Hà Nội

Phát minh mới: Nhựa có khả năng tự hàn gắn

21-04-2022 14:31 | Quốc tế
google news

SKĐS- Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tìm ra cách tạo ra "loại nhựa tự sửa chữa" có thể được sử dụng trong điện thoại thông minh, ô tô và các sản phẩm khác, nó được kỳ vọng sẽ làm giảm lượng chất thải hiện đang làm bẩn hành tinh.

Phát minh mới: Nhựa có khả năng tự hàn gắn - Ảnh 1.

Vật liệu nhựa có thể tự chữa lành vết nứt ở nhiệt độ phòng.

Giáo sư hóa học Takuzo Aida tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) và các đồng nghiệp của ông cho biết bằng cách trộn một lượng nhỏ chất chuyên dụng vào nhựa thông thường có thể làm ra một loại  nhựa có thể tự động chữa lành các vết nứt. 

"Kỹ thuật này có thể dẫn đến sự phát triển của một loại nhựa bền vững mà không cần phải loại bỏ hoặc tái chế các đồ nhựa đã qua sử dụng" - GS Aida cho biết.

Vào năm 2018, GS Aida và các cộng sự đã sử dụng một chất gọi là polyether thiourea tạo ra một vật liệu nhựa tự hàn gắn hư hỏng, các mảnh của nó bị ép vào nhau ở nhiệt độ phòng. Với nghiên cứu mới nhất, nhóm đã áp dụng cùng một chất liệu nhựa cho một thành phần nhựa khác không có chức năng tự sửa chữa với tỷ lệ 20%.

Kết quả cho thấy nhựa hỗn hợp có thể tự sửa chữa một cách tự nhiên ở nhiệt độ bình thường. 

Các vật dụng làm từ nhựa thông thường phải được nấu chảy ở nhiệt độ cao để hàn gắn các liên kết phân tử. Loại nhựa mới được phát triển cố định các chuỗi phân tử bị đứt gãy theo một cơ chế được gọi là liên kết hydro. Đặt các mảnh bị hỏng lại với nhau ở nhiệt độ phòng trong một giờ hoặc lâu hơn sẽ giúp chúng có thể phục hồi hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các vết sẹo bên trong nhựa không nhìn thấy bằng mắt thường cũng có thể được chữa khỏi.

 Lý giải về cơ chế hoạt động của loại nhựa mới, GS Aida cho biết nhựa có chứa các chuỗi phân tử xoắn lại với nhau. Liên kết giữa các phân tử này sẽ biến mất khi sản phẩm nhựa bị nứt vỡ.

Các nhà khoa học kỳ vọng công nghệ này sẽ tạo ra nhựa tự vá với nhiều tính năng khác nhau nếu sử dụng tỷ lệ thành phần khác nhau. Nó có thể ứng dụng cho màn hình điện thoại thông minh, khung kính, thiết bị điện tử gia dụng, đồ nội thất, máy bay và ô tô.

 Theo một báo cáo công bố vào tháng 2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ 9% nhựa trên toàn thế giới được tái chế vào năm 2019. Vật liệu nhựa không tái sử dụng được chôn hoặc đốt, và một phần trong số chúng chảy ra biển. Nhựa đặc biệt không tốt cho môi trường vì nó không bị phân hủy trong điều kiện tự nhiên. 

Phát minh mới - Miếng dán tránh thai vi kimPhát minh mới - Miếng dán tránh thai vi kim

SKĐS - Các nhà nghiên cứu đang phát triển một miếng dán tự hoạt động lâu dài với chức năng chính là cung cấp nội tiết tố bên dưới bề mặt da giúp tránh thai hiệu quả.


Hà Anh (Theo Asahi)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn