Nhiều bộ sách giáo khoa giảm giá trong năm học 2024-2025
Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa (SGK). Cụ thể, giá bìa bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ sách Chân trời sáng tạo giảm 11,2% với các sách tái bản. Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, động thái này của nhà xuất bản được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá SGK, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là chính sách theo nghị quyết của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội. "Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội".
Sau khi hai bộ SGK chính thức giảm giá từ 9,6% đến 11,2% giá bìa cho năm học 2024-2025, mới đây, bộ SGK Cánh diều cũng thông báo kế hoạch giảm 20% giá bìa đối với các sở giáo dục và đào tạo khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Mức giá trên cũng được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung.
Bộ SGK Cánh diều là bộ sách đầu tiên được xuất bản theo chủ trương xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, được hơn 270.000 giáo viên từ 28.000 trường học trên cả nước dùng trong dạy và học chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh điều chỉnh giá bìa, hệ sinh thái sách Cánh diều bao gồm sách điện tử, học liệu điện tử cũng được ra mắt. Tại đây, giáo viên, phụ huynh và học sinh sử dụng miễn phí hơn 400 đầu SGK, sách giáo viên, sách bài tập, hơn 2.000 kế hoạch bài dạy để giáo viên tham khảo; ngân hàng hơn 4.000 câu hỏi theo chương trình học… Ngoài ra, học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và thư viện tại một số trường nội trú trên cả nước sẽ được tặng sách hoặc hưởng chính sách giảm giá khi mua tại trường.
Giáo viên và phụ huynh vui mừng khi sách giáo khoa giảm giá
Trước thông tin một số bộ SGK được giảm giá, nhiều giáo viên và phụ huynh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Có con gái vào lớp 10 và con trai chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng anh Nguyễn Quyền Phong - cùng là giáo viên phổ thông (tại xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cũng phải chật vật với các khoản đóng góp khi hai con cùng đi học. "Ngoài học phí của các con thì còn rất nhiều khoản chi khác khiến cha mẹ "đau đầu". Do đó, chúng tôi cứ thấy Nhà nước miễn giảm được khoản nào là phụ huynh vui mừng. Có thể với những gia đình khá giả, vài trăm nghìn không phải là vấn đề nhưng với nông dân hay những gia đình thu nhập thấp, đó thực sự là gánh nặng".
Chị Lê Phương Thuý (ở La Khê, Hà Đông) có 3 con trong độ tuổi đi học cho hay: Trong ngày khai giảng, phụ huynh phải chi khá nhiều khoản tiền, nào tiền học phí, tiền dụng cụ học tập, tiền đồng phụ, tiền quỹ lớp, tiền điều hoà… Khi biết tin các nhà xuất bản điều chỉnh giá bán sách thì phụ huynh chúng tôi rất vui vì áp lực tài chính sẽ "bớt nặng".
Thầy Trần Anh Khoa - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: "Điều này thật tuyệt với người dân - các bậc phụ huynh của học sinh không riêng gì vùng cao mà ở mọi nơi trên đất nước đều vui mừng vì mức giảm SGK trên bớt đi khó khăn rất nhiều cho cha mẹ".
Cô Nguyễn Kim Ngân - giáo viên dạy Ngữ văn một trường THCS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Việc giảm giá SGK thể hiện sự hỗ trợ của các nhà xuất bản sách đối với học sinh và phụ huynh. Tôi thấy rất vui vì điều này. Không chỉ gia đình tôi mà cả các gia đình phụ huynh học sinh lớp tôi dạy - những người làm công nhân, nông dân sẽ có thể mua được bộ SGK mới cho con mà không phải đắn đo, cân nhắc như trước".
Tại một buổi tọa đàm mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, giá SGK luôn là mối quan tâm chung của xã hội.
Theo bà Hoa, vấn đề giá SGK luôn làm các nhà giáo dục đau đầu, phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ dư luận, phụ huynh về việc giảm giá. Khi có giá SGK hợp lý, chắc chắn mỗi năm học đến, ngành giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về vấn đề này. "Có lẽ chúng ta phải hướng tới việc không bị chi phối quá nhiều bởi việc sách giá cao hay thấp mà quan tâm nhiều hơn tới chất lượng SGK có bảo đảm để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như chúng ta đặt ra hay không".
Ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 về kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 về phát triển GD&ĐT và các quy hoạch khác có liên quan, hoàn thành trong năm 2024.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá SGK. Sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn SGK.