Tin chợ Đổ, tên gọi chính là chợ Tam Bạc cháy sáng ngày 12/2 đã khiến toàn dân Hải Phòng ngỡ ngàng bởi những ai từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, rất hiểu tầm vóc và sự gắn bó của chợ Đổ trong giao thương, buôn bán của thành phố này với các tỉnh phụ cận.
Kể từ lúc chợ Đổ (tên gọi chính là chợ Tam Bạc) bị hỏa hoạn, tinh thần của hàng trăm tiểu thương như suy sụp, "chết đứng". Có người vừa chạy tới cổng chợ, nhìn phía gian hàng khói bốc đen nghi ngút đã ngất xỉu, người thì ôm mặt nức nở vì nghĩ tới số tiền lớn vừa bỏ ra nhập hàng chưa kịp bán đã phút chốc trắng tay; người thì chết lặng thất thần không bước chân nổi; người thì nhao nhao chỉ muốn được vào trong cứu vãn được chút hàng nào thì đỡ ôm nợ chút đó ... Khung cảnh chợ Đổ vô cùng hỗn tạp, lửa vẫn bốc cao, tiếng còi xe cứu hỏa inh ỏi, liên hồi chạy suốt dọc những con phố dẫn vào chợ Đổ. Người trong cuộc đau đớn, người bên ngoài tới xem cũng không khỏi xót xa.
Vào sáng nay (13/2), toàn khung cảnh chợ Đổ vẫn còn ám mùi khói. Khắp các lối dẫn vào khu vực chính của chợ, lực lượng chức năng đặt rào chắn, hạn chế người không liên quan ra vào khu vực để bảo vệ hiện trường. Đã qua 1 đêm nhưng lực lượng phòng cháy vẫn tiếp tục phải ở lại, rà soát kỹ các gian hàng, sẵn sàng dập lửa nếu có bùng trở lại.
Tại điểm gửi xe của Ban quản lý Chợ phía đường Tôn Thất Thuyết, hàng trăm tiểu thương đứng ngồi vật vã, nước mắt lưng tròng, cầm tờ giấy điền kê khai hiệt hại của gian hàng mình, gửi về chính quyền quận Hồng Bàng.
Tiểu thương Phạm Thu Huyền có 2 quầy bán quần áo ở gian hàng 183,184 chợ Đổ tủi thân kể: "Ở đây, chủ yếu bán theo mùa, thời vụ nên cách đây vài ngày, hầu hết các tiểu thương đều nhập hàng mới, chuẩn bị bán cho ngày 8/3 và dịp hè. Số lượng hàng thì lớn, người thì 500 triệu, người tới 2-3 tỉ đồng theo từng quy mô kinh doanh. Như bản thân em, tổng thiệt hại tiền hàng khoảng 500 triệu. Giờ chợ cháy, hoàn toàn trắng tay vì mất hết vốn, không còn nguồn kiếm cơm hàng ngày vì còn phải chờ chợ xây lại...".
Cũng theo chị Huyền, việc quản lý nguồn điện trong các gian hàng ở chợ này rất chặt chẽ. Thường mùa đông, BQL chợ sẽ mở cửa lúc 6h30 và bật đèn cho các chủ tiệm tới dọn hàng. Tối 19h trước khi các chủ quầy về, đều phải đóng nguồn điện của gian hàng mình. Sau đó, BQL sẽ đóng điện tổng của cả Chợ, phòng cháy nổ do chập điện; chỉ duy nhất điện của BQL phải duy trì để họ làm việc. Hàng năm, chợ có tập huấn về phòng chống cháy nổ cho các tiểu thương để nâng cao ý thức phòng cháy trong chợ. Ngay như khách đến mua hàng có lỡ hút thuốc lá cũng được yêu cầu dập lửa; còn thắp hương thì tuyệt đối 100% không rồi. Sự cố cháy chợ lần này khiến chúng em vô cùng thiệt hại. Giờ chỉ mong chợ sớm khôi phục lại, miễn giảm thuế phí trong 1 thời gian nhất định để chúng em có cơ hội kinh doanh, trả bớt nợ và hồi phục kinh tế".
Là người trực tiếp tham gia cứu cháy cùng lực lượng PCCC tại chợ Đổ sáng 11/2, chủ quầy 19 và 30 chuyên bán vải tại tầng 1 của chợ Đổ cho biết: "Khoảng 6 giờ 30, nhận tin báo cháy chợ, tôi chạy lên và thấy lửa cháy chưa lớn, mới có 2-3 quầy bán giày dép cháy. Lúc này đã có cứu hỏa tới nhưng do họng nước chữa cháy trong Chợ không có nước nên phải dùng nước bên sông, từ UBND phường để hỗ trợ cứu cháy. Khoảng nửa tiếng sau thì lửa lan rộng, bùng lên dữ dội".
Theo chia sẻ của những tiểu thương kinh doanh tại chợ Đổ-nạn nhân trong vụ cháy chợ sáng 12/2/2023, hầu hết các chủ hàng đều mới nhập hàng mới về bán, có người vừa nhập về được 1 hôm chưa kịp bóc hàng ra bán, có người đi vay mượn vì buôn lớn, số tiền thiệt hại lên tới 4-5 tỉ đồng; có người hoàn cảnh éo le, vợ phải đi lao động xa nhà, chồng mắc bệnh K ở lại buôn bán 1 sạp vải kiếm tiền nuôi con, dưỡng bệnh, nay rơi vào trắng tay khóc không nổi vì quá sốc, có người cả gia đình có bao vốn liếng đều dồn vào sạp hàng trong chợ kiếm lời nuôi gia đình ...
Theo lời các tiểu thương, Chợ có 2 tầng, tầng 1 để bày bán hàng kinh doanh, tầng 2 là kho chứa đồ. Mỗi chủ sở hữu ít nhất 1 sạp hàng, có người 4-5 sạp, vài kho chứa hàng. Hàng bán trong chợ Đổ từ trước tới nay chủ yếu vẫn là Vải, Quần áo, Giày dép, túi xách, phụ kiện may mặc và cả vàng mã. Tầng 1 của chợ là các gian hàng bày bán, còn tầng 2 chủ yếu là kho chứ hàng của các chủ quầy. Hàng tháng, ngoài các khoản thuế phí, họ cũng phải đóng tiền an ninh cháy nổ cho BQL chợ để phục vụ công tác chữa cháy trong Chợ. Người ít thì khoảng 200 ngàn, người nhiều thì 400, 500 ngàn (tùy theo diện tích quầy, vị trí quầy mình bán)...
Đại diện lãnh đạo quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho biết: "Chợ Đổ là chợ truyền thống loại 1 do thành phố quản lý. Tổng số hộ kinh doanh tại chợ Đổ là 775 quầy, trong đó số gian hàng bị thiệt hại là 665 quầy, số không bị cháy là 110 quầy, riêng khu vực quầy hàng mã phần lớn không bị cháy mà bị hư hại do ngấm nước. Theo Nghị định 02/2003 về phát triển và quản lý chợ thì việc thành lập Chợ phải do 1 công ty đứng ra lập chợ, quản lý. Tuy nhiên, vướng nhất hiện nay là cơ chế đấu giá, đấu thầu trong khi để đạt yêu cầu theo Nghị định này phải lập Trung tâm thương mại. Hiện, quận đã giao phường tiến hành lập phiếu kê khai thiệt hại, mặt hàng và số quầy cho toàn bộ các tiểu thương để quận xem xét sớm có phương án hỗ trợ".
Liên quan đến sự việc này, ngày 13/2, ông Phạm Văn Đoan, Chủ tịch quận Hồng Bàng, cho biết có 300 gian hàng ở chợ đầu mối hoa quả phường Sở Dầu; 117 gian ở chợ Long Sơn, phường Quán Toan và 14 gian ở chợ Trần Quang Khải, phường Hoàng Văn Thụ. Các gian hàng ở chợ đầu mối hoa quả đã sẵn sàng, tiểu thương có thể về ngay. Đây là khu chợ đầu mối hoa quả lớn nhất thành phố, cách chợ Tam Bạc 3,6 km.
Quận Hồng Bàng cũng kiến nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà TP Hải Phòng bàn giao toàn bộ diện tích chợ Tam Bạc để quận quản lý, phối hợp với các đơn vị xây lại.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Tiểu thương kể lại vụ hỏa hoạn chợ Tam Bạc (chợ Đổ Hải Phòng) ngày 12.2.2023Hai