Trường hợp mới nhất là người phụ nữ hơn 30 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hoá. Chị kể mấy tháng trước có đi xem thầy phong thuỷ, thầy "phán" dáng mũi chị không tốt, tiêu tán tài sản, không giữ được của nả.
Tin lời "thầy", muốn đổi vận, chị này đi căng chỉ nâng mũi ở một spa. Một tháng sau, thấy đầu mũi vẫn thấp, dáng mũi không cải thiện được như mong muốn nên chị đến spa tiêm tiếp 1ml filler vào đầu mũi và vùng sống mũi.
Tiêm được một ngày, vùng mũi xuất hiện vết ửng đỏ, sưng nề. Lo sợ, chị này đến spa, được tiêm chất giải nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương cầu cứu bác sĩ.
Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng hoạt chất chống viêm, kháng sinh để giảm nguy cơ hoại tử, tiếp tục tiêm chất giải.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng với "mốt" làm "tai Phật" sau khi tiêm chất làm đầy vào dái tai.
Một nữ doanh nhân 37 tuổi than phiền về dái tai của chị khá mỏng và nhỏ, tai lại cụp vào nên chị muốn chỉnh sửa lại để có tướng mạo phúc hậu hơn, "biết đâu đổi vận may mắn".
Sau tiêm 1 ngày tại một spa gần nhà, bệnh nhân phải đến bệnh viện thăm khám vì phần tiêm filler bị đau, sưng tấy đỏ và biến dạng.
May mắn vùng tai bị viêm nhiễm chưa hoại tử và phải cắt lọc do bệnh nhân đến viện sớm. Tuy nhiên, tổn thương để lại khiến tai bệnh nhân nhiều vùng da bị lồi, lõm ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ, không thể trở lại như ban đầu.
Không chỉ nữ giới ưa "mốt" này, nhiều nam giới, từ độ tuổi trung niên (40-50) tuổi cũng lựa chọn tiêm filler làm đầy dái tai mong có đôi tai "Phật", hút tài vượng.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2022, ThS.BSCK2 Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay nhiều bệnh nhân đến viện cầu cứu bác sĩ sau khi tiêm các chất làm đầy (filler), tiêm chất được quảng cáo là collagen vì muốn thay đổi phong thuỷ, vận mệnh.
Theo bác sĩ Minh, những vị trí được nhiều người hay can thiệp để thay đổi "phong thuỷ" như mũi, cằm, tai, hõm má, lõm giữa cung lông mày, thái dương…
"Đa số mọi người đều muốn nhấn nhá trên gương mặt mong thay đổi số mệnh, tài lộc. Nhưng chính những vị trí này lại hay để lại biến chứng sau tiêm filler" – bác sĩ Quang Minh nói.
Lý do là bởi các vị trí này khi tiêm filler dễ có nguy cơ cao xâm lấn vào các mạch máu, vị trí thần kinh đi ngang qua nếu người tiêm không có kỹ năng thực hành tốt, hiểu về giải phẫu cấu trúc.
Các bác sĩ cho biết, chất làm đầy là những chất được sử dụng để đưa vào cơ thể với vai trò làm tăng thể tích mô, bù vào những vị trí liên quan đến sự thiếu hụt của tổ chức mô ở trong da cũng như cơ thể. Trong y khoa, các bác sĩ sử dụng chất làm đầy như một chất có vai trò làm tăng thể tích mô và tăng độ giữ nước cho cơ thể.
Tiêm filler là thủ thuật nghe qua tưởng đơn giản nhưng có nhiều biến chứng, rủi ro. Những khu vực như mũi nếu tiêm filler bởi người không được đào tạo, hiểu biết hay filler "rởm", thì nguy cơ xâm nhập vào động mạch trung tâm võng mạc, đi vào bên trong mắt gây biến chứng nặng nề hơn như hoại tử, mù mắt có thể xảy ra.
Muôn chiêu "lách" khái niệm tiêm filler
Trong vài năm gần đây, truyền thông liên tục đưa tin cảnh báo về biến chứng sau tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không uy tín, thậm chí có ca tử vong. Nhiều nơi đã "lách" bằng cách không dùng từ "tiêm chất làm đầy" hay "tiêm filler" mà là "chuyển ngữ" quảng cáo với khách hàng là sử dụng "hoạt chất collagen", "hoạt chất tăng sinh collagen"… để khách hàng yên tâm.
Các cơ sở này quảng cáo giới thiệu đây là chất chống lão hoá, chất collagen, hay tái sinh đa tầng như "trend" gần đây, với lời hứa hẹn làm đầy vùng này mà không dùng filler nhằm thu hút khách hàng.
BS Quang Minh cho hay, bản chất của việc sử dụng một lượng lớn chất collagen để làm đầy toàn bộ khu vực là rất khó khăn.
Đó là bởi các hoạt chất collagen khi đưa vào cơ thể có thể gây ra dị ứng, nguy cơ tạo phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì thế đa số các hoạt chất đưa vào cơ thể có vai trò kích thích tăng sinh collagen, về mặt bản chất đều tham gia quá trình làm đầy.
Thực tế, sau tiêm các chất được quảng cáo là collagen này, bệnh nhân có biểu hiện như sưng nề, ngậm nước (như tiêm chất làm đầy). Vào viện xử lý biến chứng, sau khi được bác sĩ siêu âm chẩn đoán, dùng chất tan giải thì có thể thấy chất được spa tiêm vào là chất làm đầy, không phải collagen.