Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

11-09-2014 10:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi mang thai con đầu lòng được 29 tuần, đi khám định kỳ bác sĩ chẩn đoán thai đa ối và có nhiều nguy cơ sinh non.

Tôi mang thai con đầu lòng được 29 tuần, đi khám định kỳ bác sĩ chẩn đoán thai đa ối và có nhiều nguy cơ sinh non. Tôi đọc trên báo thấy nếu trẻ sinh non dễ mắc bệnh võng mạc. Xin quý báo tư vấn giúp, bệnh có nguy hiểm không?

Dương Thanh Hà  (Hà Giang)

Võng mạc là lớp trong cùng của mắt, nhận ánh sáng và chuyển thành thông tin, đưa lên não. Mạch máu nuôi võng mạc chỉ phát triển hoàn thiện ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Vì vậy, trẻ đẻ càng non thì số mạch máu đã phát triển càng ít. Ở một số trẻ đẻ non, nhất là trẻ quá nhẹ cân, mạch máu võng mạc phát triển bất thường, gây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, gọi tắt là ROP. Tỷ lệ bệnh càng cao nếu trẻ sinh càng non tháng và càng nhẹ cân.

Giai đoạn đầu, bệnh không thể hiện ra ngoài. Chỉ đến giai đoạn cuối mới thấy con ngươi mắt của trẻ bị trắng đục. Thường với những trẻ sơ sinh đẻ non, nên khám để phát hiện bệnh vào tuần thứ 5 - 7 sau khi sinh, lúc bệnh mới bắt đầu có biểu hiện. Khám sớm hơn sẽ không an toàn cho trẻ.

Trong đa số trường hợp, các mạch máu bất thường sẽ tự lành (khoảng 90%). Ở một số trẻ, các mạch máu này chỉ lành một phần, dẫn đến hiện tượng cận thị hoặc lác mắt sau này. Đôi khi, bệnh để lại sẹo ở võng mạc, khiến thị lực giảm. Trường hợp nặng, mạch máu võng mạc tiếp tục phát triển bất thường và tạo thành mô sẹo gây co võng mạc, kéo nó khỏi vị trí bình thường, dẫn tới giảm thị lực trầm trọng.

Hiện nay phương pháp điều trị bằng laser đã mang lại kết quả rất khả quan. Tỷ lệ thành công khi điều trị bằng laser là vào khoảng 65% với hình thái nặng và khoảng 90 - 95% với hình thái nhẹ hoặc trung bình.

Hiệu quả của điều trị tốt hơn nếu bệnh được phát hiện sớm và cháu bé bị bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, với hình thái nặng, kết quả điều trị kém hơn.

Bác sĩ Bùi Phương

 


Ý kiến của bạn