Bài viết dưới đây giúp bạn phân biệt được đâu là dịch âm đạo (khí hư) "ngoan" hay "hư".
1. Thế nào là dịch âm đạo bình thường?
Dịch âm đạo giữ cho âm đạo ẩm ướt, làm sạch và tự bảo vệ để không bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Lượng dịch tiết âm đạo ở mỗi người khác nhau. Màu dịch âm đạo, độ đặc và lượng dịch cũng thay đổi theo từng ngày, tùy thuộc vào thời gian trong chu kỳ kinh nguyệt.
Dịch tiết âm đạo bình thường là có màu trong suốt đến trắng sữa và gần như không mùi. Sự thay đổi chút ít trong chu kỳ là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn mang thai, dịch âm đạo xuất tiết nhiều hơn.
Khi bạn quan hệ tình dục, cảm xúc tình dục, do tuyến Skene (được coi là tuyến tiền liệt của nữ) ở âm hộ tiết ra và chính dịch xuất tiết này cũng tham gia vào việc làm trơn ướt âm đạo.
Những biểu hiện trên bạn hãy coi đó chỉ là một phản ứng của sự thay đổi hormon trong cơ thể.
2.Thế nào là dịch âm đạo bất thường?
- Xuất tiết âm đạo nhiều, hôi, kèm theo ngứa, rát
- Chất xuất tiết âm đạo có màu trắng như bột và ngứa: Bình thường trong môi trường âm đạo vẫn có vi khuẩn lành tính tạo ra độ toan nhẹ cho âm đạo để khống chế sự phát triển của nấm candida albicans. Khi chất xuất tiết âm đạo bột, gây ngứa bạn có thể bị viêm âm đạo do nấm.
- Chất xuất tiết âm đạo có màu xanh hơi vàng và có mùi hôi: Nếu kèm đau bụng dưới thì cần đi khám ngay vì có thể do nhiễm khuẩn cấp ở tử cung, ở 2 vòi trứng và các mô xung quanh (nên gọi là viêm tiểu khung). Bệnh lý này có thể không có nguyên nhân rõ ràng nhưng thường lan truyền từ âm đạo, từ quan hệ tình dục, đôi khi từ dụng cụ tử cung hoặc sau nạo thai, sảy thai.
- Chất xuất tiết đỏ hay có màu nâu dấu hiệu này là bạn có vấn đề về tử cung, cổ tử cung. Nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để loại trừ ung thư cổ tử cung.
- Khi mất cân bằng hệ vi sinh: Tức là bị loạn khuẩn âm đạo, nếu lại thêm cả nhiễm khuẩn sẽ là viêm âm đạo do loạn khuẩn. Lúc này bạn thấy ngứa, rát, mùi khó chịu.
Yếu tố gây dịch âm đạo bất thường:- Đó là do bị nhiễm khuẩn âm đạo;
- Mắc trichomonas - đây là một loại nhiễm trùng gây ra bởi một động vật nguyên sinh hoặc đơn bào. Tình trạng nhiễm trùng thường lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với khăn hoặc áo tắm;
- Nhiễm trùng nấm men;
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đặc biệt là lậu và chlamydia…
3. Biện pháp phòng ngừa
Để dịch âm đạo không bị viêm nhiễm, các bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Giữ sạch âm đạo bằng cách tắm rửa bằng nước sạch, lau khô ráo
- Mặc quần lót thoáng, thấm hút. Không mặc quần quá ôm, chật. Nên thay quần lót 3 tháng/ lần.
- Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần quan hệ tình dục.
- Không nên thụt rửa sâu bên trong vì đây là hành động có thể khiến làm mất cân bằng độ pH âm đạo và gây ra nhiều bệnh phụ khoa.
- Sống chung thủy, 1 vợ 1 chồng.
- Luôn lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo và gây nhiễm trùng sau khi đi vệ sinh.
- Trong những ngày kinh nguyệt: thường xuyên thay băng vệ sinh (4 giờ/lần), vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Khi thấy các dấu hiệu bất thường về dịch âm đạo như màu sắc, mùi,âm đạo ngứa, rát, bị đau bụng dưới… cần tới bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm video được quan tâm
Sáng 22/2: Đông nghẹt F0 Hà Nội xếp hàng đến trạm y tế test Covid-19, phường kêu quá tải