Nghệ An: Trường học tiên tiến đã thực sự... tiên tiến

14-09-2023 06:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Tỉnh Nghệ An tiếp tục nhân rộng mô hình trường tiên tiến ở các bậc học. Trừ tất cả các khoản thu như trường bình thường, học sinh ở trường tiên tiến đóng thêm tối đa 1,7 triệu đồng/tháng. Nhiều phụ huynh đặt ra vấn đề, trường tiên tiến có sự khác biệt như thế nào để thu thêm khoản tiền này?

Nghệ An: Trường học tiên tiến đã thực sự... tiên tiến - Ảnh 1.

Với mô hình tiên tiến, ngoài chương trình GDPT, học sinh sẽ được học thêm chương trình tăng cường như Tin học, Ngoại ngữ, kỹ năng sống... với cam kết đầu ra.

Ghi nhận từ phía phụ huynh, giáo viên và cả chuyên gia giáo dục, việc triển khai không thể vội vàng. Điều phụ huynh mong mỏi nhất, chính là con cái họ phải được hưởng thụ thực sự một nền giáo dục hiện đại, chứ không chỉ trên giấy, và mọi chuyện phải minh bạch.

Quá nhiều băn khoăn

Từ năm học 2022 – 2023, tỉnh Nghệ An đã triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến tại 4 bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS). Việc triển khai mô hình nhằm thực hiện Quyết định 147/QĐ – UBND của tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030 và nhằm tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, ngoài các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Vinh (Nghệ An) như: Trường THCS Trường Thi, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường mầm non Hưng Dũng 2, Trường Tiểu học Lê Mai; Chương trình trường tiên tiến được triển khai tại Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Thực hành Sư phạm - Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Hà Huy Tập, và Trường THPT Lê Viết Thuật.

Đây là mô hình mới nhằm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; giúp trẻ, học sinh được tiếp cận với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo bản sắc dân tộc. Với mỗi bậc học, mô hình có những đặc thù riêng và trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đầy đủ từ đề án, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học…

Nghệ An: Trường học tiên tiến đã thực sự... tiên tiến - Ảnh 2.

Học sinh một trường Tiểu học ở TP. Vinh trong một tiết học theo mô hình tiên tiến.

Với mức học phí cho chương trình tiên tiến (ngoài tiền bán trú và các khoản thu theo quy định) thì học sinh sẽ phải đóng thêm từ 1.356.000 – 1.608.000 đồng (tùy theo chương trình).

Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến ở các nhà trường, trong đó có nhiều trường công lập. Dù đã có nhiều kỳ vọng nhưng mô hình chưa đạt được như kỳ vọng.

Trước thềm năm học 2023-2024, tại trường THCS Trường Thi (TP.Vinh), nhóm phụ huynh lớp 6 của trường này đã xôn xao với rất nhiều ý kiến xung quanh việc đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn khi họ đã phải bỏ ra mức học phí cao hơn nhiều lần so với mức đại trà nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo, thậm chí "phòng học quá thô sơ, chưa hề có sự đầu tư". Thêm nữa, phụ huynh có con ở bán trú lại lo ngại khi tuổi các con bắt đầu tuổi dậy thì, nhưng các cháu không có phòng ngủ riêng mà lại phải ngủ chung tại lớp…

Những băn khoăn trên không chỉ bắt đầu ở năm học này, mà đã xảy ra tại Trường THCS Đặng Thai Mai một năm trước. Theo đó, dù trường này vừa được chọn thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao, vừa là trường tiên tiến và được xem là trường chuyên của thành phố nhưng các phụ huynh đã thực sự "sốc" khi chất lượng phòng học còn thua các trường chưa "tiên tiến".

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình học theo mô hình trường tiên này đã nhận không ít ý kiến trái chiều từ phụ huynh. Cụ thể, sự khác biệt giữa mô hình trường tiên tiến so với chương trình đại trà đó là học sinh phải học thêm khá nhiều môn tăng cường. Học phí thu tăng thêm cũng chủ yếu chỉ để phục vụ cho chương trình này.

Đơn cử, tại Trường mầm non Hưng Dũng 2, phụ huynh sẽ nộp thêm 540.000/tháng để học các môn tăng cường như Tiếng Anh, Steam, và môn aerobic.

Tại Trường THCS Đặng Thai Mai, phụ huynh sẽ phải đóng thêm từ 1.356.000 đồng – 1.608.000 đồng (tùy theo chương trình). Số tiền này sẽ chi trả cho các môn như Tiếng Anh tăng cường, Tin học IC3, phát triển năng lực năng khiếu (toán, ngữ văn, tiếng Anh...), giáo dục kỹ năng mềm, phát triển năng khiếu thể thao hoặc âm nhạc…

Với mô hình này, việc dạy học còn chưa có sự lựa chọn, bố trí phù hợp nên lịch học ở các lớp tiên tiến khá căng, học sinh phải học cả ngày. Chị T. M. H,– một phụ huynh có con ở lớp 7 trường THCS Đặng Thai Mai trình bày: Ban đầu nghĩ tiên tiến là phải thực sự đổi mới chứ không phải học một cách "nhồi nhét". Với trường hợp của con chị H, "Ngoài học cả ngày ở trường, đa phần đều phải đi học thêm ở ngoài, vì nếu không đi học thêm ở ngoài bên ngoài thì con chị không "theo kịp" các bạn…" chị H, nói. Vì thế, hầu hết học sinh đều rơi vào quá tải.

"Trong chương trình học này, có thêm rất nhiều môn như: năng khiếu, tiếng anh tăng cường, văn, toán tăng cường, tin học tăng cường IC3… trong khi chứng chỉ tin học IC3 chưa hề cần thiết với một học sinh lớp 6, nhưng cũng bắt thi đi thi lại rất ảnh hưởng tâm lý của các cháu. Ngoài ra, chương trình hướng đến tất cả học sinh phải giỏi toàn diện ở tất cả các môn học, trong khi các cháu năng khiếu, khả năng mỗi em hoàn toàn khác nhau…"- chị H., cho biết.

Bên cạnh những bật cập trên, các trường thực hiện theo mô hình này hiện nay đang có những lúng túng trong việc thực hiện thu – chi và triển khai các hoạt động, khi chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này.

Khó với tới trường tiên tiến!

Với mức học phí khá cao so với mặt bằng chung, phụ huynh quyết định cho con theo học mô hình trường tiên tiến cũng kỳ vọng sẽ được học trong môi trường giáo dục thực sự tiên tiến với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Đây cũng là mục tiêu mà các trường học đang hướng tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều này không dễ dàng. Trường THCS Đặng Thai Mai vừa là trường trọng điểm chất lượng cao, vừa là trường tiên tiến nhưng trong năm đầu tiên triển khai, tuy nhiên nhiều phụ huynh ở ngôi trường này đã không khỏi băn khoăn khi cơ sở vật chất của các phòng học không khác các trường bình thường. Trong đó, phụ huynh vẫn phải đóng kinh phí để mua sắm các trang thiết bị để phục vụ việc học tập cho các con như: điều hòa, ti vi, bình lọc nước, đóng ván làm chỗ ngủ trưa cho học sinh...

Trường tiên tiến nhưng các con chưa có chỗ ngủ tử tế, đang phải ngủ trưa trên bàn học ở trong lớp học, cơm là do một đơn vị cung ứng ở ngoài chuyển vào. Do thiếu phòng học, nên năm học trước một số lớp triển khai chương trình môn Tiếng Anh tăng cường không thể tách lớp nên chất lượng chưa cao.

Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh lớp 6 ở Trường THCS Trường Thi cũng không thực sự hài lòng khi phòng học còn quá đơn sơ, bàn ghế cũ và để tươm tất cần nhiều hạng mục phải bổ sung.

Hiệu trưởng của các trường này cũng thừa nhận, nếu so với mô hình trường tiên tiến thì điều kiện vật chất chưa đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh. Trong khi đó, tiềm lực của nhà trường không đủ để đầu tư về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường lớp.

Về vấn đề trên, bà Tăng Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi, TP.Vinh thừa nhận, nếu so với mô hình trường tiên tiến thì điều kiện vật chất chưa đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh. Trong khi đó, tiềm lực của nhà trường không đủ để đầu tư về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường lớp.

Bà Hiền cho biết thêm, năm nay nhà trường có 6 lớp 6 triển khai theo mô hình tiến. Qua vận động xã hội hóa, cũng đã đầu tư được 4 phòng học Tiếng Anh, Tin học, Steam, phòng thư viện với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để phục vụ cho các tiết học tăng cường. Tuy vậy, để có đủ máy điều hòa cho học sinh như nguyện vọng của phụ huynh thì vượt quá năng lực của nhà trường.

Nghệ An: Trường học tiên tiến đã thực sự... tiên tiến - Ảnh 4.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cần nghiên cứu xem mô hình tiên tiến có thể làm riêng biệt ở một trường, ngay từ đầu cả về cơ sở vật chất, giáo viên và cả chương trình học.

Có thể thấy, mô hình trường tiên tiến ở Nghệ An đang triển khai xem ra có phần vội vàng. Bởi theo một số phụ huynh muốn cải tiến, đột phá là phải làm sao cho bài bản. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cần nghiên cứu xem mô hình tiên tiến có thể làm riêng biệt ở một trường, ngay từ đầu cả về cơ sở vật chất, giáo viên và cả chương trình học.

Phụ huynh cần được biết cụ thể về chương trình học, giáo viên ra sao, tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, học phí... Để phụ huynh cân nhắc, tùy điều kiện mà lựa chọn, không thể để bị động như cách đã triển khai. Điều quan trọng hơn, khi nhân rộng mô hình này phải đảm bảo các tiêu chí như cam kết ban đầu, phải đảm bảo mô hình trường tiên tiến phải thực sự… tiên tiến.

Để điều chỉnh chương trình phù hợp ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Sở đang xây dựng văn bản để hướng dẫn các trường triển khai các môn tăng cường theo hướng để học sinh được lựa chọn môn học phù hợp, có sự kết nối với chương trình chính khóa ở nhà trường, không dạy một lúc nhiều môn mà có thể chia thời gian trong các năm học, tránh áp lực về thời gian và bớt áp lực về kinh phí cho các gia đình…
Những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024Những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024

SKĐS - Học sinh cả nước đã bước vào năm học mới nhưng tình trạng thiếu giáo viên, bất cập về các môn học tích hợp, đổi mới thi tốt nghiệp THPT, học phí đại học… là những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học này.


Khánh Tâm - Gia Minh
Ý kiến của bạn