ giáo viên, ổn định việc học tập của học sinh".

Nhiều rủi ro khi phụ huynh cho các trường quốc tế vay tiền

Đề cập đến những rủi ro mà phụ huynh phải đối mặt khi cho các trường quốc tế vay tiền để đầu tư các gói giáo dục, đào tạo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết: "Vụ việc trên cho thấy, việc phụ huynh cho nhà trường vay tiền không lãi suất để con được học miễn phí luôn có rủi ro. Do đó, cần tính toán kỹ nên hay không nên trước khi quyết định. Nhà trường vay mà không trả sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự".

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc huy động vốn từ phụ huynh bằng hình thức cho vay không lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Các gia đình cần thành lập nhóm gia đình có cùng quyền lợi, tham khảo ý kiến luật sư để hiểu rõ quyền của mình và con em. Tập hợp lưu trữ bằng chứng như hóa đơn, hợp đồng, email và bằng chứng liên quan đóng phí, vay tiền, cam kết của nhà trường để đối chất bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp trường không thực hiện cam các cam kết như đã hứa".

Sở GD&ĐT TP. HCM nói gì?

Sau sự việc này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng AISVN thực hiện khẩn các giải pháp xử lý, giải quyết những vấn đề về tổ chức hoạt động giáo dục.

Cụ thể, nhà trường phải thực hiện đúng các văn bản quy định về hoạt động chuyên môn, quản lý nhà trường, văn bản quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng đối với hoạt động giáo dục của nhà trường.

AISVN phải nhanh chóng có giải pháp xử lý, chấm dứt tình trạng giáo viên xin nghỉ đồng loạt để đảm bảo việc tổ chức hoạt động giáo dục ổn định tại trường. Nhà trường phải thực hiện các giải pháp duy trì và tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục đúng kế hoạch chương trình, đảm bảo tối đa quyền lợi học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường phải giải quyết cho học sinh chuyển trường theo nhu cầu của phụ huynh.

AISVN được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TP.HCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD&ĐT.

AISVN có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước.

Bài học sau vụ học sinh lớp 8 nhảy lầu vì bị tịch thu điện thoạiBài học sau vụ học sinh lớp 8 nhảy lầu vì bị tịch thu điện thoại

SKĐS - Sau vụ việc một học sinh lớp 8 ở Quảng Ninh nhảy từ tầng 4 xuống sân trường sau khi bị giáo viên tịch thu điện thoại, vấn đề xử phạt vi phạm của học sinh trong trường lại được đặt ra.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn