Hà Nội

Dân nuôi gần 400.000 con chó, mèo, tỉnh Nghệ An phòng bệnh dại bằng cách nào?

03-04-2024 13:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương lơ là công tác quản lý đàn chó, mèo và tiêm vaccine phòng dại, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong mùa nắng nóng.

Ngày 2/4, ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN và PTNT Nghệ An, cho biết, việc thống kê đàn chó, mèo đã được quy định trong Luật và Thông tư nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Hệ thống thú y không có, rất yếu thậm chí không có thú y xã. 

Một số Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện còn lơ mơ, không ai nắm rõ, thiếu trách nhiệm trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, giám sát tổ chức thực hiện. Dẫn đến tiêm vaccine dại cho đàn chó rất thấp.

"Việc giám sát bệnh dại trên động vật tại một số địa phương chưa kịp thời, nên đã xảy ra tình trạng chó phát dại cắn người, gây bệnh, dẫn đến tử vong. Có một số huyện chưa kịp thời giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp chó nghi mắc dại. Số lượng người tử vong do bệnh dại còn ở mức cao so với cả nước", ông Minh nói.

Dân nuôi gần 400.000 con chó, mèo, tỉnh Nghệ An phòng bệnh dại bằng cách nào?- Ảnh 1.

Nghệ An vẫn còn một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp, từ 20 - 47%.

Tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo ở Nghệ An hiện còn rất thấp. Cụ thể, năm 2023, một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp, từ 20 - 47%, như Nghi Lộc, Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, TP Vinh... đặc biệt các huyện miền núi hầu như không tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó (ngoại trừ huyện Tương Dương). 

Kết quả giám sát chủ động dịch bệnh cho thấy, tỷ lệ lưu hành các loại mầm bệnh lớn, trong đó bệnh dại là 64,7%, nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An Đặng Văn Minh, việc quản lý chó, mèo ở cấp xã, phường, thôn, bản còn rất chậm và yếu. Hầu như, chưa tổ chức triển khai đúng, đủ các quy định và các văn bản chỉ đạo. Về cơ bản, các huyện ban hành rất nhiều văn bản, nhưng quan trọng nhất là cần phải tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt phải do UBND cấp xã, thôn bản thực hiện.

Ngoài ra, khi ban hành kế hoạch chống bệnh dại, nhưng các huyện chưa bố trí kinh phí, hoặc chưa đủ kinh phí. Kế hoạch chưa đúng, chưa đủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và của UBND tỉnh Nghệ An.

Công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa liên tục, chưa sát thực tế, chưa dễ hiểu, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân bị chó cắn nhưng không khai báo, đến khi phát bệnh thì đã quá muộn. Hệ thống thú y ở nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, huyện còn thiếu và yếu. Nhiều cán bộ ngại đi kiểm tra chó, mèo. Hầu như, không có nhân viên bắt chó, mèo để tiêm phòng...

Dân nuôi gần 400.000 con chó, mèo, tỉnh Nghệ An phòng bệnh dại bằng cách nào?- Ảnh 2.

Tiêm phòng vaccine bệnh dại đang được các địa phương quan tâm.

Cái khó hiện nay, theo ông Đặng Văn Minh đó là, "Không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Đây là nội dung rất quan trọng, cần hướng dẫn, nhắc nhở nhưng chủ nuôi chó không thực hiện nghiêm việc kê khai, nuôi nhốt chó thì phải xử lý nghiêm. Xã, thôn phải quản lý và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm…".

Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó do không có kế hoạch, chậm kế hoạch hoặc có nhưng không sát thực tế. Tỷ lệ tiêm rất thấp, nhiều xã tiêm được 1 vài phần trăm đàn chó hoặc tỷ lệ cao nhưng là theo kế hoạch, chứ không phải theo số liệu đàn chó thực tế.

Lâu nay, vẫn chưa xử lý trách nhiệm, trước hết trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã; cấp huyện còn chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm hoặc thiếu bố trí kinh phí tiêm phòng vaccine.

Ngoài ra, không xử lý được chủ nuôi chó không nhốt, không tiêm vaccine cho đàn chó... cùng với đó việc phối hợp giữa cơ quan thú y và y tế còn lỏng lẻo, nhiều nơi thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin...

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 06 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật và bệnh cúm gia cầm.

Chủ tịch UBND tỉnh này cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cấp lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh dại, nhất là ở địa phương có số người chết cao và tỷ lệ tiêm vaccine dại thấp.

Dân nuôi gần 400.000 con chó, mèo, tỉnh Nghệ An phòng bệnh dại bằng cách nào?- Ảnh 3.

Người dân huyện Tân Kỳ bắt giữ chó để tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại.

Ông Minh cho rằng, để làm tốt công tác phòng chống bệnh dại cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và người dân. Ngoài ra cần củng cố hệ thống thú y, bố trí cán bộ, nhân viên và kinh phí thực hiện.

Vừa qua, tình trạng chó thả rông tấn công người liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đã có không ít trường hợp bị tử vong do bệnh dại vì không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.

Ở Nghệ An, cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong thương tâm do bệnh dại, đơn cử ngày 2/3, cháu L.T.T. (9 tuổi, ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) bị tử vong do bệnh dại. Khi cháu bị chó cắn, gia đình tự xử lý vết thương, không đưa đến cơ sở y tế, không đi tiêm phòng huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại. Sau đó, cháu có các triệu chứng tăng tiết nước bọt, co giật, liệt, sợ gió, sợ ánh sáng và tử vong vào 18 giờ cùng ngày.

Việc để chó cắn người, khiến tình hình bệnh dại cũng trở nên báo động. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 11.679 trường hợp bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Trong đó, có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. 

Chó là loại súc vật cắn người chiếm tỷ lệ lớn nhất đến 86,5% và mèo là 6%... Từ đầu năm 2023 đến ngày 2/4/2024, tỉnh Nghệ An ghi nhận 150 ổ bệnh dại trên động vật tại 8 huyện, số chó mắc mệnh buộc phải tiêu huỷ 31 con.

Bị chó mèo cắn nhưng con vật được tiêm phòng thì có cần tiêm vaccine phòng dại không?Bị chó mèo cắn nhưng con vật được tiêm phòng thì có cần tiêm vaccine phòng dại không?

SKĐS - Số ca tử vong do bệnh dại tăng đáng kể trong vài tháng trở lại đây. Để phòng ngừa bệnh dại, cách duy nhất là tiêm vaccine phòng dại. Nhiều người đặt câu hỏi bị chó mèo cắn và con vật đó đã tiêm phòng rồi thì người bị cắn có phải tiêm phòng không?


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn