Hà Nội

Nhà thơ Trần Quang Quý: "Trở về cội nguồn khi cô đơn nhất"

11-09-2022 11:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - "Cho đến tận bây giờ, khi đã đi qua nhiều thăng trầm thử thách của cuộc đời, những lúc cô đơn nhất tôi lại trở về nguồn, lại nhận từ đó năng lượng vô cùng quý giá" - nhà thơ Trần Quang Quý.

Anh Trần Quang Vũ, con trai của nhà thơ Trần Quang Quý thông báo nhà thơ đã qua đời vào lúc 10 giờ sáng 10/9 tại nhà riêng, do bị mắc bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 67 tuổi.

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, (H.Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

Nhà thơ Trần Quang Quý: "Trở về cội nguồn khi cô đơn nhất" - Ảnh 1.

Nhà thơ tại lễ ra mắt tập ký Ngô Văn Dụ – người làng Rau

Từ năm 1971, nhà thơ Trần Quang Quý tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tại các tỉnh Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1977 đến năm 1982, ông là cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, ông theo học khóa II Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du.

Từ năm 1988 đến năm 1994, ông là Trưởng ban biên tập báo Nông dân Việt Nam (nay là báo Nông thôn ngày nay). Từ năm 1994 đến năm 1998, ông là biên tập viên, rồi Tổng biên tập tạp chí Dân số & Gia đình. Từ năm 1996 đến năm 2000, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ năm 1998 đến năm 2005, ông là Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội. Năm 2009, ông chuyển sang làm Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2019.

Từ năm 2019, nhà thơ Trần Quang Quý bị mắc bệnh ung thư dạ dày. Dù bệnh nặng nhưng ông vẫn luôn sáng tác và thi thoảng ra quán gặp bạn bè để nhâm nhi … nước suối. Và thành quả từ giá trị của lao động sáng tạo là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 cho tập thơ Nguồn. Đây cũng là giải thưởng cuối cùng trong các giải thưởng danh giá mà ông được trao.

Sinh thời, khi nói về tập thơ Nguồn, nhà thơ Trần Quang Quý từng tự sự: "Nguồn có vị trí rất quan trọng đối với tôi. Đó chính là sự trở về. Nguồn là dòng chảy văn hóa của vùng đất quê hương cũng như là cố hương của chúng tôi. Nguồn cội chính là nơi nuôi dưỡng và cũng là động lực để cho chúng ta phát triển, để đi ra với không gian rộng lớn hơn của đất nước cũng như của thế giới. Anh không có điểm tựa ấy thì anh không là gì hết. Cũng như trong gia đình anh phải có điểm tựa của gia đình.

Vì thế mà trong lời đề từ tập thơ, tôi đã viết thế này: Nguồn cội và dòng chảy văn hóa sông Đà núi Tản huyền ảo uy linh, chốn trở về trong tâm thức của tôi. Tôi nghĩ những lời đó đủ nói hết ý nghĩa của quê hương, của nguồn cội. Đó là điểm tựa tinh thần, sức mạnh vô giá cho tôi dựa vào để làm việc, học tập, lao động và trong chừng mực nào đó đạt được những thành công trong nghề báo nghề văn. Cho đến tận bây giờ, khi đã đi qua nhiều thăng trầm thử thách của cuộc đời, những lúc cô đơn nhất tôi lại trở về nguồn, lại nhận từ đó năng lượng vô cùng quý giá."

Nhà thơ Trần Quang Quý: "Trở về cội nguồn khi cô đơn nhất" - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, (H.Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ)

Khi biết tin nhà thơ Trần Quang Quý qua đời, nhiều bạn bè đã vô cùng xúc động, thương nhớ.

"Tôi thật xúc động khi nghe tin này. Anh đã ra đi thật rồi. Ở cái tuổi không phải là già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Nhưng với tôi, nhà thơ Trần Quang Quý vẫn còn quá sớm để anh rời bỏ cõi tạm này khi nội lực viết và sự sáng tạo của anh vẫn còn thu hút, say đắm người yêu thơ và bạn đọc. Tôi tin rằng, dù anh đã mất đi nhưng những vần thơ của anh vẫn còn sống mãi với cuộc sống này…", một người bạn bày tỏ.

Vậy là nhà thơ Trân Quang Quý đã trở về với Cội Nguồn của mình.

Các tác phẩm của nhà thơ Trần Quang Quý đã xuất bản: Viết tặng em trong ngôi nhà chật (thơ, 1990); Mắt thẳm (thơ, 1993); Lời sám hối muộn mằn (tiểu thuyết, 1995); Chị Châu (truyện dài, 1996); Giấc mơ hình chiếc thớt (thơ, 2003); Siêu thị mặt (thơ, 2006); Cánh đồng người (thơ song ngữ, 2010); Bờ sông trăng sáng (truyện ngắn, 2010); Màu tự do của đất (thơ, 2010); Ga sáng (thơ, 2016); Namkau (thơ, 2016); Bay lên những giấc mơ (bút ký, 2017); Nguồn (thơ, 2019); Ngô Văn Dụ – người làng Rau (ký, 2019); Chảy trên dòng thời gian (thơ, 2020); Ướp nhớ (thơ Namkau, 2020)…

Nhà thơ Trần Quang Quý nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải nhì thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983 – 1984; Giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ các năm 1990, 1995; Giải ba truyện ngắn báo Người Hà Nội, năm 1986; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Giấc mơ hình chiếc thớt, năm 2004; Giải nhất thơ 50 năm Bộ đội biên phòng (1959 – 2009); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Nguồn năm 2019.


K.N (th)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn