Nữ bác sĩ của núi rừng Bác Ái

09-01-2011 08:17 | Xã hội
google news

Ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, người Rắc Lây thường kể về chim Ta leo, một loài chim luôn mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho mọi nhà.

Ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, người Rắc Lây thường kể về chim Ta leo, một loài chim luôn mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho mọi nhà. Trên vùng núi rừng hùng vĩ ấy, có một người phụ nữ có tiếng nói trong như tiếng chim Ta leo được bà con gọi là: “Nữ bác sĩ của buôn làng”.

 Bà là bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn (sau này là huyện Bác Ái). Tên tuổi và hình ảnh của người nữ bác sĩ ấy là niềm tự hào của đội ngũ thầy thuốc tỉnh Ninh Thuận, là niềm kiêu hãnh của đồng bào Rắc Lây trong suốt những năm qua...

Khát vọng trở thành bác sĩ

Chào đời năm 1947, cô bé Mấu Thị Bích Phanh lớn lên bằng những củ khoai, củ sắn, lá rau của cha mẹ và bà con làng Ma Ty. Ngày đó, mẹ thường gùi Phanh lên nương mỗi sáng sớm để trỉa bắp, tra hạt lúa. Mẹ bảo: “Phải cố trồng cây cho có nhiều lúa, nhiều ngô khoai để ít bị đói và còn nuôi cán bộ nữa”. Phanh chỉ biết nhe bộ răng sún ra cười và lắc lư theo cái lưng nhấp nhô của mẹ. Giặc Mỹ tràn vào miền Nam, núi rừng Bác Ái chìm trong mưa bom, lửa đạn. Bom đạn địch dội lên nương rẫy, cày xới buôn làng. Máu và nước mắt của người Rắc Lây đổ xuống, nhuộm đỏ cả con suối và đất đai. Nhưng người Rắc Lây không sợ. Bà con nói: “Có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, nhất định chúng ta sẽ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhất định đánh đổ bọn tay sai bán nước. Cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích, người dân Bác Ái hừng hực khí thế đánh giặc.

 Bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh (bên trái) cùng giảng viên trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu ngôn ngữ Rắc Lây.

Ngày ấy nhà Phanh có rất nhiều cán bộ đến ở. Nhiều đoàn chỉ đến có một, hai ngày rồi đi. Nhưng có người thì ở cả tháng liền. Trong những người ở lâu tại nhà Phanh có chú Lương, cán bộ ngoài miền Bắc vô rất vui tính, hay dạy Phanh hát và dạy con chữ. Phanh vui cái bụng lắm. Ngày nào cô cũng tranh thủ lúc chú Lương rảnh rỗi để học hát, học chữ. Chú Lương nói: “Nếu giỏi cái chữ thì có thể học làm cô giáo, làm thầy thuốc hay học làm cán bộ khoa học”. Nghe vậy, Phanh càng muốn được đi học, muốn trong đầu mình có nhiều cái chữ hơn nữa. Những ngày kháng chiến ở Bác Ái, hầu như nhà có người bị bệnh, bị đau bụng, sốt nóng hay sinh nở, bà con chỉ biết cúng lễ thôi. Thế rồi buôn làng có nhiều người bị bệnh chết, có chị khi sinh con cũng thiệt mạng, nhà nào cũng có người bị sốt rét, bị tiêu chảy… “Nếu được đi học, mình sẽ học làm thầy thuốc để chữa bệnh cho bà con” – ước mơ ấy cứ lớn dần, nóng dần trong tâm hồn Phanh. Thấy cô bé dân tộc thông minh, ham học, chú Lương đã gửi Phanh ra Hà Nội học văn hóa khi Phanh tròn 12 tuổi. Ở miền Bắc, cái bụng cô cứ như có lửa đốt, như có kiến bò. Phanh nhớ buôn làng Ma Ty, nhớ những người dân Rắc Lây lam lũ, nghèo khổ nhưng hừng hực khí thế đánh giặc. Nhiều đêm, cô chỉ muốn được bay về Bác Ái để cùng bà con vót chông, lên nương gieo hạt, trỉa bắp. Nhưng Phanh cố kiềm lòng lại. Cô nhớ lời của bà con dặn lúc ra đi: “Rin à (tên ngày bé của Phanh), mày phải cố học cho giỏi, biết nhiều cái chữ của Bác Hồ để về giúp bà con đuổi cái nghèo, đuổi bệnh tật đi nhen”. Lời dặn ấy giúp Phanh chúi đầu vào những con chữ, con số. Cô hiểu, học giỏi cũng góp phần vào đánh Mỹ, góp phần xây dựng quê hương sau này.

Năm 1963, Mấu Thị Bích Phanh được chọn vào đoàn đại biểu đi đón Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ. Tại sân bay Gia Lâm, cô vô cùng vui sướng khi nhìn thấy Bác Hồ cũng đến đón đoàn khách quý. Bích Phanh chỉ muốn chạy đến bên Người, sà vào lòng Bác và nói: “Thưa Bác, người Rắc Lây không chỉ đánh giặc giỏi, mà luôn khao khát được học hành để thoát đói nghèo, để xây dựng quê hương giàu đẹp”. Khi được một cô gái mặc quần áo dân tộc tặng hoa, Chủ tịch nước Trung Hoa hỏi Bác Hồ: “Cô gái này là người dân tộc nào hả đồng chí?”. Bác của chúng ta trả lời: “Đây là con em một gia đình cách mạng, hạt giống đỏ của Tây Nguyên chúng tôi đấy”. Bác đến xoa đầu Phanh dặn dò: “Cháu cố gắng học cho giỏi nhé! Khi miền Nam được giải phóng sẽ về phục vụ cho bà con của mình”.

Lời dặn của Bác Hồ càng thôi thúc Phanh phải học siêng hơn nữa, tốt hơn nữa. Và cô đã thi đậu vào trường Đại học Y Thái Nguyên. Để trở thành bác sĩ đa khoa, Phanh miệt mài đèn sách cả ngày lẫn đêm, cả lúc trên giảng đường lẫn khi ở nhà. Cô còn tranh thủ đến học thầy, hỏi bạn. Cô cũng dành nhiều thời gian đến các bệnh viện, các cơ sở y tế để tìm hiểu, nghiên cứu. Sáu năm ở Thái Nguyên, Bích Phanh đã làm được điều mà bà con làng Ma Ty căn dặn. Cô trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Thầy thuốc của buôn làng

Tổ quốc thống nhất, bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh trở về núi rừng Bác Ái. Đặt bước chân đầu tiên vào làng Ma Ty, chị bật khóc. Người Rắc Lây mình còn nghèo quá. Một số cán bộ ở đây nói với cô: “Nhà nào cũng thiếu gạo, Phanh à”. Mấy người dân thì níu lấy tay cô mếu máo: “Mày có cách nào giúp bà con hết khổ không?”.

Bích Phanh biết mình chưa thể giúp dân giàu lên, nhưng chị sẽ cố gắng để giúp bà con hết bệnh. Làm việc ở Bệnh viện Ninh Sơn được 4 tháng, chị xin về phụ trách Phân viện Phước Đại để được gần bà con dân tộc. Chị đến từng buôn làng vận động bà con ăn chín, uống sôi phòng các bệnh đường ruột, đi ngủ phải mắc màn phòng bệnh sốt rét và sinh đẻ ít để đỡ đói nghèo. Chị Bích Phanh kể lại: “Lúc đầu nói bà con không nghe đâu, nhưng mình cứ đi miết, nói riết. Dần dần mọi người đã hiểu ra và làm theo”. Chuyện đưa bà con ra trạm xá khám chữa bệnh cũng công phu. Theo phong tục của người Rắc Lây, nhà ai có người ốm là mời thầy mo đến cúng. Vì thế, người bệnh càng nặng thêm, không ít người đã tử vong. Nhân có một vài người chết, chị dặn bà con nếu bị bệnh phải đến trạm xá để bác sĩ khám bệnh, cho thuốc trước, sau đó về nhà cúng trời, đuổi con ma sau. 1 nhà nghe, 3 nhà nghe... Dần dần cả buôn làng nghe. Rất nhiều người ốm đã được chị chữa khỏi. Để phòng chống các bệnh bại liệt, viêm màng não, sởi…, bác sĩ Bích Phanh đã cùng nhân viên y tế lội rừng gần 20 cây số đến với các buôn làng xa tiêm chủng, nhỏ thuốc cho đồng bào. Cũng vì thế mà tỷ lệ dân bị sốt rét giảm rất nhanh, chỉ còn 9% so với hơn 78% trước đây. Một số ca đẻ khó băng huyết, nhau không ra, đẻ ngược đã được chị xử lý an toàn, không có chị em nào bị tử vong khi sinh con. Trực ở Phước Đại, nhưng bước chân của bác sĩ Bích Phanh có mặt ở khắp các buôn làng. Cứ nơi nào có người bệnh, nơi nào cần cấp cứu, dù xa xôi cách trở đến đâu, chị cũng đi tới. Ở Bác Ái, ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh nên bà con càng tin yêu chị hơn.

Năm 1982, chị mang theo ba con nhỏ lên Phân viện Phước Đại để tiện công tác và chăm sóc cho gia đình. Mùa mưa, dịch tiêu chảy ào vào Bác Ái. Gia đình chị cũng bị dịch tiêu chảy hành hạ. Dù rất mệt nhưng bác sĩ Bích Phanh vẫn cố đến Phân viện cùng đồng nghiệp ráng sức chữa trị cho bà con, tìm cách dập tắt dịch bệnh. Vừa làm việc ở Phân viện, vừa tranh thủ chạy về nhà chữa trị cho gia đình, nữ bác sĩ cảm thấy như sắp kiệt sức. Anh Mấu Văn Nhương (chồng chị là một kỹ sư nông nghiệp) cùng hai con lớn có dấu hiệu khỏi bệnh, nhưng con trai út Mấu Đức Hùng ngày một lả đi. Mấy ngày sau, cháu Hùng mất. Nước mắt của bác sĩ Bích Phanh tuôn trào. Tim gan chị như bị một bàn tay vô hình bóp chặt, đau nhói…  

Được bổ nhiệm là Trưởng phòng y tế huyện Ninh Sơn, bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh càng quan tâm, chăm lo đến sức khỏe của người dân hơn. Chị rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho cơ sở. Đây là một việc làm khó, vì dân trí của bà con trong vùng rất thấp. Tuy nhiên, chị đã mạnh dạn đề xuất với tỉnh mở lớp đào tạo y sĩ. Học viên của chị người nào trình độ cao cũng chỉ hết lớp 7, lớp 8. Ấy vậy mà bác sĩ Bích Phanh đã cùng các đồng nghiệp đào tạo thành công gần 30 y sĩ cho huyện và các xã vùng sâu.                      

 Bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh (người mặc áo thẫm) đang nhỏ thuốc phòng dịch cho học sinh.

Người giữ hồn cho văn hóa Rắc Lây

Một lần khi xem truyền hình, gia đình ông Chamalé Minh bỗng ồ cả lên: “Nhìn kìa, bà bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh đang nói tiếng Rắc Lây đó”. Trên chương trình tiếng dân tộc của Đài truyền hình Ninh Thuận, nữ bác sĩ giờ đã được bổ nhiệm là Phó chủ tịch huyện Ninh Sơn (sau này là huyện Bác Ái) đang tươi cười đọc bản tin về tình hình sản xuất lúa nước và phòng chống bệnh tật của bà con Rắc Lây. Tiếng nói của chị thật gần gũi, ấm cúng. Nhiều câu trước đây bà con phải mượn của tiếng phổ thông, nay nghe bà bác sĩ nói, ai cũng hiểu, cũng tin. Không chỉ là cộng tác viên cho Đài PT-TH Ninh Thuận, bác sĩ Bích Phanh còn viết tin, bài và đọc trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình VTV5 nữa.

Để giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc, bác sĩ Bích Phanh đã phải mất nhiều đêm thức trắng. Chị rất buồn khi tiếng nói Rắc Lây bị mai một nhiều quá. Chị băn khoăn là tại sao người Rắc Lây chưa có chữ viết? Học hỏi ở những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, chị sử dụng mẫu tự La tinh để tạo chữ viết và biên soạn chữ Rắc Lây. Mẫu chữ chị tạo ra đã thể hiện được hầu như tất cả lời nói, hành động và cả sử thi của dân tộc Rắc Lây. Bác sĩ Bích Phanh còn lặn lội đến những buôn làng xa để sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu về sử thi Rắc Lây. Theo chị Phanh, sử thi Rắc Lây rất phong phú. Mỗi lần đọc sử thi, con người cảm thấy gần gũi, lớn lên với niềm tự hào sâu sắc. Từ lòng nhiệt tình và khối óc của bác sĩ Bích Phanh, những thành ngữ, những từ Rắc Lây mới đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu chuyển tải tri thức và giao lưu văn hóa của người Rắc Lây với xã hội. Trong cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về “Vấn đề đô thị hóa và sự hình thành tộc người Đông Nam Á” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh năm 2005 do Trường Đại học KOBE của Nhật Bản và Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Tôn-gôn-đa, giáo sư ngôn ngữ học người Nhật Bản đã mệnh danh chị là “nhà ngôn ngữ học bẩm sinh”.

Khi còn làm việc cũng như lúc đã nghỉ hưu, một niềm ham mê nữa của bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh là tham gia dạy tiếng Rắc Lây cho cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội và giáo viên người Kinh khi lên làm việc ở Bác Ái. Theo chị, phải nói được, viết được chữ của đồng bào mới hiểu và giúp đỡ đồng bào tốt được. Từ năm 2003 đến nay, chị đã tham gia giảng dạy cho 5 lớp học viên với hơn 250 lượt người. Những học viên của chị giờ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ và giáo viên nói tiếng Rắc Lây khá thông thạo, góp phần rất lớn cho công việc của họ trên vùng đất cách mạng. 

Nghỉ hưu từ năm 2004 nhưng đôi chân và cái đầu của bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh không nghỉ. Chị luôn cùng chồng say mê sưu tầm, phát triển ngôn ngữ và truyền bá văn hóa Rắc Lây đến với mọi người. Trong nhà chị lúc nào cũng có một tủ thuốc. Hễ ai đến nhờ khám-chữa bệnh là chị xách túi lên đường ngay. Ai mua thuốc có tiền thì trả, ai không có chị cho luôn, coi như đó là một việc làm từ thiện.

Rời Bác Ái, tôi ngẩng mặt lên nhìn ngọn núi Ta Na cao ngất. Ven sườn núi, từng đàn chim Ta leo đang chao liệng, líu lo hót véo von trong những điệu vũ. Đâu đó trên những con đường đến các buôn làng Rắc Lây, tôi như vẫn thấy hình bóng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nụ cười rất tươi của bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh đang rảo bước đi sưu tầm sử thi và đeo túi thuốc đến khám-chữa bệnh cho mọi người.  

Bài và ảnh: Bắc Hưng Hải


Ý kiến của bạn