Trong mùa cúm A/H5N1, mọi người đều cần bảo vệ sức khỏe, nhưng với trẻ, lứa tuổi hiếu động và chưa có ý thức phòng bệnh thì phụ huynh cần chú ý đặc biệt...
Trường hợp bé N.D.H.H 4 tuổi ngụ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, không may ra đi vì bị nhiễm cúm A/H5N1 là hồi chuông cảnh báo mọi người không nên chủ quan với việc trẻ em đến gần với nguồn có thể lây nhiễm virút, khi em này tò mò xem người nhà mổ thịt con gà bị bệnh…
Cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào?
Bệnh cúm A/H5N1 do một loại virút có tên là cúm A/H5N1 gây ra. Virút này có thể sống trong phân các loài chim, gia cầm, thủy cầm ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4oC, ít nhất 6 ngày ở nhiệt độ 37oC. Đặc biệt vi rút sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 70oC trở lên.
Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch |
Nguồn lây virút A/H5N1 từ gia cầm sang người như do tiếp xúc với gia cầm bệnh, giết mổ gà bệnh, chơi đá gà, chơi với vịt con, tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, ăn tiết canh và có những trường hợp không tìm được nguyên nhân.
Cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho mọi đối tượng, tuy nhiên lứa tuổi thanh niên có tỉ lệ mắc và tử vong cao hơn, đặc biệt cúm gia cầm dễ gây biến chứng ở người già, người mắc bệnh mạn tính như bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh hen suyễn… So với cúm người thì cúm gia cầm có thời gian ủ bệnh lâu hơn, kéo dài từ 2 - 14 ngày. Chính vì vậy, yêu cầu cách ly người mắc bệnh cúm gia cầm thường cần thời gian lâu hơn.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiễm cúm gia cầm ở người
Các triệu chứng cúm A(H5N1) ở người rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm mùa thông thường như:
- Bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, sốt liên tục với nhiệt độ trên 380C, đôi khi rét run, mặt ửng đỏ.
- Bệnh nhân bị đau đầu nhiều, đau mỏi các cơ ơ vùng chân, vùng cánh tay, vùng cổ, đau đầu tăng lên khi ho hoặc sốt cao, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch vùng cổ.
- Bệnh nhân thường bị ho, có thể ho khan nhất là vào giai đoạn khởi phát. Có khi ho có đàm thường gặp trong tình huống bội nhiễm vi khuẩn.
- Bệnh nhân có thể bị thở nhanh hoặc đôi khi có cảm giác khó thở.
Chủ động bảo vệ trẻ
Trẻ em là đối tượng rất gần gũi và thân thiện với các loại gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi tại hộ gia đình. Trẻ thường hiếu động, tò mò, và đặc biệt là chưa có ý thức phòng bệnh như người lớn. Hơn nữa, do các sản phẩm từ gia cầm như: thịt và trứng của chúng chính là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, nên chúng ta thường cho trẻ ăn trứng. Tất cả điều này là lý do để phụ huynh chú ý nhắc nhở và bảo vệ trẻ trong mùa cúm A/H5N1. Đặc trưng nhất của tình trạng nhiễm cúm A/H5N1 là bệnh cảnh lâm sàng diễn biến chuyển nặng rất nhanh, bệnh nhân bị viêm phổi nặng do tổn thương phổi nghiêm trọng làm người bệnh bị suy hô hấp cấp tính, dẫn đến suy đa tạng và tử vong rất nhanh nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Các bậc làm cha, mẹ cần nêu cao ý thức phòng bệnh cúm gia cầm cho trẻ bằng những biện pháp rất thiết thực có thể áp dụng rộng rãi tại từng hộ gia đình có trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Các biện pháp phòng ngừa nên áp dụng cụ thể như:
- Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi chơi đùa và đặc biệt sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm ngay cả khi gia cầm, thủy cầm vẫn còn khỏe mạnh.
- Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nghi ngờ bị nhiễm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.
- Nên cho trẻ ăn chín các thức ăn được chế biến từ gia cầm, thủy cầm.
- Không cho trẻ tham gia chơi chọi gà, không cho trẻ chăm nuôi và quá gần gũi với các loài chim nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang có xu hướng gây bệnh ngày càng phổ biến trên con người.
- Không cho trẻ đến gần hoặc quanh quẩn chỗ người lớn đang làm thịt gia cầm, thủy cầm.
- Không nên cho trẻ đi du lịch đến những nơi đang được cảnh báo là vùng dịch.
- Gia đình có tham gia chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với số lượng lớn nên tuân thủ việc tiêm phòng vắc -xin ngừa cúm A/H5N1 định kỳ cho vật nuôi để đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em.
Ths.BS. ĐINH THẠC