Hà Nội

Nhiễm HIV chưa phải là chấm hết nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị

12-09-2023 20:47 | Y tế
google news

SKĐS - "Đối với bệnh nhân nhiễm HIV, chúng tôi phải có kỹ năng để tư vấn, thăm khám và điều trị tận tình, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị với tinh thần tôn trọng, không kỳ thị và bảo mật danh tính, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho bệnh nhân HIV" - PGS.TS. Đỗ Duy Cường chia sẻ.

Đã có nhiều người bệnh được hồi sinh nhờ vượt qua mặc cảm và kỳ thị, đặc biệt là tuân thủ phác đồ điều trị HIV ngay từ đầu để giữ được sức khỏe ổn định và tái hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu và nhận thức được đầy đủ thông tin để có cách đối diện với HIV một cách sáng suốt nhất.

Đó chính là nuối tiếc của các y bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai khi tiếp nhận những bệnh nhân HIV đến điều trị ở giai đoạn muộn. Trường hợp bệnh nhân nữ N.T.B, 37 tuổi (quê ở Ninh Bình) là một ví dụ.

Chị N.T.B vào khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng đau đầu dữ dội, chóng mặt, mắt phải nhìn mờ, buồn nôn kéo dài nhiều tháng. 

Trước đó, bệnh nhân đã đi khám mắt và khám thần kinh. Bệnh nhân cũng đã đi khám ở bệnh viện tuyến huyện điều trị 1 tuần, rồi được chuyển lên tuyến tỉnh cũng không tìm ra bệnh. Sau đó bệnh nhân đi khám mắt và thần kinh ở tuyến trung ương nhưng cũng không phát hiện ra bệnh.

Khi vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, qua xét nghiệm các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân bị nhiễm HIV và mắc nhiễm trùng cơ hội nặng, tổn thương não - màng não. Lúc này, sức khỏe bệnh nhân suy giảm nặng, tế bào CD4 dưới 200/mm3. Mặc dù bệnh ở giai đoạn muộn, nhưng bệnh nhân giấu bệnh và không muốn hợp tác để chữa trị.

Qua lời kể của người nhà, bệnh nhân biết mình nhiễm HIV từ 10 năm trước do lây từ chồng và chồng đã mất do HIV, để lại chị một mình nuôi 3 đứa con. Do lo sợ bị kỳ thị nên dù biết mình mang căn bệnh thế kỷ nhưng chị giấu bệnh, giấu gia đình, không cho ai biết và cũng không chữa chạy gì. Cho đến khi sức lực suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân mới đi khám về mắt và thần kinh. Lúc này bệnh nhân đã có nhiều triệu chứng của bệnh AIDS (giai đoạn cuối của người nhiễm HIV) với nhiều nhiễm trùng cơ hội.

Bệnh nhân N.T.B được các y bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới điều trị tích cực và bệnh tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, việc điều trị cũng hết sức khó khăn, chi phí điều trị tốn kém và thời gian điều trị kéo dài.

Nhiễm HIV chưa phải là chấm hết nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Phát hiện và điều trị sớm mở ra nhiều hi vọng cho người bệnh

Hiện, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị ngoại trú, cấp thuốc kháng virus (ARV) và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân nhiễm HIV lên tới con số cả hơn nghìn người. Ngoài ra, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới còn tiếp nhận và điều trị nội trú các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có nhiều người nguy kịch như viêm phổi PCP, viêm não, viêm màng não do nấm, lao, viêm võng mạc do CMV,...

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, người luôn đồng hành và thấu hiểu cảnh ngộ cùng các bệnh nhân HIV từ nhiều năm nay cho biết: "Đối với bệnh nhân nhiễm HIV, chúng tôi phải có kỹ năng để tư vấn, thăm khám và điều trị tận tình, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị với tinh thần luôn tôn trọng, không kỳ thị và bảo mật danh tính, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho bệnh nhân nhiễm HIV".

Qua quá trình điều trị, hầu hết bệnh nhân sẽ có sức khỏe trở lại như bình thường và có thể lập gia đình, sinh con không bị nhiễm HIV và tiếp tục đóng góp có ích cho gia đình và xã hội. Trên thực tế đã có nhiều người trải qua gần chục năm theo dõi điều trị tại Trung tâm, nay khỏe mạnh và có tỷ lệ virus dưới ngưỡng ức chế đạt rất cao (trên 98%).

Hiện nay vẫn còn nhiều bệnh nhân lo sợ khi đi khám bệnh không khai báo với bác sĩ là mình bị nhiễm HIV nên rất khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Hơn nữa, việc giấu bệnh làm tăng nguy cơ phơi nhiễm HIV cho nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân.
PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Trường hợp bệnh nhân nữ 37 tuổi nói trên nhập viện đã ở giai đoạn muộn, sau quãng thời gian dài 10 năm giấu bệnh do sợ bị kỳ thị, tâm trạng thờ ơ, không thiết tha sống và không hợp tác để điều trị. Trong khi đó, nếu bệnh nhân tự khai báo tình trạng nhiễm HIV của mình sớm ngay từ đầu thì các bác sĩ đã có thể áp dụng ngay các phác đồ đặc hiệu để điều trị cho chị, tránh những biến chứng. Đến nay, bệnh nhân đã được các bác sĩ của Trung tâm Bệnh nhiệt đới quan tâm chăm sóc, không có thái độ kỳ thị phân biệt nên bệnh nhân đã hợp tác và yên tâm điều trị.

Nhận thấy thái độ ân cần và tinh thần trách nhiệm của các y bác sĩ, sức khỏe bệnh nhân đã khá lên từng ngày và đặc biệt là chị đã có chuyển biến trong tư tưởng và nhận thức. Với tất cả sự thông cảm, chia sẻ với những cảnh đời, những số phận éo le, tập thể y bác sĩ đã và đang dành hết tâm sức để điều trị cho chị với hy vọng một ngày nào đó chị sớm bình phục và được trở về gia đình với 3 đứa con thân yêu của chị.

Những ai không may bị nhiễm HIV hoặc nghi ngờ bị nhiễm, hãy chủ động đến thăm khám và điều trị tại các phòng khám, cơ sở y tế dành cho bệnh nhân nhiễm HIV. Phát hiện và điều trị sớm ngay từ đầu thì những cơ hội an lành và cuộc sống sẽ mở ra những hy vọng cho tương lai, bởi còn sống là còn hy vọng, nhiễm HIV không phải là hết!

7 lợi ích của việc tập thể dục với người nhiễm HIV7 lợi ích của việc tập thể dục với người nhiễm HIV

SKĐS – Một trong những điều tốt nhất người nhiễm HIV có thể làm cho bản thân là tập thể dục. Hãy ưu tiên tập thể dục thường xuyên và lên lịch tập khoảng 150 phút mỗi tuần, kết hợp các bài tập thể dục nhịp điệu, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.


Thùy Dương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn