Hội chứng tiết dịch âm đạo

10-07-2018 14:30 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Trong các bệnh về phụ khoa, hội chứng tiết dịch âm đạo còn gọi là khí hư thường được sử dụng cho việc quản lý bệnh viêm âm đạo. Đây là hội chứng thường gặp ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi cần được lưu ý phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời để chủ động ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Có thể nói hội chứng tiết dịch âm đạo là một hội chứng lâm sàng thường gặp ở phụ nữ, người bệnh hay than phiền là có dịch âm đạo hay khí hư tiết ra kèm theo một số triệu chứng khác như ngứa ngáy, đau rát ở vùng sinh dục, đi tiểu khó, đau khi giao hợp...; nếu bệnh không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm tiểu khung, vô sinh, có thai ngoài tử cung nhất là khi bị nhiễm bệnh lậu và Chlamydia. Thực tế tất cả mọi trường hợp bị viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm âm hộ-âm đạo và viêm cổ tử cung đều có thể dẫn đến tình trạng tiết dịch âm đạo. Nguyên nhân của hội chứng tiết dịch âm đạo thường gặp là do nhiễm nấm men Candida gây viêm âm hộ-âm đạo, nhiễm trùng roi âm đạo gây viêm âm đạo, nhiễm vi khuẩn gây viêm âm đạo từ vi khuẩn, nhiễm lậu cầu khuẩn cũng như nhiễm Chlamydia trachomatis gây viêm ống cổ tử cung và niệu đạo.

Triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử và bệnh sử

Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của hội chứng tiết dịch âm đạo bệnh lý còn gọi là khí hư có thể xảy ra với chất tiết có số lượng ít hoặc nhiều, loãng hoặc đặc, màu trong hoặc đục hay màu vàng, có mùi hôi hoặc không hôi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác đi kèm như: ngứa vùng âm hộ, âm đạo đặc biệt do nhiễm nấm men Candida; có cảm giác bỏng rát vùng âm hộ, âm đạo cũng đặc biệt do nhiễm nấm men Candida; viêm sưng âm hộ, đau khi giao hợp và có thể kèm theo đi tiểu khó.

Hội chứng tiết dịch âm đạo

Từ những dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng đã được phát hiện, cần khai thác các thông tin có liên quan như: triệu chứng hiện tại, thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh lý và thời gian bệnh tồn tại, tiền sử kinh nguyệt và thai nghén, đã có lần nào tiết dịch âm đạo bệnh lý hay khí hư hoặc bị bệnh tương tự và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục hay chưa, nếu có thì mấy lần; lần giao hợp cuối cùng, sự liên quan giữa triệu chứng bệnh lý và giao hợp gây đau hoặc có triệu chứng nặng lên; đã có chồng hay bạn tình thường xuyên chưa, số bạn tình và các loại bạn tình, nghề nghiệp...; chồng hoặc bạn tình có triệu chứng được chẩn đoán hoặc có nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục hay không; các loại thuốc và biện pháp điều trị đã hoặc đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc; tiền sử hay hiện nay đang nghiện, chích ma túy, xăm trổ...

Trên cơ sở này, cần đánh giá nguy cơ viêm ống cổ tử cung do nhiễm lậu cầu khuẩn và Chlamydia thường chiếm tỉ lệ cao nếu phát hiện phụ nữ có một trong những yếu tố có liên quan như: bạn tình có các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, có hành vi tình dục không an toàn, có quan hệ tình dục hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhóm người có hành vi tình dục nguy cơ cao với người mại dâm, sử dụng chất ma túy... hay có 2 trong 3 yếu tố như: thanh niên ở độ tuổi 20, chưa lập gia đình và đã có quan hệ tình dục; có trên một bạn tình hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình khác; có bạn tình mới trong vòng 3 tháng gần đây.

Nấm men Candida, một trong những nguyên nhân của hội chứng tiết dịch âm đạoNấm men Candida, một trong những nguyên nhân của hội chứng tiết dịch âm đạo

Khám lâm sàng phát hiện bệnh lý

Việc khám lâm sàng phải bảo đảm các nguyên tắc và điều kiện cần thiết gồm: nơi khám có đủ ánh sáng, kín đáo, yên tĩnh, đủ ấm, bảo đảm bí mật và tâm lý tốt cho phụ nữ; bác sĩ khám bệnh cần bảo đảm tác phong nghề nghiệp, tôn trọng người bệnh và phong tục tập quán của họ, nên bố trí bác sĩ nữ khám bệnh, nếu là nam bác sĩ thì cần có người hỗ trợ là nữ; lưu ý việc mang găng tay vô khuẩn khi khám bệnh; chuẩn bị dụng cụ vô khuẩn như mỏ vịt, kẹp, găng tay, vật liệu lấy bệnh phẩm, lam kính, bông, cồn...; cần cho bệnh nhân nằm trên bàn để bộc lộ toàn bộ vùng sinh dục. Cần khám toàn bộ da và niêm mạc để phát hiện những thương tổn bệnh lý; chú ý các vị trí hay xuất hiện tổn thương là miệng, nách, bẹn, hậu môn và lòng bàn tay, bàn chân. Khám bộ phận sinh dục ngoài của người bệnh ở tư thế phụ khoa, chỉ bộc lộ vùng sinh dục; khám môi lớn, mô bé và vùng hậu môn, niệu đạo, âm vật; phát hiện các tổn thương sẩn, vết loét, sùi, tổn thương ghẻ, hạch bẹn, rận mu và trứng rận mu; xem xét dịch âm đạo với màu sắc, mùi, đặc điểm dịch tiết nhiều hay ít, trong hay đục, vàng hay xanh, có mủ, có bọt, có dính vào thành âm đạo không, có lẫn máu không. Khám bên trong bằng cách đặt mỏ vịt vô khuẩn vào trong âm đạo, mở mỏ vịt và định vị cổ tử cung vào giữa hai cành mỏ vịt, kiểm tra cổ tử cung và các thành âm đạo; đánh giá tính chất khí hư về màu sắc, số lượng, mùi; đánh giá dịch ở trong ống cổ tử cung với tính chất dịch trong, dịch mủ hoặc mủ có lẫn máu; phát hiện các tổn thương loét, hột hoặc sùi trong cổ tử cung và thành âm đạo; khám bằng hai tay bằng cách đưa hai ngón tay vào âm đạo, ấn lên xem niệu đạo có mủ hoặc dịch chảy ra không, tay kia nắn nhẹ bụng dưới để xem có khối cứng hoặc đau vùng bụng không, khi đẩy cổ tử cung và di động tử cung có đau không, có nhạy cảm không, nếu có thì đó là các dấu hiệu của viêm tiểu khung. Đồng thời khám hậu môn và vùng quanh hậu môn để phát hiện những tổn thương khác.

Viêm ống cổ tử cung hay viêm cổ tử cung mủ nhầy xác định khi khám hoặc khi soi cổ tử cung thấy có biểu hiện viêm cổ tử cung kèm theo phù nề, đỏ; chạm vào cổ tử cung dễ gây chảy máu và có mủ nhầy trong ống cổ tử cung khi đưa tăm bông vào trong ống cổ tử cung; tác nhân gây viêm ống cổ tử cung thường là lậu cầu khuẩn và Chlamydia trachomatis; xét nghiệm mủ nhầy có trên 30 bạch cầu trong mỗi vi trường với độ phóng đại 1.000 lần. Viêm âm đạo thường có 3 tác nhân gây nên là viêm âm hộ-âm đạo do nấm Candida, viêm âm đạo do trùng roi và viêm âm đạo do vi khuẩn. Xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ bằng cách thử độ pH âm đạo, soi tươi để tìm trùng roi âm đạo và nấm men Candida, nhuộm gram tìm lậu cầu khuẩn và tế bào clue, xét nghiệm nhanh Sniff được thử nghiệm trong trường hợp người bệnh có mùi cá ươn với KOH 10% để xác định viêm âm đạo do vi khuẩn.

Chẩn đoán xác định bệnh

Viêm ống cổ tử cung do lậu cầu khuẩn và Chlamydia phát hiện trong trường hợp ống cổ tử cung có dịch nhầy mủ hoặc mủ có máu, có thể kèm theo viêm tuyến Bartholin và tuyến Skène.

Hội chứng tiết dịch âm đạoKhám bên trong bằng cách đặt mỏ vịt vô khuẩn vào trong âm đạo

Viêm âm đạo do nhiễm nấm Candida phát hiện trong trường hợp có khí hư âm đạo với tính chất khí hư đặc, màu trắng như váng sữa dính vào thành âm đạo, có vết trợt, số lượng nhiều hoặc vừa, thường kèm theo ngứa và cảm giác bỏng rát âm hộ - âm đạo; do nhiễm trùng roi âm đạo phát hiện trong trường hợp có khí hư âm đạo màu xanh, loãng, có bọt, số lượng nhiều, có mùi hôi, có thể gây viêm cổ tử cung nặng với hình ảnh cổ tử cung như quả dâu tây, chẩn đoán xác định bằng cách soi tươi dịch âm đạo thấy có trùng roi di động; do nhiễm vi khuẩn phát hiện trong trường hợp có khí hư âm đạo màu xám trắng, đồng nhất, dính đều vào thành âm đạo, số lượng ít, có mùi hôi, thử nghiệm test Sniff cho kết quả dương tính.

Xử trí, điều trị bệnh

Thực tế nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh thì điều trị theo nguyên nhân, nếu không điều trị được theo nguyên nhân thì điều trị theo hội chứng. Đối với tất cả mọi trường hợp người bệnh có hội chứng tiết dịch âm đạo phải lưu ý việc cần xác định và điều trị cho bạn tình hoặc các bạn tình, trừ trường hợp viêm âm đạo do nhiễm nấm hay vi khuẩn.

Điều trị viêm ống cổ tử cung: điều trị đồng thời cả nguyên nhân do nhiễm lậu cầu khuẩn và Chlamydia trachomatis theo 1 trong 4 phác đồ sau: Cefixim 200mg, uống 2 viên liều duy nhất phối hợp với Doxycyclin 100mg uống 1 viên, ngày 2 lần trong 7 ngày. Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp thịt liều duy nhất phối hợp với Doxycyclin 100mg uống 1 viên, ngày 2 lần trong 7 ngày. Spectinomycin 2g, tiêm bắp thịt liều duy nhất phối hợp với Doxycyclin 100mg uống 1 viên, ngày 2 lần trong 7 ngày. Cefotaxim 1g, tiêm bắp thịt liều duy nhất phối hợp với Doxycyclin 100mg uống 1 viên, ngày 2 lần trong 7 ngày. Có thể thay Doxycyclin bằng Tetracyclin 500mg uống 1 viên, ngày 4 lần trong 7 ngày. Lưu ý phụ nữ có thai và cho con bú không được dùng Doxycyclinvà Tetracyclin, thuốc được thay thế sẽ sử dụng là một trong các phác đồ: Azithromycin 1g, uống liều duy nhất hoặc Erythromycin base 500mg uống 1 viên, ngày 4 lần trong 7 ngày hoặc Amoxicillin 500mg uống 1 viên, ngày 3 lần trong 7 ngày. Việc điều trị cho bạn tình dù họ không có triệu chứng nhiễm lậu cầu khuẩn và Chlamydia được thực hiện với loại thuốc và liều lượng tương tự.

Điều trị viêm âm đạo: cần điều trị đồng thời viêm âm đạo do trùng roi, viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm đạo do nấm Candida. Trường hợp viêm âm đạo do trùng roi và vi khuẩn dùng một trong các phác đồ: Metronidazol 2g hoặc Tinidazol 2g uống liều duy nhất; Metronidazol 500mg uống ngày 2 lần trong 7 ngày. Trường hợp viêm âm đạo do trùng roi, cần điều trị cho bạn tình với loại thuốc và liều tương tự. Trường hợp viêm âm đạo do nấm Candida dùng một trong các phác đồ: Nystatin viên đặt âm đạo 100.000 đơn vị, ngày 1 viên trong 14 ngày; Miconazole hoặc Clotrimazole viên đặt âm đạo 200mg, ngày 1 viên trong 3 ngày; Clotrimazole 500mg viên đặt âm đạo liều duy nhất; Itraconazole (Sporal) 100mg uống ngày 2 viên trong 3 ngày; Fluconazole 150mg uống 1 viên liều duy nhất. Lưu ý không cần điều trị cho bạn tình, tuy nhiên các trường hợp bạn tình có viêm quy đầu và bao da quy đầu do nấm vẫn cần phải điều trị.

Hội chứng tiết dịch âm đạoNên thực hiện sinh hoạt tình dục an toàn

Các cơ sở y tế nên chuyển người bệnh lên tuyến trên điều trị khi không có sẵn các loại thuốc nêu trên hoặc người bệnh có các triệu chứng bệnh lý không giảm sau một đợt điều trị. Nếu trường hợp nghi ngờ có viêm tiểu khung thì người bệnh phải được điều trị tại các tuyến y tế từ quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên.

Các thông tin cần được cung cấp và tư vấn cần thiết

Tất cả các trường hợp người bệnh mắc hội chứng tiết dịch âm đạo đều cần được cung cấp thông tin và tư vấn đầy đủ về hành vi tình dục an toàn. Các vấn đề chính cần tư vấn cho người mắc hội chứng tiết dịch âm đạo, đặc biệt đối với các trường hợp được chẩn đoán xác định hoặc có khả năng bị nhiễm lậu cầu khuẩn, nhiễm Chlamydia và trùng roi âm đạo có những nội dung cần thiết như: hậu quả của bệnh có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng, có thai ngoài tử cung, vô sinh...; phải tuân thủ phác đồ điều trị dù triệu chứng đã hết, cần đến khám lại theo lịch hẹn; có thể có khả năng lây truyền bệnh cho bạn tình; cần kiêng cử việc quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc đợt điều trị; nên thực hiện sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên; cần điều trị bệnh cho cả bạn tình; có khả năng nguy cơ bị lây nhiễm HIV, cung cấp thông tin về địa điểm tư vấn và xét nghiệm HIV; theo dõi nếu triệu chứng bệnh nặng lên, không giảm hoặc xuất hiện đau bụng dưới, đau khi giao hợp thì cần phải đến khám lại.

Lời khuyên của thầy thuốc
Hội chứng tiết dịch âm đạo là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Khi phát hiện chất tiết âm đạo bất thường với số lượng ít hoặc nhiều, tính chất loãng hoặc đặc, có màu trong hay đục hoặc vàng, có mùi hôi hoặc không hôi... và kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy vùng âm hộ, âm đạo; có cảm giác bỏng rát vùng âm hộ, âm đạo; viêm sưng âm hộ, đau khi giao hợp, đi tiểu khó... cần phải đi khám phụ khoa để được chẩn đoán xác định bệnh và xử trí điều trị phù hợp tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Mọi sự chậm trễ và điều trị không kịp thời, không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả xấu với những biến chứng nguy hại như viêm tiểu khung, vô sinh, có thai ngoài tử cung...


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn