Những thầy cô giáo nặng lòng với học trò vùng cao

16-11-2023 13:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Để các em biết con chữ, những thầy giáo, cô giáo phải "mang lớp" về tận thôn, bản. Dù nghèo khó bủa vây, sống giữa rừng núi heo hút ở miền Tây xứ Nghệ, các giáo viên vẫn một lòng bám lớp, bám bản ngày ngày âm thầm "lái đò đưa tri thức về bản làng".

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 1.

Ở các huyện miền núi cao Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An)... những con chữ nhọc nhằn đến được với học sinh nơi đây là nhờ những tấm lòng của những giáo viên "cắm bản". Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 900 điểm trường lẻ ở cả ba cấp học, trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học. Ở nơi xa trung tâm, việc tổ chức dạy học và bán trú cho học sinh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 2.

Ở miền biên viễn này, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Nơi đây nhiều bà con dân tộc ăn chưa đủ no nói gì đến việc quan tâm học hành của con trẻ, tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra. Do vậy, suốt nhiều năm qua, để duy trì sĩ số, các giáo viên phải đến từng bản, đi từng nhà gặp gỡ và thuyết phục phụ huynh cho con em họ trở lại trường. Dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo bản luôn cố gắng, dành trọn tình thương đến học trò dân tộc, tiếp tục ươm mầm, gieo tri thức với sứ mệnh "trồng người" nơi miền biên viễn.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 3.

Thầy giáo Lô Văn Kháy, nhà ở bản Ngọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, cách trường gần 30 km. Dạy lớp 2 ở điểm trường lẻ, mỗi tuần thầy chỉ về nhà một lần.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 4.

Dù cuộc sống còn bộn bề vất vả nhưng các giáo viên tại các điểm trường vẫn ngày đêm bám bản, bám trường. Những năm gần đây, quy mô của các điểm trường lẻ trên địa bàn Nghệ An ngày càng giảm. Thực tế, đây vẫn là mô hình phù hợp với các huyện miền núi cao giúp học sinh có nhiều cơ hội được đến trường. Điểm trường lẻ ở bản Thắm Hỉn (trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) cũng được tổ chức một cách bài bản. Nơi đây, hiện đang có gần 40 học sinh của hai lớp 1 và 2 theo học. Đây là điểm trường có gần 100% học sinh là người dân tộc Mông.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 5.

Trường Tiểu học Nga My là một trong những trường nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Tương Dương. Trường có 443 học sinh, gần một nửa học sinh học ở điểm trường chính. Còn lại, đang học tại 5 điểm trường lẻ, trong đó điểm xa nhất cách điểm trường chính gần 20km. Có những điểm trường chỉ có chưa đến 10 học sinh và phải duy trì lớp ghép.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 6.

Điểm trường lẻ ở bản Xốp Kho (xã Nga My) hiện còn học sinh lớp 1 và lớp 2 theo học. Mỗi lớp học ở điểm trường Xốp Kho chưa đến 10 học sinh. Tuyến đường từ điểm trường chính vào điểm bản lẻ chỉ cách khoảng 7km nhưng đường đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào những ngày mưa to, đường trở nên lầy lội. Hiện học sinh của trường đang học tại dãy phòng học cũ kỹ, xuống cấp. Đây là công trình được tài trợ cách đây khoảng 20 năm dành cho học sinh khó khăn ở các huyện miền núi cao.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 7.

Niềm vui của học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Nga My.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 8.

Theo thầy Kha Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My, từ khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh từ lớp 3 trở lên ở các điểm trường lẻ được chuyển về điểm trường chính và ở bán trú tại trường. Số còn lại, do điều kiện vật chất chưa đảm bảo, đường sá đi lại khó khăn nên các trường vẫn phải duy trì điểm trường lẻ. Ngoài các giáo viên cắm bản, khó khăn nhất với điểm trường lẻ là các giáo viên bộ môn vì hầu như ngày nào họ cũng phải vượt đường núi, đồi vào dạy cho các em những môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 9.

Cô giáo Lầu Y Pay (sinh năm 1986) là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Những năm qua, cô công tác tại Trường Mầm non Tri Lễ, một trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, trong đó có 9 điểm trường lẻ. Dù được nhà trường tạo điều kiện, nhưng hơn 10 năm qua, cô vẫn tự nguyện xin cắm ở điểm trường lẻ để phục vụ và chăm sóc các học sinh người Mông. "Được làm giáo viên là niềm vui lớn nhất của tôi, những ngày đầu về cắm bản, gian nan vô cùng. Ngày mới về bản, tuổi còn trẻ, sống giữa rừng núi hoang vu, không có điện, sóng điện thoại, thiếu thốn đủ bề, muốn ra ngoài phải đi bộ băng rừng, băng suối", cô Pay chia sẻ.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 10.

Hơn 20 năm công tác ở vùng cao, trong đó chủ yếu công tác ở điểm trường lẻ, cô giáo Lê Thị Hải Lý chia sẻ: "Niềm vui lớn nhất là thấy phụ huynh ở vùng cao bắt đầu quan tâm đến việc học của các con. Việc huy động trẻ đến trường của giáo viên vì thế cũng đỡ phần nào. Ở trường các con được học và ăn uống đầy đủ nên phát triển toàn diện, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ"

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 11.

Ở điểm trường mầm non Thắm Hỉn. để duy trì lớp học bán trú cho trẻ, nhà trường thực hiện mô hình bán trú cô nuôi, giáo viên vừa đứng lớp, vừa tổ chức nấu ăn cho học trò. Điểm trường chỉ có 2 cô giáo nên công việc rất vất vả. Những điểm trường lẻ ở miền Tây xứ Nghệ thực sự là ngôi nhà thứ 2 của con em đồng bào nơi đây. Bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình yêu với học trò, các giáo viên đang cắm bản ở các vùng sâu, vùng xa đang nỗ lực hàng ngày để học sinh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Nặng lòng với những học sinh vùng cao- Ảnh 12.

"Ngày 20/11, thầy cô ở dưới xuôi có hoa, có quà, đồng bào nơi đây còn mải mê đi nương rẫy, học sinh còn không biết đó là ngày gì. Chúng tôi động viên nhau, vượt qua những phút chạnh lòng, vượt qua tất cả để tiếp tục công việc", cô Pay chia sẻ. Chia tay cô Pay, khi bóng chiều dần buông, cái bắt tay thật chặt và ánh nhìn hân hoan, chào tạm biệt của cô và trò điểm trường bản Huồi Mới như một sự khẳng định niềm tin về tương lai. Dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo luôn cố gắng hết mình, dành trọn tình thương đến học trò, tiếp tục ươm mầm tri thức nơi miền biên viễn.

Mô hình trường tiểu học bán trú ở Nghệ An: Vừa làm vừa chờ cơ chếMô hình trường tiểu học bán trú ở Nghệ An: Vừa làm vừa chờ cơ chế

SKĐS - Mô hình trường học bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng cao không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mà còn giảm tình trạng quy mô trường lớp manh mún. Tuy nhiên, việc nhân rộng tại nhiều địa phương ở Nghệ An còn gặp rất nhiều khó khăn.


Hoàng Trinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn