Những người truyền tình yêu cuộc sống

22-01-2023 19:00 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Có lẽ, đây là một trong những câu nói hay nhất về ngành Y mà tôi biết: "Thuốc có thể chữa được các bệnh tật nhưng chỉ có những bác sĩ mới cứu được các bệnh nhân" - (Carl Jung).

Muốn "giã tật" đương nhiên phải có "thuốc đắng" nhưng để cứu sống được bệnh nhân thì cần lắm tấm lòng thầy thuốc. Đó là sự tử tế tỏa sáng nhân văn và thật cảm động khi được so sánh với tấm lòng của mẹ hiền. "Lương y như từ mẫu" là câu chúng ta thường nhắc tới. Nhắc tới bằng sự yêu thương và trân trọng của xã hội đối với các thầy thuốc. Với bệnh nhân thì sự tử tế của bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý, của tất cả những ai đang làm việc trong ngành Y là món nợ ân tình. Một món nợ không cần và không thể trả được bằng tiền nhưng luôn canh cánh trong lòng những người bệnh và toàn xã hội.

Những năm qua, ngành Y tế nước ta đã có sự phát triển toàn diện về nhiều mặt, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lĩnh vực dược phát triển, một số chuyên ngành không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới, được nhân dân tin tưởng.

Những người truyền tình yêu cuộc sống - Ảnh 1.

Các bác sĩ chữa cho người bệnh đâu chỉ bằng thuốc men, thiết bị chuyên dụng, mà còn bằng cả lòng yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc. Ảnh: Kim Vân

Ba năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến của đại dịch COVID-19. Năm 2022, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, ngành Y tế vừa phải bảo vệ thành công thành quả chống dịch COVID-19 và phòng chống nhiều dịch bệnh mới liên tiếp xảy ra; đồng thời vẫn phải tập trung cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Đại dịch COVID-19 không còn là ác mộng kinh hoàng của nhân loại nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng nữa. Thế giới dần dần trở lại cuộc sống bình thường với các chuỗi sản xuất được kết nối lại, hứa hẹn những phục hồi và tăng trưởng kinh tế đáng mừng, trong đó Việt Nam là điểm sáng. Những chuyến bay dọc ngang giữa bao la bầu trời nối liền các quốc gia, các vùng miền sau những cách ly nghiêm ngặt; nhiều đất nước mở rộng cửa đón khách du lịch... Và, lẽ nào ta không nhắc tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh xanh World Cup 2022 được tổ chức vô cùng hoành tráng, lộng lẫy tại Qatar, vương quốc giàu có giữa mùa đông sôi động vừa qua. Sân cỏ biếc xanh bỗng nhiên trở thành biểu tượng chiến thắng đại dịch COVID-19 của toàn nhân loại.

Ai, lực lượng nào đóng góp nhiều công sức, trí tuệ nhất cho sự bình yên đang dần trở lại với thế giới và đất nước chúng ta? Ai, lực lượng nào xứng đáng được phong anh hùng nhất trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19? Tôi nghĩ rằng, lực lượng xứng đáng được ghi công nhất trong cuộc chiến gian nan, nguy hiểm ấy không ai khác là ngành Y, là các thầy thuốc. Nhớ lại, nhắc lại, trong mỗi chúng ta chắc chắn sẽ bật sáng nhiều hình ảnh đẹp về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc, những chiến binh kiên nhẫn vẫn hàng ngày tận tâm cống hiến.

Trước mắt tôi hiện lên vết hằn khẩu trang trên má, đôi mắt quầng thâm do đói ngủ, cùng những bộ áo quần bảo hộ màu xanh đại dương dính bết vào thân hình các thầy thuốc trong những ngày đại dịch vô cùng căng thẳng. Giấc ngủ chập chờn của bác sĩ sau ca trực. Ánh mắt như có ngấn nước của nữ hộ sinh khi nghe tiếng khóc chào đời của em bé có mẹ bị nhiễm COVID - 19. Cái tốt đẹp, cái cao cả trong ngành Y vẫn là phổ biến, như tình mẫu tử chưa bao giờ thiếu vắng trong cuộc đời này. Điều ấy có thật và vững bền trong niềm tin của không ít người trong đó có tôi.

Đừng bao giờ quên rằng, ngành Y vẫn bình tĩnh đồng hành cùng Tổ quốc, như đã từng dũng cảm đi cùng đất nước trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Còn hơn vai trò của người chữa bệnh, thầy thuốc trong cảm nhận của tôi và của xã hội là người truyền tình yêu cuộc sống. Trong lo âu bệnh tật, ta nhận ra ở các thầy thuốc một "điểm tựa", họ làm dịu lại những đớn đau và hy vọng được thắp lên từ đó. Một lời khuyên, một ánh nhìn, một nụ cười của thầy thuốc có thể giúp người bệnh và thân nhân của họ cân bằng lại tâm lý, vợi bớt chông chênh, sợ hãi. Kể cả khi y học đã bó tay rồi thì người bệnh cũng cảm nhận được mối quan tâm, chăm chút của thầy thuốc dành cho mình. Chữa bệnh là khoa học nhưng cũng là nghệ thuật. Cũng như văn học không phải chỉ là ngôn từ, thủ pháp mà chính là cái Tâm. Cái Tâm của người cầm bút, cái Tâm của người chữa bệnh mới đáng quý nhất. Có lẽ thế mà Nguyễn Du đã đúc kết Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Tâm là cốt lõi đạo đức của nhân loại, là nền tảng để xây đắp cuộc sống ngày càng chan hòa hơn. Khi con người biết yêu thương, biết sống vì nhau, biết sống cho nhau đương nhiên xã hội sẽ tươi sáng. Điều này thật vô cùng ý nghĩa khi chúng ta đang chứng kiến quá nhiều sự xung đột, đổ vỡ trong quan hệ người - người hiện nay trên thế giới.

Trong khi nhân loại vẫn còn nhiều nghèo nàn, đói khổ trong sự biến đổi đến chóng mặt của khí hậu môi trường. Y học có nhiều thành tựu trong chăm sóc, chữa bệnh, tăng tuổi thọ cho con người. Cuộc sống vẫn luôn chứa đựng những điều kỳ diệu cho ta trải nghiệm. Qua đó ta càng thấy giá trị hơn những gì y học đã mang lại cho con người.

Các thầy thuốc - những chiến binh kiên nhẫn vẫn hằng ngày tận tâm cống hiến. Ảnh: Kim Vân

Các thầy thuốc - những chiến binh kiên nhẫn vẫn hằng ngày tận tâm cống hiến. Ảnh: Kim Vân

Tiềm ẩn trong mỗi việc làm của các thầy thuốc là thông điệp hòa bình, là sự nhân nghĩa mà con người hướng tới. Bớt đi một nỗi đau là thêm một niềm vui; thêm một người khỏi bệnh là cộng vào cho cuộc sống một nụ cười. Hạnh phúc con người bình dị như thế, đâu chỉ có mỗi nhà cao cửa rộng, tiện nghi đắt tiền. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống cũng nằm ở đây, dẫn truyền cho nhau lòng yêu thương, cảm hứng sống đẹp đẽ. Dường như trong trái tim mỗi thầy thuốc luôn thường trực điều đó. Họ thuộc về số đông trong đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Đó là điều chắc chắn.

Là con người không ai thoát khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Ai rồi cũng có lúc bị ốm đau. Trong bệnh tật, tâm trạng dễ phiền muộn, chán nản, nhất là với những người bị mắc phải các chứng bệnh hiểm nghèo. Lúc ấy, ngoài người thân ra thì chẳng có ai gần gũi người bệnh hơn các thầy thuốc cả. Các bác sĩ và nhân viên y tế chữa bệnh cho họ đâu chỉ bằng thuốc men, thiết bị chuyên dụng mà chắc chắn còn có cả lòng yêu thương, sự chia sẻ sâu sắc. Mỗi lời an ủi, từng câu động viên của thầy thuốc có thể giúp người bệnh khơi dậy niềm hy vọng, sống lạc quan hơn. Tình yêu cuộc sống sẽ thay thế cho sự bi lụy; họ có thêm bản lĩnh để chấp nhận và dũng cảm vượt qua hoàn cảnh.

Hiện nay, không phải căn bệnh nào y học cũng chữa trị được, đó là bi kịch đáng kể của con người. Nỗi đớn đau về thể xác và tinh thần của người mắc bệnh hiểm nghèo làm sao kể xiết. Bạn tôi, một tiến sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa điều  trị ung bướu cũng là một nhà thơ khá nổi tiếng đã từng chứng kiến hàng trăm ca bệnh "trời kêu ai nấy dạ" này. Bao nhiêu lần tiếp xúc với ranh giới của sự sống và cái chết của hàng trăm người, bạn tôi không giấu nổi niềm trắc ẩn của mình trên từng trang viết. Anh nhận diện ra được thứ thuốc quý giá nhất trên cõi đời bao la và muôn vàn trắc trở này là lòng yêu thương. Khát khao làm dịu nỗi đau của những cái chết bất khả kháng vì căn bệnh ung thư luôn canh cánh trong tâm hồn thầy thuốc ấy. Có lẽ quá thấm thía điều này: Nhẫn nại và bình lặng trong tâm hồn có thể chữa lành mọi sang thương hơn ngàn thứ thuốc của Wolfgang Amadeus Mozart mà bạn tôi không chỉ hành nghề bằng con dao mổ mà còn bằng cả những con chữ da diết tình người: Tôi ngồi đây được bao giờ/ bến sông ở đậu ăn nhờ can qua/ bao giờ khóc hết phù sa/ sông đem nước ấy qua nhà trả tôi...

Nghĩ rằng, bệnh tật chẳng bao giờ buông tha con người. Dịch bệnh này tạm ngưng rồi nhân loại lại phải đối mặt với dịch bệnh khác. Hiện tại rành rành ra đấy, sau dịch COVID - 19, bệnh tật dường như lại nhiều hơn. Sự quá tải của nhiều bệnh viện cũng không có gì lạ. Những thầy thuốc lại phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, căng thẳng, thách thức mới. Và họ, không được phép chán nản, buông xuôi vẫn là người truyền tình yêu cuộc sống cho chúng ta. Không thể nào khác được!

Với ai từng trải qua khoảnh khắc ngột ngạt giữa lằn ranh sinh - tử, từng mong bình yên, đoàn viên, sum họp... chắc chắn sẽ không quên ơn các thầy thuốc. Những người mang áo blouse chúng ta quen biết hay chưa hề gặp mặt. Vượt qua những khó khăn mà ngành Y tế đang đối mặt, hàng nghìn, hàng vạn bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên... đã, đang và sẽ lặng lẽ cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho đồng bào và cho cả nhân loại.


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn