Tuyên bố của Điện Buckingham nêu rõ: "Nữ hoàng đã qua đời tại Balmoral vào chiều nay".
Thông tin được đưa ra vài giờ sau khi Cung điện Buckingham nói rằng các bác sĩ lo ngại sức khỏe của Nữ hoàng và bà cần được theo dõi y tế. Tất cả con của Nữ hoàng gồm Thái tử Charles, Công chúa Anne, 72 tuổi, Hoàng tử Andrew, 62 tuổi và Hoàng tử Edward, 58 tuổi, lập tức đến lâu đài Balmoral để ở cạnh bà. Hai cháu nội của bà là Hoàng tử William và Hoàng tử Harry cũng có mặt.
Nước Anh sẽ tổ chức quốc tang trong 10 ngày để tưởng nhớ Nữ hoàng.
Thái tử Charles, 73 tuổi, người được chỉ định thừa kế ngai vàng từ năm ba tuổi, hiện trở thành Vua Charles III, và sẽ được chính thức công bố tại Cung điện St James's ở London trong thời gian sớm nhất có thể.
Các đài truyền hình và đài phát thanh ở Anh đã cắt chương trình thường nhật để phát tin tức Nữ hoàng qua đời, với lịch trình đặc biệt đã được tập dượt từ lâu để tưởng nhớ cuộc đời và thời kỳ trị vì lâu dài của bà. Quốc ca "God Save the Queen" được vang lên. Các lá cờ được hạ xuống và chuông nhà thờ rung lên để tưởng nhớ Nữ hoàng.
Các nhà lãnh đạo và các chính trị gia trên thế giới đã nhanh chóng gửi lời chia buồn tới nước Anh về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.
"Với tư cách là Nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ vì phẩm giá và sự cống hiến của bà. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ suốt đời để phụng sự nhân dân. Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.
Từ thủ đô Washington D.C (Mỹ), Nhà Trắng đưa ra thông điệp chia buồn với Hoàng gia Anh cũng như toàn thể người dân nước này. "Chúng tôi chia sẻ nỗi mất mát này với các thành viên trong gia đình của Nữ hoàng cùng toàn thể người dân Vương Quốc Anh", thông báo viết.
Nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh
Nữ hoàng Elizabeth II, sinh ra ở London, Anh vào năm 1926. Bà là con gái đầu lòng của Đức vua George VI và Vương hậu Elizabeth. Cha bà lên ngôi sau khi người anh ruột là Vua Edward VIII thoái vị vào năm 1936.
Nữ hoàng Anh kết hôn với Hoàng thân Philip vào năm 1947. Cuộc hôn nhân hạnh phúc của 2 người kéo dài 74 năm cho đến khi Hoàng thân qua đời vào năm ngoái. Cặp đôi có 4 người con, bao gồm Thái tử Charles, Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward.
Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào ngày 6/2/1952. Tính đến thời điểm hiện tại, bà đã trị vì Vương quốc Anh hơn 70 năm.
Ngoài Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth còn là nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc Khối Thịnh vượng Chung, bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Lucia, Quần đảo Solomon, St Kitts và Nevis, St Vincent và Grenadines.
Những lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng gia trước đó
Sức khỏe của Nữ hoàng được chú ý kể từ khi bà trải qua một đêm trong bệnh viện hồi tháng 10 năm ngoái vì căn bệnh chưa được công bố và sau đó các bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi. Cùng tháng, Nữ hoàng cũng gây chú ý vì lần đầu chống gậy trước công chúng kể từ năm 2004. Kể từ đó, Nữ hoàng hạn chế xuất hiện trước công chúng hơn.
Hồi tháng 2, Nữ hoàng được xác nhận nhiễm nCoV, gây lo lắng vì bà thuộc nhóm có nguy cơ trở nặng cao. Điện Buckingham khi đó ra thông báo cho biết bà chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ giống như cảm cúm, song Nữ hoàng sau này chia sẻ rằng bà cảm giác mệt mỏi và kiệt sức vì nhiễm virus.
Đến tháng 5, Nữ hoàng Elizabeth lần đầu không dự lễ khai mạc quốc hội sau gần 60 năm do gặp khó khăn khi đi lại.
Những lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng gia tăng khi bà rút khỏi cuộc gặp trực tuyến với các tân bộ trưởng của chính phủ mới hôm 7/9, sau khi các bác sĩ yêu cầu bà phải nghỉ ngơi. Chỉ một ngày trước đó, Nữ hoàng tiếp đón tân Thủ tướng Anh Liz Truss và chính thức bổ nhiệm bà.
Trong các bức ảnh lễ bổ nhiệm, Nữ hoàng mỉm cười nhưng trông có vẻ yếu ớt và phải chống gậy. Một bức ảnh làm dấy lên báo động khi cho thấy vết bầm tím đậm trên bàn tay phải của Nữ hoàng.