Đường làng không có chó thả rông
Theo quan sát của phóng viên, khi đi vòng quanh xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không thấy bóng dáng của bất kỳ con chó nào thả rông trên đường. Cả các con đường lớn và nhỏ trong làng đều rất sạch sẽ.
Gia đình ông Hồ Sỹ Thắng (50 tuổi, xã Quỳnh Đôi) nuôi 2 con chó để chống trộm vào ban đêm. Ông tuân thủ việc tiêm phòng định kỳ cho các con chó hàng năm.
"Chó của tôi được nhốt trong lồng sắt vào ban ngày và được thả ra trong khuôn viên gia đình vào ban đêm. Dù cửa đã khóa nhưng cảm giác có thêm con chó giữ nhà vẫn thấy yên tâm hơn. Chó được tiêm phòng cẩn thận nên không có gì đáng lo ngại", ông Thắng chia sẻ.
Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, cho biết, năm 2014 khi xã về đích nông thôn mới, đường sá trong xã được rải nhựa, đổ bê tông, sạch sẽ và khang trang. Tuy nhiên, thói quen nuôi chó thả rông của người dân khiến những con đường đẹp đẽ này bị dơ bẩn vì chó phóng uế. Ngoài ra, việc chó thả rông cũng khiến nhiều người dân lo ngại về nguy cơ mắc bệnh dại, vì gần như mọi gia đình ở đây đều nuôi chó.
Kể từ đó, lãnh đạo xã Quỳnh Đôi bắt đầu tìm giải pháp cho vấn nạn này. Thời điểm này, Chính phủ vẫn còn chưa có quy định xử phạt người thả rông chó.
Sau khi được Đảng ủy xã cho chủ trương, chính quyền xã Quỳnh Đôi bắt đầu ra quy định cấm chó thả rông. "Xã có hơn 1.500 hộ dân, thời điểm đó, hầu như nhà nào cũng nuôi chó. Dù đã có quy định cấm chó thả rông, nhưng xã chưa vội vàng xử lý ngay, ban đầu chỉ tuyên truyền, vận động. Đầu tiền là cán bộ, đảng viên trong xã phải làm gương, rồi đi vận động từ người dân. Những năm đầu, chỉ nhắc nhở người nuôi chó mỗi lần phát hiện chó thả rông, chứ xã chưa xử phạt", ông Hưng cho hay.
Phải đến năm 2018, quy định về quản lý chó nuôi của xã Quỳnh Đôi được ban hành. Quy định nêu chi tiết trách nhiệm của những người nuôi chó. Cụ thể, người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách trình ủy ban nhân dân xã cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý phải ghi rõ ngày tháng, năm sinh, loài giống, tính biệt, ngày gia đình bắt nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vaccine.
Theo đó, chủ nuôi chó phải chịu mọi trách nhiệm khi để chó thả rông phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng. Bồi thường tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng.
Nhốt giữ con chó đã cắn người trong thời gian ít nhất 14 ngày, trong gian này nếu chó có biểu hiện bất thường phải kịp thời báo ngay cho Trạm thú y gần nhất để có biện pháp xử lý. Mọi chi phí đi lại, tiêm phòng dại và các chi phí phát sinh hợp lý khác chủ nuôi chó có trách nhiệm bàn bạc, thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại với người bị hại...
Ngoài ra, người dân cũng phải ký cam kết thực hiện "5 không". Đó là không nuôi chó khi chưa tiêm phòng bệnh dại, không nuôi chó thả rông, không nuôi chó gây ô nhiễm môi trường và không để chó cắn người.
'Phạt nguội' người nuôi chó thả rông qua camera
Sau khi quy định được ban hành và tuyên truyền rộng rãi, xã Quỳnh Đôi đã áp dụng quy định xử lý chó thả rông bằng cách thành lập 2 tổ tuần tra gồm công an và công chức xã. Các thành viên của tổ này kiểm tra trên các tuyến đường làng để bắt chó thả rông. Khi phát hiện, họ sử dụng vợt để bắt và đưa về trụ sở công an xã để xử lý.
Những con chó bị bắt giữ được thông báo nhiều lần trên loa truyền thanh của xã. Chủ nuôi được yêu cầu đến xác nhận chó, nộp phạt và đưa chó về. Nếu sau 24 giờ kể từ khi thông báo mà chủ nuôi không đến, chó sẽ bị tiêu hủy. Mức phạt đối với mỗi lần thả rông chó không đeo rọ mõm ban đầu là 700.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 90/2017), và sau đó tăng lên thành 1.500.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 04/2020).
"Vì ở xã không tránh khỏi quan hệ họ hàng, nên chúng tôi quy định rõ không có ngoại lệ. Ban đầu, rất nhiều chó bị bắt giữ. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi không đến để nộp phạt và nhận lại chó, vì vậy chúng tôi đã phải lập biên bản tiêu hủy và đưa chó đi chôn. Nhờ sự nghiêm túc trong thực hiện quy định, cho đến nay chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ vụ khiếu nại nào", ông Hồ Sỹ Hưng chia sẻ.
Khi mới bắt đầu, các tổ công tác ngày nào cũng phải dùng vợt đi tuần tra, bắt chó. Tuy nhiên, từ năm 2020, xã Quỳnh Đôi đã gắn số nhà cho tất cả các nhà dân trong xã và lắp đặt camera an ninh trên các trục đường chính, nên thuận lợi hơn cho việc quản lý chó thả rông. Thay vì nuôi chó để giữ nhà, nhiều gia đình đã chuyển sang lắp đặt camera an ninh trước cổng nhà.
"Chúng tôi thường xuyên trích xuất hình ảnh từ các camera, vận động người dân nếu phát hiện chó thả rộng thì quay phim, chụp ảnh gửi cho xã để xử lý. Thời gian sau đó, việc tuần tra vẫn được duy trì nhưng giảm hơn và mỗi lần đi tuần, không cần phải mang vợt theo. Người ngồi sau xe máy sẽ có nhiệm vụ cầm điện thoại quay phim, nếu phát hiện chó ngoài đường thì đuổi theo quay phim lại xem chó đó về nhà nào, sau đó gửi giấy mời chủ nhà đến lập biên bản phạt", một cán bộ công an xã Quỳnh Đôi cho biết.
Người bị phạt không chỉ mất tiền mà còn bị thông báo "nêu tên" trên loa truyền thanh của xã, nên không ai dại gì vi phạm. Với việc chó không được thả rông, nạn trộm chó cũng đã không còn. Nhờ đó, làng quê trở nên yên bình hơn. Theo thống kê của Công an xã Quỳnh Đôi, tính từ 6 tháng qua, toàn xã chỉ có 4 trường hợp bị xử phạt vì thả rông chó ra ngoài đường.
Các con đường làng của xã Quỳnh Đôi hiện không còn chó thả rông nào xuất hiện, bởi vì người dân địa phương đã tuân thủ quy định rất tốt về quản lý chó nuôi. Số lượng gia đình nuôi chó ở xã Quỳnh Đôi đã giảm đáng kể nhờ sự quản lý chặt chẽ.
Với việc không còn chó thả rông, các con đường làng trở nên sạch sẽ và người dân cảm thấy an toàn hơn vì không còn lo sợ bị chó tấn công, đặc biệt là chó bị nhiễm bệnh dại. Mô hình này đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương khác tìm hiểu và học hỏi, vì nhận thấy cách làm này rất hiệu quả.