Hà Nội

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển

08-06-2024 20:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Cứ mờ sáng, hàng trăm người làm công việc vận chuyển và phân loại cá biển lại có mặt ở Cảng cá Hòn Rớ và Bến cá dân sinh Vĩnh Trường (Nha Trang, Khánh Hòa) bắt đầu ngày làm việc của mình. Công việc vất vả nhưng mang lại thu nhập khá, cải thiện thêm đời sống.

Thường xuyên rã rời chân, tay vì vận chuyển và phân loại cá biển

Tại Cảng cá Hòn Rớ hay Bến cá dân sinh Vĩnh Trường (Nha Trang, Khánh Hòa), mỗi khi những con tàu đầy ắp cá ngừ, cá nục, cá cơm cập cảng, chủ tàu cho người đưa cá lên bờ. Sau đó, hàng trăm phụ nữ tất bật tiến hành phân loại, rửa cá sạch sẽ, đàn ông thì dùng xe đẩy vận chuyển đến các xe tải đông lạnh.

Công việc này có khi kéo dài từ mờ sáng đến xuyên trưa để kịp thời phân bổ cá đến các khu chợ, siêu thị.

Chị Lê Thị Thu (chuyên đi phân loại cá thuê ở Bến cá dân sinh Vĩnh Trường, Nha Trang) cho biết, trước đây tôi đi bán vé số nhưng nghề ấy giờ cũng khó làm ăn nên chuyển về đây phân loại cá thuê. Các loại như cá nục, cá cơm…chúng tôi phải cẩn thận phân loại theo kích thước, rửa sạch bỏ vào sọt để người khác bê, kéo (vận chuyển) ra những chiếc xe lớn rồi đưa đến các chợ.

Nhiều khi, phụ nữ cũng vừa phân loại vừa vận chuyển cá luôn. Nhọc nhằn nhất là phân loại cá cơm, trong một đống cá cơm có 3-4 loại kích thước khác nhau nên phải ngồi nhặt nhạnh từ mờ sáng đến đầu giờ chiều là thường xuyên.

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển - Ảnh 1.

Từ sáng sớm, nhiều người đã đến Bến cá dân sinh Vĩnh Trường để phân loại cá, vất vả nhất là phân loại cá cơm.

Đưa đôi tay nhợt nhạt khi vừa trải qua 6 tiếng ngồi phân loại cá, bà Nguyễn Thu Hạnh (Vĩnh Trường, Nha Trang) chia sẻ, đang mùa đánh bắt cá cơm nên chị em phụ nữ làm nghề phân loại cá thường xuyên rã rời chân, tay. Suốt ngày ngửi mùi tanh của cá, có những lúc khắp khuôn mặt còn bị văng đầy chất tanh từ cá nhưng gắn bó lâu rồi cũng thành quen.

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển - Ảnh 2.

Cá biển sau khi phân loại, những người đàn ông bê lên xe kéo vận chuyển đến những chiếc xe tải động lạnh lớn.

Chuyên đi vận chuyển, bưng bê những sọt cá biển lớn đến các xe tải đông lạnh ở Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa), anh Lê Mạnh cùng nhiều đồng nghiệp cũng thổ lộ, việc này có sức khỏe dẻo dai mới gắn bó được. Có ngày từ sớm đến chiều tất bật vận chuyển cá mệt quá về tắm rửa qua loa rồi đi ngủ, nửa đêm tỉnh dậy vẫn thấy người mình chưa hết mùi cá.

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển - Ảnh 3.

Công việc bốc xếp, vận chuyển cá biển vất vả nhưng mang lại thu nhập cho nhiều người.

Mong được vất vả quanh năm

Trung bình, một ngày đi phân loại cá biển thuê tại Cảng cá Hòn Rớ hay Bến cá dân sinh Vĩnh Trường, mỗi người thu nhập gần 300.000 đồng. Người vận chuyển cá thu nhập bình quân 350.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày.

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển - Ảnh 4.

Bến cá dân sinh Vĩnh Trường lắp hệ thống điện chiếu sáng để khi các tàu cập cảng lúc trời còn tối, người dân vẫn có đủ ánh sáng để phân loại cá.

Nhiều người làm công việc phân loại cá ở Bến cá dân sinh Vĩnh Trường cho biết, chỉ mong được vất vả quanh năm để duy trì nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống. Công việc này không đòi hỏi tay nghề, chỉ cần chịu khó dậy sớm, có tính cẩn thận là ai cũng có thể làm được. Đặc biệt, nhiều người đi phân loại cá thuê, cuối ngày làm việc còn được chủ tàu hoặc chủ các vựa thu mua cá hào phóng tặng cho ít cá mang về.

Ông Thành Quốc thường xuyên làm việc ở Cảng cá Hòn Rớ cũng chia sẻ, nếu việc vận chuyển, đưa cá biển lên các xe tải đông lạnh được duy trì thường xuyên thì mỗi tháng, một người có thể hơn 10 triệu đồng. Thế nên, ai cũng mong những chuyến tàu liên tục vươn khơi và cập cảng thắng lợi.

Nhọc nhằn mưu sinh từ công việc phân loại cá biển - Ảnh 5.'Người vận chuyển' oằn lưng mưu sinh dưới nắng như đổ lửa

SKĐS - Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội có lúc lên đến hơn 40 độ C nhưng những người làm nghề xe ôm công nghệ, người giao hàng (shipper) vẫn phải oằn lưng mưu sinh.


Đông Hưng-T.Huyền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn