Sàn giao dịch đưa xăng dầu sát hơn với giá thị trường
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu. Khi sàn kinh doanh xăng, dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, hiện kinh doanh xăng, dầu phải gánh nhiều mục tiêu như bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần không ảnh hưởng CPI, bảo vệ môi trường,… Trong khi đó, chỉ cần bảo đảm an ninh năng lượng, hài hòa được lợi ích 3 bên gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là đủ. Thế nên, nhiều doanh nghiệp đề xuất, cần sớm đưa giá xăng, dầu trở về nguyên tắc của nền kinh tế thị trường mà giao dịch qua sàn là một trong những công cụ cần thiết.
Việc đưa xăng, dầu lên sàn giao dịch nhằm tạo ra một thị trường lành mạnh, hoạt động đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn lỗ chịu. Như vậy, sẽ không còn cơ chế xin - cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở, không có giá trần, giá sàn.
Đặc biệt, giao dịch xăng, dầu qua sàn giúp Nhà nước chống thất thu thuế, kiểm soát được giá cả và điều tiết thị trường. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp nhà nước quản lý được chất lượng hàng hóa, quản lý được hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng, dầu.
Khi có sàn giao dịch, giá cả do doanh nghiệp tự quyết định dựa theo biến động hàng ngày của giá thế giới. Khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi nhất, đơn vị nào giá bán tốt, thái độ phục vụ tốt phù hợp thì sẽ được lựa chọn, còn ngược lại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp tự biết phải tính toán lỗ lãi theo cơ chế thị trường, cũng như làm gì để khách hàng đến với họ.
Chuyên gia cho rằng, sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn và giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có Sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Nhà nước không nên làm thay doanh nghiệp
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận định, mặt hàng xăng dầu không tuân thủ theo quy luật cung-cầu thuần túy mà từ lâu đã thoát ly, phụ thuộc nhiều vào địa chính trị như: chiến tranh, thiên tai, những sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính…. Do đó, xăng dầu trong nước cũng chịu ảnh hưởng khi điều hành giá bán phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo với cách điều hành xăng dầu hiện nay cơ quan quản lý nhà nước làm thay cho doanh nghiệp và đây cũng là nút thắt lớn nhất. Do đó, ông Bảo cho rằng, cần có cơ chế xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định.
Quản lý thị trường xăng dầu, nguyên tắc đầu tiên là bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế này. Hai là bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý. Còn lại, hãy để thị trường vận hành.
Lập sàn giao dịch thị trường xăng dầu là một trong các giải pháp. Song chuyên gia lưu ý, sàn giao dịch phải cho phép được giao dịch mua bán tự do và có thể tính đến việc người bán lẻ có được quyền mua của nhiều nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm cách dự trữ xăng dầu tốt nhất. Như vậy, dù giá xăng dầu thế giới có biến động vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác, góp phần tạo ra sự cạnh tranh để giá xăng đầu thấp hơn mà không đẩy giá lên cao ngay khi giá thế giới tăng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc vận hành sàn giao dịch xăng, dầu là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tha gia của nhiều bên liên quan.
"Yếu tố quan trọng là cần có sự giám sát của cơ quan quản lý độc lập nhằm ngăn chặn gian lận, bảo đảm an ninh năng lượng. Về mô hình hoạt động của sàn, nhà nước nên cho phép giao dịch cả hợp đồng kỳ hạn và giao ngay để tạo cơ hội phòng ngừa rủi ro đầu tư. Sàn sẽ áp dụng hệ thống khớp lệnh tự động, công bằng, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình định giá", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đại án đăng kiểm: Hé lộ thủ đoan đưa bố vợ vào "vai" phụ bán căng tin để nhận tiền hối lộ| SKĐS