Hà Nội

Người thầy nâng đỡ hàng trăm trẻ bất hạnh

14-09-2023 14:30 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Từ một thầy giáo dạy nghề 30 tuổi, với tình yêu thương trẻ vô bờ bến ông Thực đã đón về những đứa trẻ bất hạnh, rồi chăm sóc, nuôi dưỡng thành những con người đầy nghị lực sống.

Thương những đứa trẻ bất hạnh

Người thầy đó là ông Lê Trung Thực (SN 1963, quê Phú Thọ), Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Nghệ An. Năm 1993, từ lớp dạy may cho trẻ em nghèo thích nghề may ở TP. Vinh (Nghệ An), ông Lê Trung Thực được UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) mời về dạy nghề cho trẻ em tàn tật, mồ côi.

Dạy hết một khoá, thầy giáo Thực định quay trở lại TP. Vinh nhưng vì thấy các cháu tàn tật, mồ côi tha thiết với nghề may để mưu sinh nên ông không nỡ chia tay các cháu và quyết ở lại dìu dắt những đứa trẻ không may mắn này. Nhưng chính câu nói sau đây mới khiến người thầy rơi nước mắt: "Thầy đã thương thì thương cho trọn. Giờ thầy về, ai là người dìu dắt các cháu ra thương trường, phát huy tay nghề để mưu sinh".

Người thầy nâng đỡ hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 1.

Thầy Thực đang vui đùa cùng bọn trẻ.

Thế là thầy Thực thuê một địa điểm ở khối 3 thị trấn Đô Lương đủ để 10 máy khâu cho 10 cháu vừa học, vừa làm. Các cháu lo hành nghề còn cơm ăn, nước uống một mình thầy Thực chăm lo. Một thời gian sau, thầy Thực phải chuyển địa điểm xuống xã Yên Sơn (vùng ven thị trấn) bởi từ chỗ chỉ 10 cháu đến nay có tới 50 cháu xin vào học may. Thầy Thực nói: "Các cháu toàn là con em gia đình chính sách, thương bệnh binh nặng xin vào để vừa học, vừa kiếm sống. Tôi không thể từ chối các cháu được".

Tại đây, ngoài hướng dẫn thêm tay nghề cho các cháu thì thầy Thực còn đi tìm đầu ra cho sản phẩm may sẵn lúc bấy giờ. Có thời điểm không đủ tiền để trang trải cho lớp học, thầy Thực còn dậy sớm để làm bánh bao, đậu phụ đưa đi khắp xóm bán. Chiều muộn thầy còn đạp xe đi thu mua phế liệu, giấy loại rồi lại lo việc chăn nuôi lợn, gà "lấy ngắn nuôi dài".

Với nỗ lực của thầy và trò, năm 1997, cơ sở này trở thành Trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm huyện Đô Lương, do thầy Thực làm Giám đốc. Phát triển được hai năm, trung tâm dạy nghề mang tính nhân đạo này khiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An để ý rồi quan tâm.

Năm 1999, nhân việc Xí nghiệp Gốm Đô Lương ở xã Lưu Sơn giải thể, thầy Thực làm đơn xin UBND tỉnh Nghệ An di dời trung tâm về đó. Nhớ lại thời kì gian nan, thầy Thực kể: "Rất mừng là tỉnh cho trung tâm vị trí này để có thể mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy xí nghiệp gốm giải thể, tan hoang như một bãi chiến trường với vỏ sành từ chum vại chất đống, ngổn ngang nhưng tôi vẫn quyết tâm dựng lại để có nhà cho các cháu ở".

Người thầy nâng đỡ hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 2.

Học sinh tiểu học và THCS của trung tâm tung tăng đến trường.

Rồi cũng chính từ bàn tay và quyết tâm của thầy giáo dạy nghề và 50 học viên sau gần một tháng cơ sở đã hiện lên hình hài mới. Lúc này trung tâm thu nhận thêm một số thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vào làm tổ đội tổng hợp gồm: xây dựng, sản xuất gạch bloc, mua bán giấy, phế liệu...

Thầy Thực trổ tài ngoại giao với các cơ quan, trường học trong địa bàn, tìm việc cho tổ đội này để kiếm thêm thu nhập vẫn theo kế sách "lấy ngắn nuôi dài".

Tất cả kinh phí thu được đều dồn cho việc mua sắm thêm máy khâu để tăng sản phẩm chào bán, trả lương cho người lao động và nuôi các cháu bởi lúc đó nhà nước chưa có hỗ trợ gì.

Tiếng lành đồn xa, lúc này khá nhiều con em mồ côi, tàn tật không nơi nương tựa đến xin gia nhập trung tâm. Đây là lí do, lần thứ hai trung tâm dịch vụ được đổi tên thành Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Nghệ An vào năm 2000.

Tổ ấm để những đứa trẻ bất hạnh "bay" xa

Năm 2002, trung tâm có 100 người trong đó có 30 trẻ không may mắn được nhận về trong rất nhiều hoàn cảnh thương tâm. Thầy Thực kể: "Có hôm, mờ sáng anh em dậy tập thể dục bỗng nghe tiếng trẻ con sơ sinh khóc ngay trước cổng trung tâm. Anh em chạy ra thấy một trẻ sơ sinh nằm trong cái làn nhựa. Nhìn gương mặt trẻ bình thường nhưng khi bế vào thay quần áo thì không thấy chân do chân và đùi dính vào nhau".

Người thầy nâng đỡ hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 3.

Cô bảo mẫu cho trẻ khuyết tật ăn uống tại trung tâm.

Nhắc đến chuyện này, chị Phan Thị Sen, Trưởng phòng tư vấn quản lý và chăm sóc đối tượng của trung tâm cho biết thêm, ngoài trẻ bị tàn tật thì trung tâm cũng tiếp nhận không ít trẻ bị bệnh down, bị liệt, viêm gan B, nhiễm HIV... Rất nhiều trẻ mới vài ngày tuổi bị bỏ ngoài cổng, trên đê gần trung tâm hoặc tại các bệnh viện trong tỉnh. Cái chung nhất của những đứa trẻ xấu số này là nỗi đau vì tuổi thơ bất hạnh. Cũng có những cặp anh em 4-5 tuổi ở vùng cao nhưng sống cảnh lang thang vì mồ côi cha mẹ cũng được đưa về đây.

"Có những đứa trẻ mắc bệnh đặc biệt như não úng thủy, liệt toàn thân, đều được trung tâm đưa đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để điều trị. Khi các cháu đỡ rồi trung tâm lại đón về để tiếp tục chăm sóc" – chị Sen kể.

Người thầy nâng đỡ hàng trăm trẻ bất hạnh - Ảnh 4.

Các em tại trung tâm đang ngồi học bài.

Nhìn những đứa trẻ tung tăng đi học về, thầy Thực khoe: "Năm nay trung tâm có 1 em đậu Đại học Vinh, 1 em đang học trường Cao đẳng Việt – Hàn. Vui hơn nữa là trung tâm có 200 cháu đi xuất khẩu lao động hoặc vào các tỉnh phía Nam làm công nhân tại các Công ty may xuất khẩu. Nhiều cháu khác do tàn tật không đi xa được thì về quê mở cửa hàng may mặc hoặc buôn bán. Các em đã dần tạo dựng cuộc sống".

"Để các trẻ bất hạnh trở thành những con người có vị trí trong xã hội, một phần nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH. Năm 2007, sau khi công nhận mô hình hoạt động này, UBND tỉnh Nghệ An cho phép trung tâm đổi tên là Trung tâm nhân đạo Nghệ An. Theo đó, trung tâm có 15 biên chế bên cạnh 17 người đang hợp đồng" - thầy Thực vui vẻ nói.

Năm 2012, trung tâm bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo đề án 32 của Chính phủ. Để thực hiện sự đổi mới này, UBND tỉnh Nghệ An giao tiếp cho trung tâm quản lí thêm cơ sở số 16, đường Trần Tấn, TP.Vinh. Đây là  đơn vị vệ tinh của trung tâm có chức năng khảo sát và tiếp nhận các đối tượng bị xã hội bỏ rơi, sau đó phân luồng cho các trung tâm công tác xã hội, trong đó có Trung tâm nhân đạo Nghệ An. Cũng từ chức năng này, năm 2012, UBND tỉnh quyết định đổi tên thành Trung tâm công tác xã hội Nghệ An.

Nhiều phần thưởng cao quý

Năm 2012, Trung tâm công tác xã hội Nghệ An được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen của các cấp. Riêng thầy Thực đã được 2 lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2009, 2020 cũng như nhiều bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Nghệ An…

Người lặng thầm gieo tình yêu thương, bác áiNgười lặng thầm gieo tình yêu thương, bác ái

SKĐS - Trong con hẻm nhỏ của đường Phương Sài (Nha Trang, Khánh Hòa) gần 20 năm nay có một người đàn ông miệt mài giành giật về và cần mẫn nuôi dưỡng gần 400 trẻ em bị bỏ rơi, bà bầu cơ nhỡ…



V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn