Những ai không được dùng nhân sâm?

03-05-2018 07:05 | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS-Hiện nay, trên thị trường nhân sâm được bán rất nhiều, đủ mọi dạng như hồng sâm, bạch sâm, rượu sâm, trà sâm, các loại mỹ phẩm có sâm...

Nhiều người cho rằng nhân sâm là loại thuốc bổ và mát, lại trị được bách bệnh. Đặc biệt trong những ngày hè nóng nực, nhiều phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sẩy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân. Thực ra nếu dùng không đúng, nhân sâm sẽ gây ngộ độc làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người.

Thành phần chủ yếu của nhân sâm gồm saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi chung là ginsenosid), có tới gần 30 saponin khác nhau.

Những ai không được dùng nhân sâm?Nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí, có công năng bổ khí huyết, định thần, ích trí.

Theo YHCT, nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.

Có thể chỉ dùng 1 vị sâm: nhân sâm thái mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Hoặc ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống 20-30ml.

Do có tác dụng bổ khí, nhân sâm còn được dùng trong nhiều bài cổ phương quý:

Bài Tứ quân tử thang: nhân sâm, bạch linh, bạch truật, mỗi vị 5g, cam thảo 3g. Ngày uống 1 thang dưới dạng sắc hoặc làm hoàn. Tác dụng bổ chân khí cho những người sức khỏe yếu hay mệt mỏi, kém ăn. Hoặc bài Bát trân thang: Kết hợp bài Tứ quân tử thang thêm các vị: xuyên khung, đương quy, bạch thược, thục địa, mỗi vị 5g. Ngày một thang dưới dạng sắc hay thuốc hoàn. Tác dụng: trị chứng cả khí và huyết đều suy, người mệt mỏi, chân tay vô lực, đoản hơi, thiếu máu, da xanh xao, gầy còm, kém ăn.

Những ai không nên dùng hoặc cần thận trọng khi dùng nhân sâm?

Nhân sâm tuy là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải dùng cho mọi đối tượng được. Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Phụ nữ trước ngày sinh cũng không nên dùng sâm.

Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu mà muốn dùng sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Cần lưu ý không dùng lô sâm (đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn. Không dùng kèm với vị lê lô và ngũ linh chi.

Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ bị kích dục sớm.


GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: