Hơn một tuần trôi qua, người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cơ bản đã thích ứng với cảnh "sống chung với lũ". Nước cũng đang dần rút đi, thế nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát là một trong những vấn đề khiến người dân nơi đây lo ngại nhất lúc này.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phụng (thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) cho hay: "Nhà tôi nuôi hơn 2.000 con gà và vịt, mùa lũ năm nay gia đình thiệt hại nhiều quá, chết khoảng gần 400 con".
Mặc dù vậy, điều bà Phụng lo ngại nhất đó chính là sức khỏe của gia đình. Nước lũ hơn 1 tuần chưa rút, nước sạch chỉ dám dùng để nấu nướng. Sống giữa biển nước mênh mông nhưng lại không có nước sạch để sinh hoạt.
Ghi nhận của phóng viên, nhiều khu vực ngập nặng của xã Nam Phương Tiến nước đục ngầu, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.
Bà Lâm (người dân thôn Nam Hài) cho hay, nước lũ lên nhanh, gia cầm chết lúc đó không vớt được, cũng không biết thu gom vào đâu, chất thải của động vật hòa vào dòng nước lũ khiến môi trường càng thêm ô nhiễm.
Những con gia cầm phải trú ngụ lên nóc nhà để tránh dòng nước lũ.
"Giờ chúng tôi sợ nhất là dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. Những vấn đề về da liễu đối với người dân cũng nhiều, chân tay ngâm nước bị lở loét. Chúng tôi phải mua thuốc dự phòng kèm phun thuốc diệt muỗi phòng tránh dịch", bà Lâm nói.
Với mục đích chủ động phòng, trị bệnh cho nhân dân bị ảnh hưởng trong mùa lũ, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thành lập các Trạm Y tế lưu động.
Bà Nguyễn Thị Uyên (Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến) cho hay, ngoài trực tại trạm để tiếp nhận điều trị cho nhân dân, hằng ngày trạm còn phân công cán bộ đến từng thôn kiểm tra môi trường, hướng dẫn nhân dân vệ sinh nhà cửa, vật dụng và phun phòng khử khuẩn.
Ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung Tâm y tế huyện Chương Mỹ cũng thông tin: "Ngay khi lũ xuất hiện trên địa bàn, chúng tôi đã di dời Trạm Y tế đến chỗ cao, đáp ứng cung cấp thuốc, thăm khám, cấp cứu và chữa bệnh cho bà con. Điển hình, trong mùa lũ, tại thôn Nhân Lý có 45 người bị tăng huyết áp, cán bộ y tế chúng tôi đi thuyền đến tận nơi thăm khám cho người dân kịp thời.. Về bệnh đau mắt đỏ thì chưa ghi nhận ca nào mắc, tuy nhiên cán bộ y tế đã cung cấp nước muối sinh lý rửa mắt để phòng chống".
Để xử lý vệ sinh môi trường sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã cấp gần 200 kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, tiếp tục cung cấp bổ sung cho đơn vị có nhu cầu. Phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập, ông Dương Mạnh Hùng thông tin.