Hà Nội

Nơi thổi hồn cho những sinh linh bé nhỏ

10-01-2015 09:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gặp lại bé Bùi Thị Gái - (cháu bé có cân nặng 500gr, nhỏ nhất từ trước tới nay được nuôi sống thành công đầu tiên tại Việt Nam), hiện cháu đã được 4 tuổi, nặng tới 20kg. Đây là bằng chứng sống về công việc lặng lẽ: " thổi hồn cho những sinh linh bé nhỏ" của bác bác sĩ bv Phụ sản Trung Ương.

Đầu đông, trời lất phất mưa cuốn theo cái lạnh thấu da, cắt thịt đặc thù của miền Bắc, đứng trước Khoa Chăm sóc sinh non Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gió luồn buốt sống lưng nhưng thấy lòng vẫn ấm nóng bởi niềm hân hoan của những ông bố, bà mẹ được đón con về. Đó là những trẻ sinh non nằm điều trị lâu ngày tại khoa đã được cứu sống và xuất viện. Nhìn những hình hài bé nhỏ cựa quậy trong vòng tay ấm áp của người thân mà thấy thán phục trước những gì các y bác sĩ nơi đây đã làm được.

Khi viết về công việc của đội ngũ các y, bác sĩ Khoa Chăm sóc sinh non Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tôi thực sự không biết nên bắt đầu từ đâu bởi những gì mà các y, bác sĩ nơi đây làm được thật quá lớn. Còn gì thiêng liêng hơn việc đem lại sự sống cho hàng ngàn sinh linh bé nhỏ. Tạo hóa đã cho các con hình hài nhưng chưa cho các con sinh lực. Những bàn tay và trái tim của các y bác sĩ đã làm nốt phần việc còn dang dở của tạo hóa. Có thể với các các y, bác sĩ, đó là công việc thường ngày nhưng với hàng triệu bào thai được nuôi sống thành người thì đó là một điều kỳ diệu.

Chăm sóc trẻ sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Tuấn Anh

Mỗi năm, tại Khoa Chăm sóc sinh non, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có tới hàng ngàn cháu bé sinh thiếu tháng được các y, bác sĩ nuôi sống. Năm 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi sống thành công trường hợp cháu bé sinh non 25 tuần tuổi và nặng 500gr. Trên thế giới, giữ kỷ lục về chăm sóc trẻ sinh non cân nặng nhỏ nhất hiện nay là các bác sĩ người Đức đã nuôi sống em bé Tom Thumb chỉ nặng 275g. Thành công của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng chính là điểm mốc ghi nhận công tác chăm sóc trẻ sinh non nước nhà sánh ngang với trình độ của thế giới.

Giành giật mạng sống từ tay tử thần

Có lẽ ai cũng hiểu để giành giật sự sống cho những thai nhi bé nhỏ không hề dễ dàng. Nhưng phải tận mắt nhìn những hình hài non nớt nằm trong lồng ấp thì mới cảm nhận được hết cuộc chiến sinh tử quyết liệt của các y, bác sĩ nơi đây. Được các bác sĩ đặc cách đồng ý cho mặc bộ quần áo sát khuẩn để vào khoa, hôm đó, tôi đã rất kinh ngạc khi nhìn những cháu bé mới 25 - 26 tuần tuổi (tương đương với 6 tháng tuổi thai), cân nặng 700 - 800gr nằm trong lồng ấp. Những em bé với chiếc đầu nhỏ xíu, có lẽ chỉ nhỉnh hơn chiếc bóng đèn tý chút, toàn thân xẹp lép, làn da tím đỏ, mỗi nhịp thở cũng khó nhọc. Khi nhìn những bàn chân, bàn tay non búng, mọng nước, tôi có cảm giác xót lòng, tưởng như nếu chỉ đụng vào những làn da mỏng manh này sẽ lập tức khiến các con bật máu. Quanh mỗi cháu với nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây chuyền ăn xông... Càng nhìn mà càng thấy sự sống thật mong manh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ sinh non ngày càng nhiều. Những trường hợp thai nhi chỉ 25 - 26 tuần tuổi và cân nặng thấp 700 - 800 gram đã được nuôi sống không còn là hy hữu. Ông cho biết, cũng nhiều trường hợp trẻ đẻ non nằm tại khoa là những trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Không ít bà mẹ khó khăn với 5 - 7 lần thụ tinh ống nghiệm mới giữ được thai đến tuần 27 - 28. Vì vậy, tất cả hy vọng của họ đều đặt vào tay các y bác sĩ chúng tôi. Chuyện sinh mạng và hạnh phúc của nhiều con người nên chúng tôi chẳng thể xem nhẹ được.

Hôm đó, ngoài tấm cửa kính, tôi đã được chứng kiến một ca cấp cứu của các bác sĩ cho một trẻ bị suy hô hấp. Một y tá phát hiện cháu bé có triệu chứng nguy kịch, chị chạy vội ra ngoài và gọi gấp 5 bác sĩ nữa vào phòng cấp cứu. Những gương mặt gấp gáp, những bàn tay vội vã. Tôi không nhìn được nhiều mà chỉ thấy bóng áo trắng quây kín giường cháu bé. Rồi một lúc sau, vòng tròn áo blu giãn ra, 5 bác sĩ bước ra khỏi phòng, những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt mỗi người. Ca cấp cứu thành công. Các bác sĩ thở phào.

BS. Linh - người trực ca cho biết, những trường hợp cấp cứu như thế này không phải là ít trong ngày trực của các chị. Trẻ non tháng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn từ trong bụng mẹ, bệnh tim, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, vàng da, nhiễm khuẩn, xuất huyết não… Vì vậy, chu trình chăm sóc trẻ phải tuân thủ theo phác đồ nghiêm ngặt và đòi hỏi sự kiên trì theo dõi sát sao.

Gặp lại bé Bùi Thị Gái - (cháu bé có cân nặng 500gr, nhỏ nhất từ trước tới nay được nuôi sống thành công đầu tiên tại Việt Nam) đã được nhắc tới ở trên trong một lần tái khám định kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi hoàn toàn bất ngờ. Hiện cháu đã được 4 tuổi, nặng tới 20kg. Một cô bé bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu với nước da trắng và rất nhanh nhẹn. Bố mẹ cháu cho biết, bắt đầu phải hãm, không dám cho bé ăn nhiều vì sợ tăng cân. Nói về sự tồn tại của cháu, với anh chị đó là một hành trình gian nan vất vả. Nếu như không có các bác sĩ thì chắc chắn không có bé Gái hôm nay. Anh chị nhắc nhiều tới BS. Nguyễn Thanh Hà.

Bé Bùi Thị Gái - (cháu bé có cân nặng 500gr, nhỏ nhất từ trước tới nay được nuôi sống thành công đầu tiên tại Việt Nam) nay đã được 4 tuổi. Ảnh: Thanh Loan

Tìm gặp BS. Hà - Trưởng Khoa Chăm sóc sinh non và là người trực tiếp điều trị cho bé Gái cách đây 4 năm. Hiện giờ, tuy bác sĩ đã về nghỉ hưu nhưng trường hợp bé Gái là một trong những ca đặc biệt khiến bà không quên. BS. Hà kể lại: “Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng khi đón bé Gái vào khoa. Tiếp nhận bé từ phòng đẻ về, đọc trước hồ sơ bệnh án nhưng tôi và tập thể bác sĩ, y tá đã có những tiên lượng xấu về trường hợp này. Toàn thân cháu tím đen do xuất huyết dưới da. Nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm nhất là bộ phận hô hấp của cháu hoạt động rất yếu ớt. Thông thường, những trẻ sinh non phải hít vào thở ra mạnh, người ngoài sẽ nhìn thấy được sự phập phồng của ngực các cháu. Còn cháu Gái thì phản xạ thở quá yếu. Cháu chỉ thở nấc, nghĩa là thỉnh thoảng mới nấc được một tiếng.

Suốt ba tháng điều trị trong khoa là ba tháng quyết đấu với tử thần. Thời gian đầu, cháu thường xuyên có những cơn sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân. Đó là dấu hiệu của nhiễm trùng cũng như sự phản ứng lại của cơ thể khi chưa thích ứng được với môi trường bên ngoài. Dù đã 30 năm trong nghề chăm sóc trẻ sinh non nhưng tôi và các y tá không sao cầm nổi nước mắt khi chứng kiến sự vật lộn của cháu. Một tháng đầu, mắt cháu không mở như những trẻ bình thường. Cháu cũng không đại tiểu tiện được mà phải rạch đường nhân tạo. Chúng tôi phải bóp bóng theo phương pháp thủ công chứ không dùng máy bởi sức cháu yếu, không thích nghi với thở máy. Đến kíp trực của người nào thì người ấy phải đứng bóp bóng đến đỏ cả tay. Các y tá phải luân phiên nhau bóp bóng. Đã không ít lần, chúng tôi phải gọi điện mời người nhà tới để thông báo tình hình xấu và làm công tác tư tưởng.

Khi điều trị cho bé Gái, tôi nhớ nhất quãng thời gian tập “cai máy thở” cho cháu. Chúng tôi không muốn để cháu phải phụ thuộc quá nhiều vào máy. Cảm giác lần đầu tiên quyết định rút máy, tôi và các bác sĩ trong khoa hồi hộp theo dõi xem cháu có thích nghi được không? Ban đầu đã có biểu hiện ổn nhưng sau đó lại xuất hiện nguy cơ xấu nên lại phải cho cháu thở máy lại. Rồi lại tiếp đó những lần thử cai về sau. Cũng may mắn là cháu đã vượt qua được tất cả”.

Quá trình “nâng trứng, hứng hoa”

Y tá Vân nói với tôi: “ “Chăm trẻ sinh non nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Không ít những trường hợp khiến chúng tôi dở khóc, dở cười. Nhiều gia đình rất mong tới ngày con được xuất viện nhưng đến hôm được đón con về, ôm con trên tay, lóng ngóng, lo sợ bị lọt tay, họ một mực xin các bác sĩ cho cháu được nằm thêm trong khoa bởi về nhà không biết sẽ chăm sóc như thế nào? Chúng tôi phải giải thích và hướng dẫn rất cặn kẽ cho gia đình. Bởi khi trẻ có đủ khả năng sinh tồn với môi trường bên ngoài thì trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và nhất là được ủ ấm bằng hơi mẹ sẽ là điều tốt nhất. Hơn nữa, trong điều kiện quá tải hiện nay, sẽ không thể đủ giường, đủ các y bác sĩ để chăm sóc dài ngày cho mỗi cháu như vậy”.

Chăm sóc bé Bùi Thị Gái tại bênh viện Phụ sẳn Trung Ương (năm 2010). Ảnh: Tư liệu

Gian nan và kỳ công trong quá trình nuôi trẻ phải kể đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho các cháu bởi đây là điều quyết định để các bé có tồn tại được hay không. Theo BS. Phương Anh, hệ tiêu hóa của trẻ đẻ non rất yếu, nhiều trẻ chưa hoàn thiện. Vì vậy, trong 72 giờ đầu, thường phải áp dụng truyền chất dinh dưỡng qua đường cuống rốn (tức là truyền trực tiếp chất dinh dưỡng vào thành ruột trẻ giống như cách trẻ tiếp nhận dinh dưỡng ở trong bụng mẹ). Khác với trẻ đẻ thường, các cháu không cắt hết dây rốn mà để lại phần cuống rốn dài khoảng 2 - 3cm.

Có lẽ không ít người đã từng chăm con nhỏ khi đọc tới đây sẽ không tin bởi với họ, trẻ con sinh ra điều đơn giản nhất là phản xạ bú, nuốt. Đó là phản xạ sinh tồn tự nhiên của mỗi con người nhưng với trẻ sinh non, điều đó phải qua luyện tập. Các cô nhỏ từng giọt sữa hoặc bón thìa cho trẻ. Mỗi bữa chỉ cho trẻ ăn 1ml, 4 bữa/1 ngày. Nếu so sánh lượng sữa với trẻ sơ sinh đủ ngày đủ tháng, lọt lòng mẹ đã bú bình sữa 60ml thì 1ml sữa/bữa đối với trẻ đẻ non thật quá chênh lệch. Có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên đã cho ăn sữa rồi lại trào ngược ra hết theo đờm dãi hoặc bụng trướng to. Và lại phải quay lại chu trình ăn qua xông. Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể sống sót được hay không.

Y tá Thủy, y tá lâu năm nhất đã có ngót hơn 20 năm trong làm việc tại khoa chia sẻ: Trước đây, mỗi ca trực, y, bác sĩ phải trực tới 24h/ ngày. Hiện nay đã rút xuống còn 12h/ngày. Ngày trực là ngày bận rộn tíu tít không ngớt tay chân. Đúng là việc con mọn, không chỉ 1 đứa con mà tới cả trăm đứa. Quay đi quay lại hết theo dõi trẻ, rồi vệ sinh, thay tã thay bỉm, cho trẻ ăn là hết ca. Chúng tôi hay nói với nhau: “Chỉ ăn, ngủ, đái, ị mà bận rộn kín lịch cả ngày. Nhưng làm những việc này thấy nhẹ lòng và thấy vui vì lúc nào cũng được nhìn thấy trẻ con”.

Cứu sống được các cháu đã quá khó khăn nhưng giữ gìn được đôi mắt cho các cháu cũng là thử thách không nhỏ. Trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống và dưới 1,5 kg có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh võng mạc. Nếu không khám và mổ điều trị kịp thời, trẻ sẽ vĩnh viễn hỏng mắt. Trước đây, khi chưa có BS. Chuyên khoa mắt, khoa thường kết hợp mời các bác sĩ bệnh viện mắt Trung ương tới thăm khám cho các cháu. BS. Tịnh là một bác sĩ giỏi và nhiệt tình đã đưa lại ánh sáng cho nhiều trẻ sinh non. Hiện nay, khoa đã có Bs Quốc Anh, bác sĩ chuyên khám và phẫu thuật bệnh võng mạc trẻ sinh non. BS. Quốc Anh cho biết: Có những trẻ không những phải mổ một lần mà còn mổ tới 2 lần mới giữ được đôi mắt. Cứu sống được trẻ mà không cho các cháu được nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì đó thực sự là điều thiệt thòi cho trẻ”.

Bố của cháu Gái kể lại với tôi: Hồi đó, tới thời điểm cháu Gái khám mắt, cháu sẽ được tiêm một loại thuốc vào mắt để không bị bệnh võng mạc. Lẽ ra mỗi cháu sẽ phải tri trả hết 10 triệu cho một lọ thuốc. Nhưng để giảm chi phí cho gia đình của các cháu, các bác sĩ khuyên chúng tôi, các gia đình liên hệ với nhau, khoảng 3 - 4 cháu mới dùng hết 1 lọ thuốc rồi chia kinh phí cho đỡ tốn kém. Nhiều người đi chăm con ở những tỉnh xa, hoàn cảnh eo hẹp nên với chúng tôi, đó là khoản tiền không nhỏ.

Mẹ và bé Bùi Thị Gái (cháu bé cân nặng 500 gram) được nuôi sống thành công đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Loan.

Những câu chuyện khó quên…

Phòng Hồi sức tích cực bao giờ cũng là tâm điểm trực chiến căng thẳng nhất của khoa. Tôi được vào phòng, ngồi cùng ca trực của chị Luân - một y tá đã gắn bó 13 năm với nghề. Xung quanh phòng là giường lồng ấp của các cháu. Mỗi giường hắt ra ánh đèn diệt khuẩn, đèn chiếu vàng da xanh lét. Ngoài trời, thời tiết lạnh mà đứng giữa phòng tôi thấy nóng bởi nhiệt tỏa ra từ mấy chục chiếc máy điện tim, máy thở của mỗi cháu. Đầu tôi ong ong vì tiếng ình ình của các loại máy. Chỉ khi nào hết ca trực, bước qua cửa phòng thì đầu óc các chị mới thôi không lâng lâng.

Tôi hỏi y tá Luân: “Sao chị không chọn một công việc khác đỡ căng thẳng và vất vả để còn dành thời gian cho gia đình? Chị cười và nói: “Mình đã từng làm công tác chăm sóc cho nhiều đối tượng bệnh nhân như bệnh nhân suy thận, bệnh nhân điều trị ung thư và mình biết chăm sóc trẻ sinh non là công việc vô cùng vất vả. Đúng việc con mọn. Nhưng nếu cho lựa chọn lại một lần nữa chắc mình vẫn chọn nghề này. Dù vất vả nhưng được nhìn thấy các con lớn lên từng ngày, thấy sự sống hồi sinh trong những hình hài bé nhỏ, với mình, đó là điều tuyệt vời. Cái nghề cũng là cái nghiệp. Duyên phận đưa mình đến với nghề này. Làm lâu thấy gắn bó và chẳng muốn xa bọn trẻ”.

Chị Luận bảo: “Bệnh nhân của mình là những bệnh nhân đặc biệt: bé bỏng, yếu đuối. Các bệnh nhân khác khi nhập viện bao giờ cũng có người nhà ở bên chăm sóc còn ở đây, tất cả sinh mạng của các cháu giao phó cho chúng tôi. 24/24 giờ chỉ bác sĩ, y tá với các con nên chúng tôi phải dốc lòng dốc sức chẳng được phép lơi là. Những hình hài tí hon vẫn đang còn cựa quậy, mạch vẫn đập và vẫn đang cất tiếng khóc oe oe, ai dám nỡ quay đi. Hững hờ sẽ là có tội”.

Chỉ cho tôi trường hợp cháu bé nằm trong lồng ấp nặng 1,2kg. Cháu bé này đã nằm hơn 2 tháng và là một trong những bệnh nhân nằm lâu trong phòng. Giở sấp hồ sơ bệnh án dày cộp có lẽ phải nặng gấp 3 lần trọng lượng cháu bé. Đúng lúc đó cũng là giờ khoa cho người nhà vào thăm các cháu. Tôi đã bắt gặp cuộc “hội ngộ” của hai mẹ con cháu. Một sản phụ đã đứng tuổi, dáng vóc lam lũ, gương mặt hiền. Chị đứng cạnh lồng kính, ánh mắt đắm mãi vào con. Trước khi ra khỏi phòng, tôi kịp nhìn thấy chị quệt vội nơi khóe mắt. Gặp chị ngoài cửa khoa, chị kể: “Tôi sinh cháu tuổi cũng đã 38 nhưng tuần thứ 32 thì bong rau tiền đạo và sinh non. Sinh xong, cháu được đưa vào khoa và nằm tới giờ đã gần 2 tháng. Tôi ở Hưng Yên, bám trụ lại đây cốt để ngày 2 lần được vào thăm con. Cũng chẳng có tiền để thuê nhà trọ nên ngày thì xuống dưới sảnh ngồi ở ghế bệnh viện, đêm thì rủ mấy chị em cũng ở quê, nhà xa cùng cảnh chờ con trải chiếu ở trước sảnh của khoa nằm nghỉ. Lần nào vào thăm, tôi cũng chảy nước mắt. Từ khi sinh con ra, chưa được ôm con một lần, mẹ con chỉ được nhìn nhau qua lồng ấp."

Và đúng như một điều kỳ diệu tới với chị. 1 tháng sau, tôi gọi cho chị và được nghe một tin tốt lành, cháu đã được xuất viện về nhà. Qua máy điện thoại, tôi cảm nhận rõ giọng chị run run vì sung sướng. Kể về thằng bé, chị luôn đệm cụm từ “trộm vía”. Cháu đã được hơn 4kg và đã biết hóng chuyện. Chị nói: "Quãng thời gian cháu còn nằm trong viện, gia đình cũng xác định bán trâu, bán bò để thanh toán viện phí cho cháu. Cứ tưởng sẽ phải chi phí tốn kém nhiều lắm. Nhưng tôi bất ngờ vì cháu được Nhà nước chi trả cho gần hết. Gia đình chỉ phải bỏ vài triệu đồng để tiêm thuốc điều trị bệnh về mắt cho cháu. Trộm vía nhìn cháu giờ ổn lắm rồi".

Còn có những trường hợp cứu được cháu bé không chỉ đơn thuần là một sinh mạng mà còn cứu luôn cả hy vọng sống của mẹ cháu. BS. Linh kể về trường hợp một người mẹ ở Hà Nội, dù biết bị ung thư xương đã di căn vào giai đoạn tủy sống nhưng chị vẫn quyết tâm sinh con. Chị mang bầu tới lần thứ 3 mới giữ được thai nhưng tới tuần thứ 32 thì bị sinh non. Người mẹ này khao khát muốn được truyền lại mầm sống của mình cho đời. Cả hai vợ chồng chị đồng tâm như vậy. Chị dù là một tiến sĩ ngôn ngữ học nhưng gạt hết và xin nghỉ việc ở nhà để sinh con. Thật may mắn, cháu bé giờ đã được 3 tuổi và khỏe mạnh. Mọi nguy hiểm không còn đe dọa bé. Thỉnh thoảng BS. Linh có gặp lại mẹ cháu vào viện K kiểm tra sức khỏe nhưng cũng không dám hỏi nhiều về tình trạng bệnh của chị. Thấy chị khoe thật nhiều về cô con gái đáng yêu, nhanh nhẹn, như vậy cũng đủ làm lòng những y bác sĩ chúng tôi thấy ấm áp.

Thay cho lời kết

Những bào thai non nớt 500gr, 700gr nay đã khôn lớn thành những em bé bụ bẫm, xinh xắn. Giây phút gặp và được ôm bé Gái 500gr ngày nào vào lòng, tôi thấy thật kỳ diệu và nể phục nhiều những y bác sĩ nơi đây.

Ngoài sảnh của khoa, gió càng se sắt lạnh khi chiều về nhưng những gương mặt của các ông bố, bà mẹ bế con trên tay xuất viện tươi rói làm không khí nơi đây không hề lạnh. Tôi nhìn họ và trong lòng thấy hân hoan sống lại cảm xúc cách đây 6 năm, mình cũng được trải qua những giờ phút như thế khi đón đứa con trai sinh non đầu lòng xuất viện về nhà. Tôi đã được chứng kiến tận mắt và cảm nhận được công việc hằng ngày của các y bác sĩ nơi đây. Những công việc lặng lẽ nhưng mang lại sinh mạng cho bao con người. Những việc họ đã làm thật xứng đáng gọi tên: việc “thổi hồn” cho những sinh linh bé nhỏ.

Thanh Loan

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn