Hà Nội

Phát hiện và cảnh báo sớm ca bệnh cúm A/H5 nhờ 2 yếu tố then chốt

23-10-2022 07:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ngày 20/10/2022, Bộ Y tế chính thức thông báo ca bệnh cúm A/H5 (cúm gia cầm thường do virus cúm A/H5N1 gây ra) xuất hiện trở lại sau một thời dài vắng bóng. Một loạt các giải pháp điều tra dịch tễ, kiểm soát bùng phát dịch đã được khởi động.

Để có được sự ứng phó kịp thời này, vai trò của các bệnh viện - nơi tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân đầu tiên là hết sức quan trọng.

Hệ thống cảnh báo và kỹ năng nhạy cảm trong khai thác dịch tễ từ các biểu hiện lâm sàng

Ngày 8/10/2022 bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên bệnh viện trung ương sau 3 ngày khởi phát bệnh với biểu hiện chính là sốt cao, ho, vàng da tăng dần và nước tiểu sẫm màu.

Tại bệnh viện tỉnh, trẻ được chẩn đoán có suy gan, suy thận. Ở bệnh viện trung ương, lúc nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng thở khó, suy gan, suy thận.

Bên cạnh việc chỉ định các xét nghiệm đánh giá tổng thể tình trạng bệnh nhân, triển khai các biện pháp cấp cứu và điều trị tích cực, các thầy thuốc ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân đã khai thác các tiền sử bệnh lý có thể gặp.

Căn cứ vào đặc điểm lâm sàng và tính chất diễn biến của bệnh một loạt thông tin tiền sử đã được khai thác bao gồm: tiền sử liên quan đến ngộ độc, tiền sử các bệnh nền, bệnh mạn tính, tiền sử tiếp xúc với các nguồn bệnh truyền nhiễm…

Bệnh cúm A/H5 xuất hiện trở lại sau một thời dài "vắng bóng"

Bệnh cúm A/H5 xuất hiện trở lại sau một thời dài vắng bóng. Ảnh minh họa.

Và đặc biệt các thầy thuốc đã không quên hỏi về việc có hay không tình trạng gia cầm ốm, chết liên quan đến bệnh nhân và hộ gia đình bệnh nhân. Kỹ năng hỏi tiền sử các bệnh truyền nhiễm được xây dựng dựa trên quy trình sàng lọc, cảnh giác với các mầm bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch đã được bệnh viện thiết lập.

Sau khi lắng nghe và thấu hiểu vai trò của việc kê khai dịch tễ, hai ngày sau nhập viện, người nhà bệnh nhân đã thông báo với các bác sĩ, xung quanh nhà bệnh nhân có gà chết hàng loạt và bản thân bệnh nhân cũng được ăn thịt gà.

Bệnh nhân lập tức được chỉ định xét nghiệm xét nghiệm RT-PCR phát hiện tác nhân virus thường gây cúm gia cầm. Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5 (virus gây cúm gia cầm là cúm A/H5N1; gen N đang được tiếp tục xét nghiệm xác định).

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện đã thông báo ca bệnh tới hệ thống quốc gia cảnh báo bệnh truyền nhiễm để kịp thời kích hoạt các giải pháp ứng phó. Bản thân bệnh nhân được cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Mặc dù chưa có bằng cớ về việc virus gây cúm gia cầm lây từ người sang người, tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp cách ly điều trị nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện.

Nâng cao vai trò nhận diện, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm sớm ngay tại bệnh viện

Khi có dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, các cơ sở khám, chữa bệnh thường là nơi những bệnh nhân đầu tiên tìm đến. Nếu những bệnh nhân đầu tiên không được phát hiện, bản thân bệnh nhân sẽ không được tiếp cận với các biện pháp điều trị phù hợp theo căn nguyên, còn dịch bệnh bị bỏ quên và tiếp tục lây lan trong cộng đồng.

Dịch bệnh càng nguy hiểm, mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng càng lớn và kiểm soát càng khó khăn. Ngược lại, khi những ca bệnh đầu tiên của dịch bệnh sớm được phát hiện, khuynh hướng tiến triển của dịch cũng sớm nhận ra, các giải pháp ứng phó sẽ sớm được triển khai và phát huy hiệu quả. Các ca bệnh cũng sẽ được thu dung điều trị phù hợp. Việc lây nhiễm trong bệnh viện được kiểm soát hiệu quả ngay từ đầu.

Phát hiện và cảnh báo sớm ca bệnh cúm A/H5 nhờ kiến thức và kỹ năng nhaỵ cảm với yếu tố dịch tễ của người thầy thuốc trong bệnh viện - Ảnh 3.

Bệnh viện là nơi có các phương tiện xét nghiệm có thể sớm tìm ra tác nhân gây dịch bệnh, hoặc ít nhất các kết quả xét nghiệm kết hợp với biểu hiện lâm sàng cũng có thể đưa ra các thông tin định hướng về căn nguyên gây dịch.

Người thầy thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh với nguồn kinh nghiệm về lâm sàng sẵn có, khi được trang bị thêm kiến thức về dịch tễ và định vị vai trò trong việc phát hiện sớm tác nhân gây dịch bệnh chính là nguồn lực quan trọng trong việc đưa ra các cảnh báo sớm về dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những vụ dịch nguy hiểm có thể xảy ra.

Các bệnh viện, bên cạnh nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, công tác dịch tễ - dự phòng cần được xác định cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh viện và đóng góp cho việc ứng phó dịch bệnh tại cộng đồng.

Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh hiện nay, hệ thống dự phòng – dịch tễ trong các bệnh viện rất cần thiết phải được nâng cao năng lực, thể hiện vai trò là mạng lưới nhận diện sớm, phát hiện khuynh hướng ngay từ đầu các dịch bệnh truyền nhiễm (nếu có) để kịp thời cảnh báo và có giải pháp ứng phó hiệu quả.

Xem thêm video được quan tâm

Người dân cảm kích hình ảnh CSGT kịp thời mở đường đưa cháu bé đi cấp cứu


TS.BS. Lê Kiến Ngãi
Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: