Dịch âm đạo là một chất lỏng hoặc chất bán rắn chảy ra từ cửa âm đạo. Hầu hết phụ nữ đều tiết dịch âm đạo ở một mức độ nào đó, và một lượng nhỏ dịch tiết âm đạo phản ánh quá trình làm sạch bình thường của cơ thể. Số lượng và loại dịch tiết âm đạo cũng khác nhau ở phụ nữ và theo chu kỳ kinh nguyệt.
Sự thay đổi trong dịch tiết âm đạo (chẳng hạn như có mùi hoặc màu bất thường hoặc tăng số lượng), hoặc sự xuất hiện của dịch tiết âm đạo kèm theo kích ứng hoặc các triệu chứng khó chịu khác, có thể báo hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng.
Dịch tiết là cách cơ thể bạn làm sạch âm đạo và thông thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu dịch tiết của bạn có mùi hoặc có vẻ bất thường, đôi khi nó có thể cho thấy có điều gì đó không ổn. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên chú ý đến những thứ bên trong quần lót của mình và xử lý ngay từ đầu những nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn.
1. Nguyên nhân gây tiết dịch âm đạo bất thường
Thành âm đạo và cổ tử cung chứa các tuyến sản xuất một lượng nhỏ chất lỏng giúp giữ cho âm đạo sạch sẽ. Dịch tiết âm đạo bình thường này thường có màu trong hoặc trắng sữa và không có mùi khó chịu.
Một số bệnh nhiễm trùng khác nhau có thể gây ra sự thay đổi về số lượng, độ đặc, màu sắc hoặc mùi của dịch tiết âm đạo.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn - một tình trạng phát triển quá mức gây mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo là một nguyên nhân phổ biến gây ra dịch âm đạo bất thường.
- Nhiễm trùng nấm men (Candida) xảy ra khi có sự phát triển quá mức của nấm men trong âm đạo, thường do sử dụng kháng sinh hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong khu vực âm đạo.
- Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng roi Trichomonas, bệnh lậu và Chlamydia đều có thể gây tiết dịch âm đạo.
Nhiều nguyên nhân khiến dịch tiết âm đạo có thể tái phát sau khi điều trị thành công.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của tiết dịch âm đạo bất thường
Dịch âm đạo có thể có màu từ trong đến xám, vàng, xanh hoặc trắng sữa và có thể có mùi khó chịu. Các triệu chứng và đặc điểm của tiết dịch âm đạo phụ thuộc vào tình trạng cụ thể là nguyên nhân gây ra tiết dịch.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Không phải tất cả phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn đều có các triệu chứng, nhưng viêm âm đạo do vi khuẩn thường tiết dịch loãng và có màu trắng xám. Nó thường kèm theo mùi hôi, tanh.
- Nhiễm trùng roi Trichomonas: Nhiễm trùng roi Trichomonas khiến dịch tiết âm đạo có bọt, màu vàng xanh và có mùi nặng. Các triệu chứng liên quan có thể bao gồm khó chịu khi giao hợp và đi tiểu, cũng như ngứa ngáy vùng kín ở phụ nữ.
- Bệnh lậu: Bệnh lậu có thể không gây ra các triệu chứng ở một nửa số phụ nữ bị nhiễm bệnh, nhưng nó cũng có thể gây đau rát khi đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên, tiết dịch âm đạo màu vàng, tấy đỏ và sưng tấy bộ phận sinh dục, nóng rát hoặc ngứa vùng âm đạo.
- Chlamydia: Giống như bệnh lậu, nhiễm Chlamydia có thể không gây ra các triệu chứng ở nhiều phụ nữ. Những người khác có thể bị tăng tiết dịch âm đạo cũng như các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu nếu lan ra niệu đạo.
- Nhiễm nấm âm đạo: Nhiễm nấm âm đạo thường đi kèm với dịch âm đạo đặc, màu trắng có thể có kết cấu như pho mát. Dịch tiết nói chung là không mùi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nóng rát, đau và đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế bất cứ khi nào bạn có thay đổi về đặc điểm (màu sắc, mùi, độ đặc) hoặc lượng dịch tiết âm đạo hoặc nếu bạn có các triệu chứng khác như đau, rát hoặc ngứa vùng âm đạo.
3. Điều trị tiết dịch âm đạo như thế nào?
Sau khi xem xét các triệu chứng và bệnh sử của bạn, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sẽ thực hiện khám vùng chậu, bao gồm kiểm tra vùng sinh dục ngoài và đặt mỏ vịt để kiểm tra thành âm đạo và cổ tử cung.
Tùy thuộc vào thời điểm khám, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể lấy gạc dịch tiết âm đạo để nuôi cấy hoặc kiểm tra dưới kính hiển vi để giúp xác định nguyên nhân của dịch tiết âm đạo.
Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào loại nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm là phương pháp điều trị chính, được sử dụng ở dạng bôi, tiêm hoặc uống, tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng cụ thể.
Thuốc uống, thuốc tiêm và thuốc bôi (bôi dưới dạng viên nén hoặc kem bôi vào vùng âm đạo) được sử dụng để điều trị các nguyên nhân khác nhau của tiết dịch âm đạo.
Nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc không kê đơn, nhưng các nguyên nhân khác gây tiết dịch âm đạo cần phải dùng thuốc theo toa. Điều quan trọng là phải tuân thủ quá trình dùng thuốc theo chỉ định hoặc khuyến cáo của bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện. Vì vậy bạn cần đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định nguyên nhân thay vì bắt đầu dùng thuốc OTC nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân gây tiết dịch âm đạo của mình.
Điều quan trọng là phải uống đầy đủ thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm theo quy định, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Nếu các triệu chứng tái phát hoặc vẫn tồn tại mặc dù đã được điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn.
Thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm có hiệu quả trong việc loại bỏ các nguyên nhân lây nhiễm chính gây tiết dịch âm đạo. Cả bệnh lậu và Chlamydia, khi không được điều trị, có thể tiến triển thành các bệnh nhiễm trùng nặng hơn liên quan đến các cơ quan sinh dục bên trong, được gọi là bệnh viêm vùng chậu (PID). PID có thể gây tổn thương ống dẫn trứng, buồng trứng và các cấu trúc liên quan và dẫn đến mang thai ngoài tử cung, vô sinh, đau vùng chậu mạn tính và các hậu quả nghiêm trọng khác.
4. Cần làm gì để ngăn ngừa tiết dịch âm đạo bất thường?
- Tránh các tác nhân có thể phá vỡ độ pH và hệ vi khuẩn tự nhiên của âm đạo - bao gồm nước rửa thụt rửa phụ nữ, dầu bôi trơn, sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm.
- Luôn lau vùng kín sạch sẽ sau khi đi vệ sinh để tránh vi khuẩn xâm nhập vào vùng âm đạo gây nhiễm trùng.
- Mặc đồ lót bằng chất liệu cotton và giảm mặc quần áo bó sát trong thời gian dài sẽ giúp vùng kín luôn khô thoáng.
- Việc sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên trong khi giao hợp cũng sẽ bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Xem thêm video đang được quan tâm
13 triệu chứng COVID-19 ở người nhiễm biến thể Omicron