Vươn khơi

05-03-2016 08:19 | Thời sự

SKĐS - Trong những ngày đầu năm mới này, ngư dân các tỉnh miền Trung ra khơi bám biển với một tâm trạng háo hức, phấn khởi cùng bao kỳ vọng về một năm thắng lợi, sung túc.

Trong những ngày đầu năm mới này, ngư dân các tỉnh miền Trung ra khơi bám biển với một tâm trạng háo hức, phấn khởi cùng bao kỳ vọng về một năm thắng lợi, sung túc. Bởi tại không ít địa phương, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều ngư dân đã đóng tàu vỏ sắt có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại. Không những nâng cao hiệu quả đánh bắt mà những tàu vỏ sắt sẽ là những cột mốc vững chắc trên khắp các vùng biển của Tổ quốc.

Sau hơn 1 năm thực hiện đóng mới tàu thuyền có công suất lớn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, huyện Núi Thành, địa phương có nghề đi biển mạnh nhất tỉnh Quảng Nam đã thành lập được đội tàu thuyền có công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện, ngư cụ hiện đại. Đội tàu thuyền này được ngư dân gọi là đội tàu 67 để bổ sung vào đoàn tàu công suất lớn hiện có của địa phương nhằm vươn khơi xa, bám biển dài ngày.

Có thêm tàu vỏ thép, ngư dân càng yên tâm bám biển.

Tàu vỏ sắt mang số hiệu QNa 91441TS... có công suất trên 1.000 CV, được lắp đặt đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại và ngư lưới cụ để hành nghề khai thác hải sản dài ngày ở ngư trường khơi xa. Chiếc tàu này có tổng số tiền đầu tư trên 16 tỷ đồng, trong đó anh Nguyễn Văn Nhân - chủ tàu được vay 95% tổng số vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi. Cùng với 13 chiếc tàu khác, tàu vỏ sắt của anh Nhân đã nhổ neo, vươn ra ngư trường Hoàng Sa truyền thống. Anh Nguyễn Văn Nhân - chủ tàu QNa 91441TS rất phấn khởi cho biết, phương tiện có công suất lớn sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt và đảm bảo an toàn hơn, giúp ngư dân bám biển dài ngày và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Còn theo Thuyền trưởng tàu QNa 91441TS, anh Phan Bá Tầm, chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép thì an toàn hơn nên ngư dân rất phấn khởi, chúng tôi sẽ tổ chức các đội tàu từ 5-10 chiếc để ra khơi đánh bắt hải sản và giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ nhau để cùng góp phần bảo vệ vùng ngư trường truyền thống của mình ngày càng tốt hơn.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, huyện Núi Thành được UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ chỉ tiêu đóng mới 50 tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện Núi Thành đã có 49 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu có công suất lớn. Hiện đã có 22 chủ tàu triển khai đóng mới, số tàu còn lại đã được ngư dân ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng để triển khai đóng mới tàu có công suất lớn trong thời gian tới.

Đóng tàu mới, có công suất lớn và trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại là khát vọng của ngư dân. Vì vậy, ngoài số tàu đã hạ thủy, số tàu thuyền còn lại được đóng mới theo Nghị định 67, huyện Núi Thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân nhanh chóng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, huyện cũng tạo điều kiện để ngư dân vay vốn đóng 2 tàu cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá xa  bờ, góp phần nâng cao năng lực vươn khơi của đội tàu thuyền và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.

Còn tại cảng cá Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế trong những ngày đầu năm mới Bính Thân với những khoang thuyền đầy ắp cá nối đuôi nhau trở về đất liền sau những ngày dài đánh bắt trên biển. Không phải chờ đến hôm nay bà con mới vươn khơi, nhiều ngư dân đã bám biển từ những ngày trước đó. Bên cạnh đó, cũng có không ít bà con  đón Tết ngay trên biển. Con tàu của ngư dân Huỳnh Linh và bạn thuyền của mình đã cập bến sau chuyến biển kéo dài 3 ngày. Những mẻ cá tươi ngon đánh bắt được báo hiệu cho một năm mới đầy thắng lợi.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 45 tàu cá đăng ký đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 2 tàu vỏ sắt và 10 tàu vỏ gỗ. Đây là một tín hiệu vui cho bà con trong năm mới này.

Trong những ngày đầu năm mới này, nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân với những khoang thuyền đầy ắp cá trở về từ biển khơi, niềm vui khi giá xăng dầu giảm mạnh cùng với các chính sách quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải hoán, đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo thêm động lực cho ngư dân yên tâm bám biển.

Việt Nam là quốc gia biển. Hướng biển, bám biển, phát triển kinh tế biển là chiến lược trọng tâm, lâu dài. Vì vậy, cải hoán, chuyển đổi từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt là bước tiến được ngư dân hưởng ứng, nhân dân ủng hộ. Với lợi thế của tàu cá vỏ sắt hiện đại, ngư dân có thể thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm, đủ chi trả cho đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng cho một tàu đóng mới. Một số ngư dân làm ăn hiệu quả có thể thu hồi vốn ngay trong vòng 1-2 năm. Ban đầu, một số ngư dân chưa quen tàu sắt, sợ tốn nhiên liệu vì công suất máy lớn, thường hơn 400 sức ngựa trở lên. Nhưng sau mấy chuyến đi biển về, nhiều ngư dân đã thấy được tốc độ tàu nhanh hơn, lại tiết kiệm được 15% nhiên liệu. Tàu có khoang chứa lưới lớn, có khoang chứa ngư cụ, khoang bảo quản sản phẩm. Tàu cá vỏ sắt còn trang bị máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Trước kia, ngư dân đi tàu gỗ không bảo quản sản phẩm được lâu, nay có thiết bị bảo ôn có thể bảo quản sản phẩm tốt, giúp đi biển được dài ngày hơn. Trước tàu gỗ chỉ đi được sóng cấp 4-5, nay sóng cấp 7-8 vẫn có thể đi biển được.

Ước mơ tàu sắt của ngư dân đang được hiện thực hoá. Cũng vì hiện cả nước có trên hàng chục nghìn tàu cá xa bờ, nhưng tàu vỏ sắt chiếm chưa đến 1%. Để khắc phục tình trạng tàu gỗ vươn khơi, giảm thiểu rủi ro về tính mạng và tài sản cho ngư dân, Chính phủ đã chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay thế vỏ gỗ.  Trước đây, các ngư dân ra biển với vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm và tình yêu biển mãnh liệt, phương tiện tàu bè còn nhỏ bé, lạc hậu, có dịp được “đội nắng, đội gió” với các anh mới thấy thấm tháp hơn bởi những giọt mồ hôi mặn chát không chỉ vì gió biển, nhưng giờ đây, chúng tôi không khỏi xúc động khi những con tàu vỏ sắt với công suất và khối lượng lớn hơn được đóng mới. Những con tàu sẽ giúp ngư dân tăng cường khả năng chống chọi với thời tiết thiên tai... giúp ngư dân vẫn bám biển, khai thác ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Biển là nơi mưu sinh nhọc nhằn, nơi "đi về" của những con tàu và hàng triệu ngư dân đất Việt. Trải qua bao đời, sự hiện diện của họ là những cột mốc di động, một trong những bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp xúc với những ngư dân ở đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của người dân khi được hỗ trợ giúp ngư dân đóng tàu sắt để vươn khơi xa hơn. Chắc chắn với những con tàu sắt sẽ vươn khơi xa hơn, nguồn lợi thủy sản thu được nhiều hơn… Điều quan trọng nhất và rất thiêng liêng là bên cạnh việc mỗi con tàu với công suất lớn hơn mang về nguồn lợi hải sản thì còn là những cột mốc chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam.


Hoài Hương
Ý kiến của bạn