Thêm hoạt động nâng đỡ tinh thần cho các "chiến binh K"
9h sáng, phòng chờ Khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy có khá đông bệnh nhân đang ngồi chờ xạ trị.
Trên tay cầm quyển sách "Hiểu về trái tim" của thiền sư Minh Niệm, chị Nguyễn Thị Hương (47 tuổi, quê Tiền Giang), mắc ung thư vú, cho biết: "Lâu rồi, tôi không đọc sách. Hôm nay, trong lúc ngồi ngoài chờ xạ trị sau phẫu thuật, tôi thấy ở trên kệ có sẵn cuốn sách của thầy Minh Niệm. Tôi đọc và thấy thấm thía, cảm giác như thầy đang viết riêng cho tôi. Những trang sách giúp tôi thấu hiểu hơn về chính con người của mình, biết hơn về mầm bệnh từ đó hiểu rõ các phương pháp điều trị".
Ngồi cạnh chị Hương, anh Mai Văn Cơ (56 tuổi, ngụ ở Bình Dương) chăm chú coi màn hình LCD cho biết, anh bị K thực quản, đã xạ trị đến hôm nay là 11 tia.
"Nay đến đây xạ trị, tôi bất ngờ thấy có màn hình tivi LCD, sách đọc cho các bệnh nhân trong lúc ngồi chờ. Những video, clip chia sẻ về bệnh ung thư rất hữu ích. Bị ung thư, ai cũng suy sụp tinh thần nhưng cách tiếp xúc và thái độ quan tâm bệnh nhân của y bác sĩ khiến tôi xúc động và cảm thấy may mắn được điều trị tại Chợ Rẫy", anh Cơ xúc động nói.
Qua tìm hiểu của phóng viên Sức khỏe và Đời sống, đây là một trong nhiều hoạt động của Phòng Công tác Xã hội (CTXH), Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai nhằm nâng đỡ tinh thần bệnh nhân ung thư.
ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy - thông tin, vào ngày 9/9 vừa qua, Phòng CTXH đã triển khai thêm chuỗi hoạt động mới nâng đỡ tinh thần người bệnh tại Khoa Xạ trị gồm nhạc nhẹ du dương, LCD phim giải trí và sách đọc thư giãn.
"Trong khi chờ xạ trị, cô bác sẽ được nghe những giai điệu nhẹ nhàng, thư giãn tinh thần hoặc xem phim hoạt hình giải trí, video về những hoạt động "Đồng hành cùng chiến binh K" của Phòng CTXH và clip truyền thông giáo dục sức khỏe. Ngoài ra, cô bác cũng có thể chọn cho mình cuốn sách yêu thích để đọc tại kệ sách thư giãn. Đó là những cuốn sách đầy ý nghĩa, bài học cuộc sống, nghị lực vươn lên nghịch cảnh... Từng câu chuyện chân thật, cảm động đầy tính nhân văn sẽ giúp chiến binh K vững tinh thần, thêm niềm tin để vui sống chiến thắng bệnh tật", anh Lê Minh Hiển cho hay.
Kết nối và lan tỏa yêu thương
Ngoài hoạt động hỗ trợ bệnh nhân ung thư tại trên, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy còn tổ chức nhiều chương trình giáo dục sức khỏe, nâng đỡ bệnh nhân ung thư trong quá trình thăm khám, điều trị.
Tính đến tháng 9/2024, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp cùng Khoa Tuyến vú - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và các nghệ sĩ, đơn vị thiện nguyện tổ chức 9 chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K". Theo đó, nhiều hoạt động được tổ chức như: giao lưu văn nghệ, tham gia tập yoga, thiền, chơi các trò chơi với các nghệ sĩ, MC nổi tiếng, .... cho bệnh nhân ung thư đang điều trị nội trú tại bệnh viện.
Những hoạt động này không chỉ giúp các chiến binh K hiểu rõ hơn về căn bệnh mà còn khơi dậy sự đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau của những người không may mắc phải bệnh ung thư.
PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, hoạt động "Đồng hành cùng chiến binh K" diễn ra định kỳ 2 tháng/lần. Thông qua hoạt động này đã thay đổi nhận thức, nâng đỡ về mặt tinh thần và mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người bệnh ung thư.
"Với các bệnh nhân ung thư, hoạt động nâng đỡ tinh thần là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều người dân quan niệm mắc ung thư như "án tử", nghe đến bệnh ung thư là sợ. Người bệnh ung thư không dễ chấp nhận, họ dễ dao động nên mình phải đồng hành cùng họ. Thời gian qua, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân tốt nhất, giúp họ lạc quan, tin tưởng vào phác đồ điều trị, vượt qua được căn bệnh này. Hy vọng trong thời gian tới, bệnh viện có thêm những chương trình tư vấn cùng chuyên gia tâm lý sẽ tốt cho các bệnh nhân ung thư hơn", PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh nói.
Trước đó, tháng 3/2020, Phòng Công tác xã hội phối hợp Đơn vị Tuyến vú (nay là khoa Tuyến vú) khai trương khu sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư tại lầu 7 – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây có các tủ nón len, tóc giả, áo ngực dành cho người bệnh ung thư vú. Bên cạnh đó, người bệnh có thể chọn lựa cho mình những cuốn sách yêu thích được sắp xếp gọn gàng, bắt mắt trong "Tủ sách ung thư – Hạt giống tâm hồn".
Đặc biệt, mỗi ngày Phòng CTXH đều cho nhân viên phục vụ người bệnh nước uống, bánh và trái cây miễn phí vào khung giờ 8 giờ và 15 giờ với tinh thần phục vụ mỗi bệnh nhân ở đây như là một hành khách ngồi trên ghế máy bay hạng thương gia để "nối nhịp sống, chở niềm tin".
Luôn đặt mình vào vị trí thân nhân người bệnh
Có dịp ghé thăm Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy, ai cũng bất ngờ bởi sự sạch sẽ khang trang tại đây. Cứ 4-5h chiều, tại khu sinh hoạt chung lầu 7 này, góc âm nhạc ở đây rất "phiêu" với đèn, đàn guitar, tự bệnh nhân hay thân nhân có thể trải nghiệm đọc sách, chơi đàn. Điều này giúp bệnh nhân có tinh thần lạc quan hơn, cảm giác như được ở nhà.
Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ ở TPHCM, là bệnh nhân ung thư vú, khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Những lần hóa trị, cơ thể tôi nhức mỏi, đau đớn vô cùng. Tuy nhiên, quá trình điều trị tại đây, tôi cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi sáng, tôi tập thể dục rồi ra khu sinh hoạt chung đọc sách, trò chuyện cùng các bệnh nhân khác giúp tôi thoải mái, giải tỏa được nỗi đau thể xác và tinh thần".
Có được điều trên, đó là công sức của Phòng Công tác xã hội và khoa Tuyến vú với người đứng đầu là ThS Lê Minh Hiển và PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh. Trước đó, bác sĩ Khánh và anh Hiển đã ngồi lại với nhau, bàn bạc phối hợp các kế hoạch chương trình nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhân.
ThS Lê Minh Hiển cho biết, qua các chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K" cùng với những chia sẻ của các bác sĩ, ca sĩ, MC, đặc biệt là "đồng bệnh" đã đưa các bệnh nhân lại gần nhau.
"Chúng tôi thấy các bệnh nhân cần phải nhận được những năng lượng truyền tải của những người trong cuộc. Chúng tôi đã mời các anh, chị đã qua các giai đoạn chẩn đoán, điều trị thành công đến để chia sẻ hành trình của mình. Qua những chia sẻ đó, các chiến binh K mới bộc bạch thêm, thổ lộ thêm… Từ đó cô bác được giải tỏa, cảm thấy mạnh mẽ.
Chương trình "Đồng hành với chiến binh K" không phải mục đích y khoa. Cái chúng tôi phối hợp với nhau là những bài hát, chia sẻ từ những câu chuyện của thầy Minh Niệm, bài học của cuốn sách "Những hạt giống tâm hồn"..., giúp các bệnh nhân cảm thấy không còn bế tắc. Họ thấy rằng "một cánh cửa này đóng lại thì có nhiều cánh cửa khác mở ra".
Khi hỏi về động lực nào khiến các anh lúc nào cũng đau đáu cho bệnh nhân ung thư, cả PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh và ThS Lê Minh Hiển đều có cùng chung câu trả lời là họ luôn đặt mình vào vị trí thân nhân người bệnh. Qua đó, họ thấu hiểu và đồng cảm cùng bệnh nhân và gia đình người bệnh, biết bệnh nhân cần gì để triển khai những hoạt động có ý nghĩa thiết thực.
Nhân viên công tác xã hội cùng các đồng nghiệp không chỉ chăm sóc về y tế mà còn mang đến niềm tin, hy vọng, sự lắng nghe và chia sẻ với bệnh nhân. Cũng chính nhân viên công tác xã hội là những người đứng sau hỗ trợ về tài chính, tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân ung thư trong suốt quá trình điều trị. Họ hiểu rằng mỗi sự động viên, mỗi lời an ủi mang lại có thể trở thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Thực tế cho thấy, công tác chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu nguồn nhân lực, thiếu thốn về tài chính, đến áp lực lớn từ số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Dẫu vậy, những "người tiếp lửa" nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân ung thư vẫn vượt qua và dành trọn trái tim của mình cho người bệnh.