Nguyễn Thanh Kim và cuộc du ngoạn thú vị vào cõi đời văn chương

07-07-2020 09:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Anh Nguyễn Thanh Kim tặng tôi cuốn sách mới với cái tên sách thật lạ "Nghiệp văn biết mấy...", nó gợi cho tôi cái sự bâng khuâng ngập ngừng đầy ắp tâm sự và cảm xúc, ngôn ngữ hỡi ơi bỗng trở lên chật hẹp.

Một nhà thơ viết về các nhà văn, nhà thơ mà anh ngưỡng mộ như: Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tế Hanh, Trinh Đường, Hoàng Cầm, Anh Thơ, Kim Lân... những bậc tài danh nổi tiếng trước anh và những người cùng lứa chống Mỹ với anh như: Bằng Việt, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Hòa Vang, Y Phương, Nguyễn Trác, Trần Quốc Thực, Phạm Đức...

Trước đó tôi đã được đọc các mẩu chuyện anh kể về nhà văn Nguyên Hồng. Qua những mẩu chuyện giản dị ta nhận ra một nhà văn lớn, một nhân cách lớn và con người đó vô cùng đậm đà bản sắc dân tộc. Hay nói đúng hơn là ông tận cùng Việt Nam và như vậy ông luôn là cây bút độc đáo, cuốn hút bạn đọc trong nước và thế giới. Với nhà thơ Xuân Diệu, Nguyên Thanh Kim viết với tư cách một người si mê thơ. Từ món quà giải thưởng nhận trong cuộc thi thơ ở nhà trường là tập thơ "Một khối hồng" của Xuân Diệu, anh đã đọc tập thơ nhiều lần và cất giữ nó như một báu vật. Có lẽ đây cũng là tác nhân để chúng ta có được một Nguyễn Thanh Kim thi sĩ. “Thơ Tế Hanh thâm nhập và đóng kén trong thế hệ chúng tôi" là nhận xét rất xác đáng "giọng thơ ông cứ tuôn trào như ông cảm ông nghĩ. Chính sự chân thành này trong mộng mơ khiến nhà thơ có được bạn đọc thơ ông nhiều cảm nhận thiết tha".

Bìa cuốn "Nghiệp văn biết mấy..."


Trong mạch cảm xúc của mình, khi viết về những tâm sự của nhà thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Thanh Kim như được vùng vẫy và thăng hoa trong một vùng văn hóa quen thuộc. Anh kể lại thật hay câu chuyện Hoàng Cầm đọc cho Nguyên Hồng nghe bài "Bên kia sông Đuống" vừa được ông viết khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm. Những gì tác giả viết tôi đã biết, những con người ấy tôi đã từng gặp nhưng đọc lại tôi vẫn thấy mới lạ, có lẽ vì cái tình của anh, cái sự háo hức của anh giúp tôi như được sống lại, được giao cảm với những tiền nhân anh tài một thuở.

Trong cuốn sách này, tôi thích bài viết về nhà văn Đỗ Chu bởi không chỉ nhận ra khá rõ chân dung nhà văn Đỗ Chu mà còn nhận ra Nguyễn Thanh Kim thi sĩ. Hình như cái chất Đỗ Chu đã thấm sâu vào con người anh. Sự ảnh hưởng này không phải là bắt chước mà là sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Nó được tạo lên từ cái thuở tác giả hăm hở tìm đọc truyện của nhà văn và ở cái cách Đỗ Chu tâm sự: "Kim này, nhờ giời anh em mình có dăm ba chữ để sống với đời. Chịu khó viết lấy ít trang cho hẳn hoi, mà cũng chớ ảo tưởng về mình, không khéo mà vớ vẩn cả thì khổ". Qua câu nói này nhà văn Đỗ Chu đã đi đến tận cùng bản chất của văn chương. Trong văn chương Việt Nam ta đã có tùy bút của Nguyễn Tuân thì nay ta cũng có tùy bút của Đỗ Chu. Điểm chung là văn chương của hai nhà văn đều là văn chương đích thực, vừa trong sáng vừa quyến rũ. Nếu văn Nguyễn Tuân có phần điệu đà duy mĩ thì văn Đỗ Chu giản dị, sâu xa và đẫm hương đời.

Cũng vậy trong tập sách này, tôi thích bài tác giả viết về nhà văn Hòa Vang. Anh đã vẽ được chân dung chính xác của tài văn này. Thú vị hơn là Hòa Vang cũng vẽ lại được cái chân dung Nguyễn Thanh Kim: "Ông là dân Kinh Bắc, cũng ngơ ngơ ngác ngác cái thứ thi sĩ dở người thì trộn vào đâu được". Chân dung này có phần giống với chân dung tôi khi tôi viết về Nguyễn Thanh Kim "say say/ ngơ ngẩn/ kiếm tìm/ một vùng/ Kinh Bắc/ ẩn chìm/ trong thơ" (Đối thoại mới - thi phẩm 14 chữ). Điều thú vị là tôi cũng giống anh Hòa Vang ở chỗ có thời hay được đèo thi sĩ Nguyễn Thanh Kim trên chiếc xe máy "ước mơ" Dream của mình.

Với mỗi nhà văn trong nghiệp văn của mình Nguyễn Thanh Kim đều có những góc nhìn riêng. Cuốn sách giúp bạn đọc có được cuộc du ngoạn vào cõi đời văn chương đầy thú vị.


Võ Gia Trị
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn