Đánh chết chó thả rông cắn người có phải bồi thường?

01-04-2024 17:10 | Pháp luật

SKĐS - Theo luật sư, nếu bảo vệ người khác mà đánh chết chó dữ, trách nhiệm bồi thường sẽ không được nhắc tới do thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc chó thả rông, không rọ mõm tấn công người đi đường, để lại những hậu quả hết sức thương tâm. Đáng chú ý, mới đây nhất tại Hà Giang, ngày 27/3, con gái 5 tuổi của chị D. (ở thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang) chơi trên vỉa hè thì bị một con chó dữ lao tới, chồm lên người giằng xé.

Sự việc khiến bé gái bị thương nặng, phải chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội điều trị. Sự việc sau đó được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Đánh chết chó thả rông cắn người có phải bồi thường?- Ảnh 1.

Hình ảnh bé gái ở Hà Giang bị chó cắn trọng thương. Ảnh: MXH

Chủ chó thả rông cắn người có thể bị xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, chó thả rông, không rọ mõm là mối ẩn họa khôn lường, khiến cho người dân lo lắng và bức xúc. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã, phường của thành phố vẫn có thói quen thả rông chó ra đường mà không đeo rọ mõm.

Tình trạng này làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường. Mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng nhiều người vẫn bất chấp quy định pháp luật, thả rông chó ra đường, không đeo rọ mõm cũng không xích gây bất an cho người dân. Với mức độ nguy hiểm như vậy thì pháp luật đã đưa ra các quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng này.

Đánh chết chó thả rông cắn người có phải bồi thường?- Ảnh 2.

Hình ảnh chó thả rông, không rọ mõm ở đường phố Hà Nội. Ảnh: Đức Sơn

Căn cứ tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP), chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó hoặc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…

Ngoài ra, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như: không đeo rọ mõm, không có xích dắt, không tiêm phòng dại... để chó cắn người gây thương tích hoặc làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp chó không rọ mõm cắn chết người hoặc gây thương tích cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật hình sự.

"Mức hình phạt đối với chủ chó có thể tới 5 năm tù (nếu 1 người chết) hoặc đến 12 năm tù (nếu 3 người chết trở lên). Bên cạnh đó, chủ chó còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị chó cắn. Đây là quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự", luật sư Nam nói.

Chủ chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác

Theo luật sư Nguyễn Văn Nam, căn cứ khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu của súc vật có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp người chiếm hữu, sử dụng súc vật gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý ở chiều ngược lại, nếu ta phản kháng, tấn công lại khiến con vật bị chết, tùy thuộc tính chất của tình huống đó, trách nhiệm pháp lý về việc bồi thường dân sự cũng có thể được đặt ra.

Nếu một người bị con chó tấn công và người chứng kiến chống trả, tấn công lại hoặc sử dụng các vật dụng tấn công khiến con vật tử vong ngay lập tức, theo luật sư Nam đây là tình huống mà mọi người đã phòng vệ chính đáng.

Căn cứ Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng, người gây thiệt hại không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, người tấn công chó không phải bồi thường cho chủ con chó.

Nếu con chó tấn công người và người xung quanh đứng ra bảo vệ, xua đuổi khiến con vật bỏ đi nhưng vẫn tiếp tục sử dụng hung khí để tấn công, đuổi đánh khiến con vật bị chết, đây không được coi là tình huống phòng vệ chính đáng.

Nếu hành vi tấn công, xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, việc tiếp tục tấn công, đánh trả ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.

Theo Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp này, người đánh chó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ chó do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Video chó dữ cắn bé gái trọng thương ở Hà GiangVideo chó dữ cắn bé gái trọng thương ở Hà Giang

SKĐS - Một bé gái ở Hà Giang bị chó dữ tấn công, cắn trọng thương phải đưa đi bệnh viện tại Hà Nội điều trị.



Phúc Đức
Ý kiến của bạn